Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
ĐBSCL bắt đầu chống chọi với xâm nhập mặn mức cao của năm 2024
Thứ năm: 09:06 ngày 22/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tình hình sản xuất nông nghiệp và nhu cầu nước sinh hoạt của người dân ở một số địa phương trong vùng cũng bắt đầu có những ảnh hưởng nhất định.

Xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024 ở một số địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bắt đầu gay gắt khi ranh mặn lấn sâu vào nội đồng ở mức cao so với trung bình nhiều năm. Tình hình sản xuất nông nghiệp và nhu cầu nước sinh hoạt của người dân ở một số địa phương trong vùng cũng bắt đầu có những ảnh hưởng nhất định.

Hồ trữ nước ngọt Kênh Lấp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Trung Chánh

Mặn đang “lấn” sâu vào nội đồng

Ông Giản Văn Toàn, Chánh văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang trong báo cáo tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh và nhận định tình hình thời gian tới, đánh giá xâm nhập mặn mùa khô năm nay của Tiền Giang đến sớm và lấn sâu hơn so với trung bình nhiều năm, độ mặn cao hơn năm 2023 nhưng thấp hơn 2016.

Theo ông, do ảnh hưởng của triều cường đầu tháng Giêng (âm lịch) và gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh nên từ ngày 8-2-2024 độ mặn trên các sông tăng cao đột biến, xâm nhập sâu vào nội đồng và đạt mức cao nhất kể từ đầu mùa khô vào các ngày từ 10 đến12-2.

Cụ thể, trên sông Tiền, độ mặn 1,92 gam/lít đã xâm nhập đến khu vực thành phố Mỹ Tho, tức cách cửa sông lên đến 46 km vào ngày 11-2; độ mặn xâm nhập sâu nhất đến cầu Xoài Hột, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tức cách cửa sông 51 km với nồng độ đo được vào ngày 21-2 là 0,15 gam/lít.

Trong khi đó, trên sông Hàm Luông, độ mặn cao nhất tại Vàm Mơn, xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, tức cách cửa sông 65 km (cách sông Tiền của tỉnh Tiền Giang 9 km) cao nhất đo được vào ngày 12-2 là 1,4 gam/lít; tại Hoà Nghĩa, tức cách cửa sông 72 km (cách sông Tiền của tỉnh Tiền Giang 2 km) vào ngày 12-2 đo được là 0,3 gam/lít.

Còn trên sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn cao nhất tại thành phố Tân An, tỉnh Long An, tức cách cửa sông 75 km vào ngày 13 và 14-2 cao nhất là 1,1 gam/lít và đến sáng ngày 21-2 dù có giảm so với trước đó, những vẫn ở mức 0,5 gam/lít.

“Nhìn chung, xâm nhập mặn năm 2024 đến thời điểm hiện tại lấn sâu hơn so với trung bình nhiều năm”, ông Toàn đánh giá.

Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre cũng đưa ra nhận định, mùa khô 2023-2024 mặn xâm nhập sớm, sâu và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm (trung bình của giai đoạn từ 2012-2023). Trong đó, nửa cuối tháng 2-2024 xuất hiện 1 đợt xâm nhập mặn từ ngày 19 đến 27-2. Tiếp đó, từ tháng 3 đến tháng 5-2024 nhiều đợt xâm nhập mặn khác sẽ liên tiếp xuất hiện nhưng ranh mặn sâu nhất dự báo xuất hiện trong tháng 3-2024.

Viện khoa học thủy lợi miền Nam nhận định, mùa khô 2023-2024 xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL sẽ sâu hơn trung bình nhiều năm và có khả năng đạt đỉnh trong tháng 3 năm nay. Tuy nhiên mức độ xâm nhập vẫn thấp và ít gay gắt hơn mùa khô 2015-2016 – vốn là năm khô hạn và xâm nhập mặn lịch sử ở ĐBSCL.

Cơ sở để đưa ra nhận định nêu trên, đó là tổng lượng dòng chảy về hạ lưu và ĐBSCL thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 5-15%. Hiện mực nước trên dòng chính sông Mekong xuống dần ở mức thấp, trong khi khó có khả năng xảy ra mưa trái mùa tại vùng ĐBSCL.


Nước sinh hoạt của bà Nguyễn Thị Dưỡng, ngụ ấp 3, xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre bị nhiễm mặn mỗi đợt triều cường dâng. Ảnh: Trung Chánh

Nước sinh hoạt nhiễm mặn, sả chết khô

Trước diễn biến tình hình xâm nhập mặn hiện nay, ông Võ Tiến Sĩ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, Công ty công trình thuỷ lợi của địa phương đang thực hiện điều tiết vận hành nhằm đáp ứng phục vụ nhu cầu sản xuất. Đến thời điểm hiện nay, cơ bản đáp ứng được các yêu cầu đề ra.

Tuy nhiên, đối với cấp nước phục vụ sinh hoạt của người dân, một số nhà máy nước do Trung tâm nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre quản lý đang có tình trạng nhiễm mặn. Theo ông Sĩ, hiện nay các đơn vị liên quan đang lập dự trù kinh phí để thực hiện phương án vận chuyển nước ngọt về xử lý cung cấp cho người dân. Trong khi đó, một số nhà máy nước do tư nhân quản lý cũng đang có giải pháp để thực hiện xử lý nước ngọt để phục vụ cho người dân tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Dưỡng, ngụ ấp 3, xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre cho biết, mỗi đợt triều cường lên, nguồn nước máy cung cấp cho một số hộ dân trong khu vực cũng bị nhiễm mặn. “Nói chung, 2-3 năm nay tình hình có đỡ hơn mấy năm trước, nhưng cũng không cải thiện là bao khi chất lượng nước vẫn chưa đạt chuẩn như bình thường”, bà Dưỡng nói.

