Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Để âm nhạc đỉnh cao đến gần với công chúng
Thứ sáu: 09:08 ngày 10/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tối 4-3 vừa qua, sự kiện Dàn nhạc giao hưởng London (London Symphony Orchestra - LSO) đến từ nước Anh biểu diễn tại Quảng trường tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội thu hút sự tham gia của đông đảo công chúng, tạo nên một “hiện tượng” trong đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà.

Là một trong năm dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng nhất thế giới, LSO quy tụ gần 100 nghệ sĩ đến từ rất nhiều quốc gia. LSO chọn Quốc ca Việt Nam là tiết mục mở màn tối 4-3 tại Hà Nội. Khi tiếng nhạc vừa cất lên, cùng sự xuất hiện quốc kỳ Việt Nam trên màn hình lớn, khán giả bên trong sân khấu đều đồng loạt đứng dậy. Lập tức, cả biển người ngồi kín lòng đường của phố đi bộ trước hai màn hình led lớn cũng bật đứng lên nghiêm trang, trong tiếng hát hòa theo say sưa, xúc động. Sự cộng hưởng từ khán giả Hà Nội dường như tiếp thêm lửa cho dàn nhạc; ngoài các bản nhạc chính, LSO còn biểu diễn thêm hai nhạc phẩm nổi tiếng của mình, trong đó có bản nhạc trong bộ phim huyền thoại Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao).

Thông thường, các dàn nhạc giao hưởng vẫn biểu diễn trong nhà hát hay nơi sân khấu cầu kỳ, sang trọng. Sự xuất hiện của LSO trong một chương trình hòa nhạc lớn giữa không gian công cộng đã tạo nên những xúc cảm mới lạ, cuốn hút khán giả ở mọi thành phần, trình độ âm nhạc khác nhau; gợi mở nhiều ý tưởng về con đường đưa nhạc giao hưởng, nhạc “bác học” đến với số đông công chúng.

Nhạc giao hưởng Việt Nam tuy còn rất non trẻ so với lịch sử phát triển của thế giới, song đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Chúng ta tự hào với nhiều tác phẩm khí nhạc nổi tiếng phản ánh hào khí, tinh thần của các thế hệ Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều nghệ sĩ nước ngoài, kể cả một số nước có nền âm nhạc phát triển cao, tỏ ra rất ngạc nhiên thấy chúng ta có một đội ngũ nghệ sĩ chuyên nghiệp, trình độ khá cao trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn. Nhạc trưởng Fukumura của Nhật Bản, người từng chỉ huy nhiều dàn nhạc giao hưởng thế giới đã bày tỏ niềm cảm kích khi nói về Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam với những nghệ sĩ hầu hết được đào tạo tại Nhạc viện Hà Nội và khẳng định, nếu được tạo điều kiện tốt hơn, họ sẽ trở thành một trong những dàn nhạc số một của châu Á. Từng “mang chuông đi đánh xứ người”, Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc viện Hà Nội biểu diễn tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) dịp Liên hoan âm nhạc châu Á thành công tốt đẹp; Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam có những chuyến lưu diễn thắng lợi tại nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc…

Lâu nay, lực lượng nhạc sĩ sáng tác khí nhạc ở ta ít hơn so với lực lượng sáng tác ca khúc. Số lượng các tác phẩm khí nhạc được biểu diễn, đến với công chúng lại càng ít hơn so với lượng ca khúc khổng lồ qua các thời kỳ. Kể từ bản giao hưởng đầu tiên Quê hương của nhạc sĩ Hoàng Việt (năm 1960), đến nay chúng ta đã có hàng nghìn tác phẩm khí nhạc. Trừ một số được sử dụng, phần lớn vẫn nằm nguyên trong ngăn kéo của các nhạc sĩ. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ lãng phí chất xám, khi câu hỏi đặt ra là việc tiếp tục sáng tạo những tác phẩm mới liệu có còn là niềm thôi thúc các nhạc sĩ hay không? Lý do thì quá nhiều, đó là: sáng tác một tổng phổ âm nhạc không lời là việc làm vô cùng vất vả, mất nhiều thời gian và công sức, thu nhập thấp; con đường đến với công chúng khó khăn vì loại hình này không dễ tiếp nhận, chi phí tốn kém, dàn dựng kỳ công,…

Vì vậy, phải ghi nhận sự cố gắng của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam, các dàn nhạc giao hưởng của Nhạc viện Hà Nội, Nhà hát Giao hưởng Vũ kịch TP Hồ Chí Minh,… những năm qua đã dàn dựng và biểu diễn một số lượng lớn những tác phẩm của các tác giả tên tuổi như: Hoàng Việt, Nguyễn Văn Thương, Hoàng Vân, Ca Lê Thuần, Trọng Bằng, Chu Minh, Hoàng Cương, Đặng Hữu Phúc, Đỗ Hồng Quân… Những năm gần đây, trình độ thưởng thức âm nhạc của công chúng trong nước được nâng cao. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cả nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật đã nỗ lực bỏ công sức, tiền của đầu tư nhằm mang tới công chúng các tác phẩm kinh điển như: công diễn vở ba-lê nổi tiếng Hồ Thiên Nga do MobiFone tài trợ; Hòa nhạc Hennessy do Audi Việt Nam tài trợ; Hòa nhạc Toyota do Công ty Toyota Việt Nam tài trợ… và mới đây nhất là chương trình biểu diễn của LSO do Tổng công ty Hàng không Việt Nam tài trợ. Là một chương trình miễn phí, Hòa nhạc đường phố “Luala concert” đã đưa nghệ thuật từ không gian sang trọng xuống phố phường, phá vỡ khoảng cách bấy lâu khán giả vẫn tự tạo ra đối với các loại hình nghệ thuật đỉnh cao. Còn với ba-lê hay ô-pê-ra, các đạo diễn và biên đạo múa luôn cố gắng Việt hóa các tác phẩm kinh điển thế giới để đưa vở diễn đến gần hơn với người xem như vở ô-pê-ra Yuzuru (Hạc đêm) đậm bản sắc Nhật Bản trình diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội được NSND Lê Hùng bổ sung nhiều yếu tố đậm nét Việt. Nhạc sĩ Nguyễn Cường thành lập câu lạc bộ thính phòng CEG music - câu lạc bộ đầu tiên biểu diễn khí nhạc miễn phí tại 61 Lý Thái Tổ, Hà Nội…

Đầu tư phát triển âm nhạc đỉnh cao đúng hướng và nâng tầm hưởng thụ văn hóa của số đông công chúng không phải là câu chuyện ngày một ngày hai. Không chỉ quyết định bởi tầm nhìn và chính sách, điều đó rất cần sự nỗ lực từ giới sáng tác và biểu diễn; các nhà quản lý, giáo dục cho đến vai trò quan trọng của những “Mạnh Thường Quân”; để góp phần định hướng, bồi đắp và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại đến công chúng, nhất là lớp trẻ.

Nguồn Báo Nhân dân

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục