BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đề cương về văn hoá và văn hoá công vụ 

Cập nhật ngày: 21/04/2023 - 08:48

BTN - Điều quan trọng là phải làm cho văn hoá thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam, nâng cao tính văn hoá trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là trong thực thi công vụ của cán bộ.

Người dân lấy số thứ tự tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Phương Thuý

Tại hội nghị văn hoá toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã một lần nữa nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện thật tốt là: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị, chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại…”

PHỤC VỤ CHỨ KHÔNG PHẢI QUẢN LÝ

Kế thừa và phát triển những thành quả văn hoá hàng nghìn năm của dân tộc, trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng với những thành tựu trong lĩnh vực kinh tế, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên lĩnh vực văn hoá. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, sự nghiệp xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng gặp những thách thức to lớn. Điều quan trọng là phải làm cho văn hoá thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam, nâng cao tính văn hoá trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là trong thực thi công vụ của cán bộ.       

Trong bối cảnh nền kinh tế tri thức và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam đang tích cực đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi tình hình thế giới, khu vực và trong nước vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19.5.2018 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đã nhận định: Các mối đe doạ truyền thống, phi truyền thống, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt.

Ở trong nước, bên cạnh những mặt tích cực thì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn hiện hữu, có mặt gay gắt hơn; tình hình an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội vẫn tiềm ẩn những nhân tố dễ gây mất ổn định. Sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động ngày càng tinh vi, nguy hiểm, phức tạp hơn trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, với sự bùng nổ của hệ thống thông tin truyền thông toàn cầu và chiến tranh trên không gian mạng...

Do đó, xây dựng những giá trị cốt lõi của nền công vụ đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính phục vụ và yêu cầu phát triển đất nước là nhiệm vụ quan trọng nhưng cũng khó khăn. Giá trị cốt lõi được thiết lập sẽ hỗ trợ tầm nhìn quốc gia, định hình những chuẩn mực văn hoá tiêu biểu, điển hình mang bản sắc quốc gia.

Chúng ta đều biết, hoạt động thực thi công vụ có tính chất đặc thù được bảo đảm bởi quyền lực công, ngân sách Nhà nước, mang tính chất phi lợi nhuận để phục vụ nhân dân, xã hội. Hành vi và hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức liên quan mật thiết đến niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước, sự ổn định và vững mạnh của hệ thống chính quyền. Nếu không có những giá trị cốt lõi định hướng, làm chuẩn mực ứng xử, sẽ dẫn đến hiện tượng cán bộ, công chức lạm quyền, sử dụng quyền lực sai mục đích hoặc ỷ lại, dựa dẫm, đối phó, quan liêu trong thực thi công vụ.

Thực tế cho thấy, mặc dù đại đa số đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống gương mẫu; có ý thức tổ chức kỷ luật, tu dưỡng, rèn luyện; trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao nhưng vẫn tồn tại một bộ phận cán bộ, công chức có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Do đó, cần có những giá trị cốt lõi để định hình nhận thức, tư duy và hành vi của đội ngũ cán bộ, công chức. Xây dựng giá trị cốt lõi của nền công vụ là vấn đề khó, phức tạp, cần sự nghiên cứu nghiêm túc trên cơ sở cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau.

Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943, đặc biệt, ba nguyên tắc: “dân tộc hoá, đại chúng hoá, khoa học hoá” đã trở thành phương châm, mục tiêu hành động, là quan điểm xuyên suốt trong quá trình cách mạng, văn hoá công vụ cũng không thể rời xa được ba nguyên tắc nói trên. Hệ thống giá trị cốt lõi trong nền công vụ phục vụ của Singapore đề cao vai trò của 3 giá trị: liêm chính (trung thực, minh bạch bộ máy, quy trình và nguồn lực); phục vụ (dịch vụ chuyên nghiệp, thân thiện, chu đáo); sự tuyệt hảo (liên tục cải tiến và nỗ lực vượt qua các giới hạn)...

GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA VĂN HOÁ CÔNG VỤ

Thượng tôn pháp luật: Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng đã đề cập đến việc xây dựng “Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân và vì dân”. Năm 2001, khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, lần đầu tiên thuật ngữ “nhà nước pháp quyền” được hiến định, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để hiện thực hoá việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong nhà nước pháp quyền, cán bộ, công chức cần thượng tôn pháp luật để được dân tin tưởng, tôn trọng, ủng hộ.