Trong khi đó, với những hộ dân nằm ở khu vực không có đường ống nước máy đi ngang, thì đành chấp nhận sử dụng nước sông bị nhiễm mặn phục vụ cho nhu cầu tắm giặt. bà Nguyễn Thị Cẩm Giang, xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre chia sẻ: “Ở đây, người dân không có nước cây nên sử dụng nước sông. Dù nước bị nhiễm mặn nhưng người dân cũng chấp nhận sử dụng để tắm giặt, với nước nấu ăn thì mua với giá 7.000 đồng/bình”.

Tuy vậy, một số khu vực như xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, dù không có đường nước máy đi ngang nhưng nhờ nằm cạnh dự án hồ trữ nước ngọt Kênh Lấp nên nước ngọt cho nhu cầu tắm giặt hiện khá dồi dào. Kể từ khi hồ trữ nước ngọt này được xây dựng người dân đỡ phải đi lấy ở xa để sinh hoạt.

Trong khi đó, về tình hình sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục thuỷ lợi tỉnh Tiền Giang đánh giá, nguồn nước phục vụ sản xuất, kể cả sinh hoạt của địa phương hiện vẫn đảm bảo do đã có sự chủ động trong quản lý, ứng phó với xâm nhập mặn.

Đối với một số khu vực trũng của vùng dự án ngọt hoá Gò Công- vốn là vùng dễ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn của tỉnh Tiền Giang- một số diện tích lúa sắp thu hoạch người dân còn đề nghị rút nước ra để nền đất khô. Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Tiền Gian không đồng ý vì còn giữ nước để chủ động phương án cho thời gian tới.

Được biết, riêng khu vực phía Đông của tỉnh Tiền Giang, hiện tổng diện tích lúa đã xuống giống đạt 20.836 héc ta vượt 2,6% so với kế hoạch để ra. Trong đó, lúa giai đoạn trổ là 9.283 héc ta, chín là 11.161 héc ta và thu hoạch là 392 héc ta. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp Tiền Giang thì toàn bộ diện tích này nhiều khả năng sẽ không bị ảnh hưởng.

Thực tế, báo cáo của Chi cục thuỷ lợi tỉnh Tiền Giang cho thấy, đến thời điểm hiện nay, vùng dự án ngọt hóa Gò Công, hiện mực nước trên các kênh trục vẫn còn dao động từ dương 0,37-0,39m.


Có một phần diện tích trồng cây sả của người dân ở huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang bị chết khô do thiếu nước tưới. Ảnh: Trung Chánh

Đối với huyện Tân Phú Đông, vốn là huyện đảo của tỉnh Tiền Giang và là “thủ phủ” sản xuất sả của vùng ĐBSCL, ông Lê Thành Thạnh Tiến, Phó trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khẳng định chưa ghi nhận thiệt hại.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của KTSG Online đối với khu vực nằm ngoài vùng ngọt hoá của huyện, tình trạng cây sả chết khô đã diễn ra…

Bà Huỳnh Thị Minh Nhật, xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang cho biết, gia đình bà có 3 công đất (3.000 m2) trồng sả nhưng đã bị thiệt hại không thu hoạch được. Chi phí đầu tư trồng hết hàng chục triệu, nhưng đến nay gia đình bà vẫn chưa bán được để thu về đồng vốn nào.

Theo bà Nhật, khô hạn, nước nhiễm mặn khiến toàn bộ diện tích sản xuất sả của bà bị chết khô. Trong khi đó, việc sử dụng nước máy để tưới nhằm “cứu” ruộng sả là không thể bởi giá nước đang ở mức 10.000 đồng/m3.

Dù không bị thiệt hại như trường hợp của bà Nhật do ruộng nằm trong vùng ngọt hoá, nhưng ông Phan Minh Hoàng, xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang cho biết, năng suất cây sả giảm khoảng 20% do thiếu nước tưới. Thông thường 1 héc ta trong vụ thuận (có nước tưới đầy đủ) bình quân thu được khoảng 18-19 tấn thì ở vụ nghịch năng suất chỉ 16-17 tấn/héc ta.

Báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông cho thấy, ngoài dừa và các loại cây ăn trái khác, thì sả là loại cây trồng chủ lực của huyện. Đến nay toàn huyện đã xuống giống được 886 héc ta trên tổng số 3.900 héc ta diện tích kế hoạch năm 2024.

Nhìn chung, tình hình xâm nhập mặn hiện nay ở một số địa phương ĐBSCL dù xuất hiện sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm, nhưng nguồn nước phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân vẫn chưa bị tác động quá lớn.

Ông Trần Ngọc Tam,  Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, địa phương sẽ hoàn tất các thủ tục để cuối năm nay Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đầu năm 2025 khởi công xây dựng cống An Hóa, ngăn nước mặn từ sông Tiền vào sông Ba Lai.Song song đó, tỉnh Bến Tre cũng đã có kế hoạch nạo vét lòng sông Ba Lai để tạo đột sâu nhất định nhằm trữ nước ngọt trên sông này.

Ngoài ra, địa phương cũng đang làm thêm “túi chứa nước ngọt” trên sông từ Chợ Lách xuống Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc cũng như đang xây dựng “túi chứa nước ngọt” khác là dự án hồ chứa nước ngọt Lạc Địa, huyện Ba Tri.Đây là những công trình, dự án lớn được Bến Tre chuẩn bị để phục vụ phòng chống hạn mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân trong thời gian tới…

Nguồn thesaigontimes

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục