BAOTAYNINH.VN trên Google News

Để đứng vững trong một thế giới nhiều bất ổn

Cập nhật ngày: 08/08/2024 - 08:34

Trước những biến động to lớn và khôn lường của thế giới, Việt Nam hiện là một trong số ít quốc gia đang được dư luận quốc tế đánh giá cao khi tiếp tục giữ vững được thế cân bằng tinh tế trong đường lối đối ngoại và chính sách ngoại giao; nâng cao nền chính trị ổn định, độc lập, tự chủ.

Trong bài viết mới đây với tiêu đề “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khái quát tình hình quốc tế ngắn gọn nhưng chuẩn xác rằng: “Từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác định trật tự thế giới mới. Hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo nhưng cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, trong đó châu Á - Thái Bình Dương là địa bàn cạnh tranh quyết liệt nhất”.

Thực tiễn cho thấy cuộc xung đột Nga - Ukraine bất ngờ xảy ra và kéo dài mà chưa có dấu hiệu đến hồi kết. Xung đột Israel - Hamas bùng nổ, tiếp nối là căng thẳng cao độ giữa Israel và Iran khiến khu vực Trung Đông vốn đã nóng, giờ càng trở nên nóng hơn. Bên kia đại dương, nước Mỹ đang đứng trước thềm một cuộc bầu cử tổng thống nhiều biến động với những sự kiện vô tiền khoáng hậu và kết quả chưa ai có thể đoán chắc. Mối quan hệ đan xen nhiều chiều giữa cường quốc kinh tế, quân sự số 1 thế giới này với nhiều cường quốc khác cũng đang đứng trước những thách thức lớn khó dự báo chính xác trên cả mặt trận chính trị - quân sự - an ninh - kinh tế.

Những biến động mạnh mẽ của thế giới cùng lúc gây ra nhiều rủi ro với nền an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống. Chỉ tính riêng năm 2023, chi tiêu quốc phòng thế giới đạt mốc 2.443 tỉ USD, tăng 6,8% so với năm trước. Đây là mức tăng hằng năm mạnh nhất kể từ năm 2009. Việc tăng cường chạy đua vũ trang có thể tạo không khí bất an, gây áp lực lên môi trường quốc tế, hình thành rào cản với các kế hoạch hợp tác, quá trình hội nhập, phát triển kinh tế, tự do thương mại...

Mặt khác, vai trò chi phối của những cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nga, các quốc gia đứng đầu liên minh châu Âu ở các điểm nóng mâu thuẫn, xung đột đều rất lớn. Nó đòi hỏi các quốc gia như Việt Nam phải đối mặt với bài toán ứng xử không dễ dàng để vừa giữ vững độc lập, tự chủ, không bị kéo vào vòng xoáy mâu thuẫn nước lớn, không bị rơi vào thế phải chọn hoặc (và) phụ thuộc vào “phe này” hay “phe kia”, vừa phải đảm bảo sự ổn định để phát triển.

Cuối cùng, tình trạng phổ biến các quan hệ cạnh tranh, thậm chí là đối đầu, xung đột về quân sự lẫn kinh tế như hiện nay cũng có thể khiến các quốc gia, nhất là những nước có nền kinh tế với độ mở cao như Việt Nam có thể chịu nhiều tác động trực tiếp. Làm sao để ứng phó với những biến động trên thị trường xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng toàn cầu, giá năng lượng, lạm phát, trừng phạt và cấm vận, hay như sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ kinh tế… của các nền kinh tế lớn? Đó là những câu hỏi sẽ làm đau đầu ngay cả những người làm chính sách kỳ cựu nhất.

Trước những biến động to lớn và khôn lường của thế giới, Việt Nam hiện là một trong số ít quốc gia đang được dư luận quốc tế đánh giá cao khi tiếp tục giữ vững được thế cân bằng tinh tế trong đường lối đối ngoại và chính sách ngoại giao; giữ vững sự ổn định, độc lập, tự chủ; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng để bảo vệ lợi ích cao nhất của đất nước, dân tộc; đóng góp nhiều công sức và sáng kiến vào nền hòa bình, ổn định, lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

Điều đó đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh trong bài viết: Giữ vững độc lập, tự chủ; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; tăng cường đóng góp thiết thực của Việt Nam trong duy trì hòa bình trong khu vực và trên thế giới.

Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc. Kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; kiên định lập trường, quan điểm và thực hành nghệ thuật ngoại giao thời đại mới trên cơ sở cốt cách con người Việt Nam “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “hòa hiếu”, “lấy chí nhân thay cường bạo””.

Đó tiếp tục sẽ là “kim chỉ nam” để Việt Nam tiếp tục thích ứng với những biến động khó lường của thế giới trong thời gian tới.

Nguồn PLO