Biểu hiện của việc thượng tôn pháp luật là tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền; bảo đảm tính hệ thống, thống nhất, liên tục, thông suốt và hiệu quả, có sự kiểm tra, giám sát việc sử dụng quyền lực công, nguồn lực công.

Trách nhiệm: Người có trách nhiệm là người hiểu rõ vai trò, bổn phận, nghĩa vụ của mình trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân, tổ chức và đơn vị công tác. Họ sẵn sàng, tự giác, chủ động nhận trách nhiệm và nỗ lực cao nhất để đạt được mục tiêu trong điều kiện nguồn lực có hạn và môi trường biến đổi. Đồng thời, họ cũng sẵn sàng chịu trách nhiệm, xin lỗi và nỗ lực khắc phục hậu quả nếu phát ngôn, hành động, việc làm không đúng như quy định hoặc cam kết.

Liêm chính: Đó là sự trung thực, trong sạch, ngay thẳng trong thực thi công vụ; phân biệt những vấn đề phù hợp, không phù hợp trong thực thi công vụ, dũng cảm đấu tranh với những điều sai trái và bảo vệ những điều đúng đắn, phù hợp; không tham lam địa vị, tiền tài; không sử dụng công cụ, cách thức lừa dối, bịa đặt, gian lận hoặc lợi dụng uy tín của tập thể để đạt được mục tiêu, lợi thế hay lợi ích cho cá nhân. Người có sự liêm chính không chỉ biết giữ gìn sự liêm chính của bản thân, mà còn sẵn sàng lên tiếng, đấu trách bảo vệ sự liêm chính của tổ chức và nền công vụ.

Minh bạch: Đó là sự rõ ràng, tường minh và sẵn sàng giải trình trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân, cơ quan và người có thẩm quyền. Cán bộ, công chức có sự minh bạch sẵn sàng, chủ động thực thi công vụ công khai, cụ thể, không giấu giếm, che đậy, khuất tất; sẵn sàng phối hợp và tạo điều kiện để thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Sự minh bạch luôn đi liền với bảo đảm trách nhiệm báo cáo, giải trình. Trách nhiệm giải trình không chỉ là trách nhiệm báo cáo đối với cơ quan quản lý, thanh tra, kiểm tra, với lãnh đạo; tuân thủ các quy định, đó còn là trách nhiệm giải trình trước nhân dân. Đồng thời, đó còn là khả năng giải thích, biện minh, bảo vệ cho những quyết định và hành động của tập thể và cá nhân, cũng như vấn đề chịu hậu quả từ những quyết định và hành động đó.

Phụng sự: Mục tiêu thực thi công vụ gắn với bản chất của Nhà nước Việt Nam “của dân, do dân, vì dân” với mục đích bảo vệ chế độ; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích của nhân dân, của cơ quan, tổ chức; bảo vệ trật tự pháp luật; không vì lợi ích cá nhân và không vì mục tiêu lợi nhuận. Người thực thi công vụ phải hết lòng phụng sự, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đặt lợi ích của Nhà nước, xã hội và công dân lên trước hết. Biểu hiện sự phụng sự là tuyệt đối trung thành và hết lòng phục vụ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, tổ chức. Mỗi cán bộ, công chức thực sự là công bộc của dân, gần dân, sâu sát lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; chủ động, sáng tạo trong phục vụ nhân dân để mang lại người dân những trải nghiệm tích cực nhất; không được hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà, khó khăn cho nhân dân.

“Dân tộc, khoa học, đại chúng”- những thuật ngữ đã trở thành khẩu hiệu, mệnh lệnh trong suy nghĩ, hành động của mỗi người dân Việt Nam trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thực hiện công cuộc đổi mới và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong đó đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công bộc của dân. Dân tộc, khoa học, đại chúng đã trở thành tính chất, đặc trưng của nền văn hoá Việt Nam - một nền văn hoá thấm đẫm tinh thần dân tộc, giàu bản sắc do nhân dân sáng tạo với khát vọng không ngừng vươn đến cái đẹp, cái ích, cái tiến bộ, văn minh. Kế thừa, bổ sung và phát triển những giá trị dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học sẽ giúp cho đội ngũ cán bộ công bộc của dân sẽ không ngừng được bồi đắp thêm những nền tảng vững chắc trong sự nghiệp phục vụ nhân dân.

Việt Đông