Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Thực tiễn quá trình đổi mới cho thấy, với sự kiên định nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã vận dụng một cách sáng tạo, bám vào thực tiễn vận động của đời sống kinh tế, chính trị trong nước và bối cảnh quốc tế để “học thuyết luôn tưới mới, không rơi vào xơ cứng, lạc hậu so với cuộc sống”.
“Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Kiên định đi lên chủ nghĩa xã hội là đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, là sự lựa chọn của lịch sử. Tuy nhiên, với sự biến đổi không ngừng của tình hình thế giới, khu vực, việc kiên định con đường phát triển đất nước không có nghĩa là rập khuôn máy móc, chỉ bám theo những mô hình, chính sách cũ mà thiếu sự sáng tạo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Trung ương 2, khóa XIII. Ảnh TTXVN
Quá trình đổi mới chỉ ra rằng, nếu cứng nhắc theo một khuôn thước, hình mẫu thì khi thực tiễn đời sống vận động, phát triển sẽ xảy ra các mâu thuẫn kìm hãm sự phát triển, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng.
Trong bài viết, Tổng Bí thư chỉ rõ: “Đảng lãnh đạo và cầm quyền, trong khi xác định phương hướng chính trị và đề ra quyết sách, không thể chỉ xuất phát từ thực tiễn của đất nước và dân tộc mình, mà còn phải nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ thực tiễn của thế giới và thời đại”.
Đặc biệt, trong quá trình phát triển phải đảm bảo nguyên tắc kiên định và sáng tạo: “Điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động.
Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học.
Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”.
Thực tiễn quá trình đổi mới cho thấy, với sự kiên định nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã vận dụng một cách sáng tạo, bám vào thực tiễn vận động của đời sống kinh tế, chính trị trong nước và bối cảnh quốc tế để “học thuyết luôn tưới mới, không rơi vào xơ cứng, lạc hậu so với cuộc sống”.
Việc vận dụng phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN được coi là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân (KTTN) là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Chúng ta từng nghe những câu chuyện kể của các thế hệ cha anh lao động trong thời bao cấp, khi mà quan niệm KTTN còn bị “khoanh vùng”, đánh đồng KTTN thuộc bản chất kinh tế tư bản chủ nghĩa. Trong giai đoạn đó, kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể là hình mẫu và đi vào các bài ca lao động hợp tác, việc gọi tên, cổ súy KTTN được xem là phạm về tư tưởng.
Trong chiến tranh, chế độ kế hoạch hóa tập trung bao cấp, tập trung phát triển kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể là cần thiết nhưng trong thời bình, việc không thừa nhận sản xuất hàng hóa và cơ chế thị trường, không thừa nhận sự tồn tại của nền kinh tế nhiều thành phần lại là những sai lầm lớn dẫn đến khủng hoảng kinh tế trầm trọng những năm sau giải phóng.
Trước thách thức đó, Đảng ta đã luôn tìm tòi, khám phá những chính sách kinh tế phù hợp để thoát khỏi sự khủng hoảng. Hội nghị Bộ Chính trị khóa V (tháng 8-1986) được coi là bước đột phá thứ ba trước đổi mới.
Tại hội nghị này, Đảng ta xác định rõ cơ cấu kinh tế nhiều thành phần gồm kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, kinh tế gia đình, tư bản tư doanh, công tư hợp danh, tiểu sản xuất hàng hóa, tư bản tư nhân và kinh tế tự nhiên, tự cấp tự túc.
Đại hội VI của Đảng năm 1986 với đường lối đổi mới toàn diện đất nước đã đáp ứng yêu cầu bức thiết của yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội để đưa đất nước ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội, xác định nhiệm vụ đổi mới và là vấn đề có ý nghĩa sống còn.
Đến Đại hội VIII, Đảng ta chủ trương tạo điều kiện kinh tế và pháp lý thuận lợi để các nhà kinh doanh tư nhân yên tâm đầu tư làm ăn lâu dài, trong đó “kinh tế cá thể, tiểu chủ có vị trí quan trọng, lâu dài”. Đại hội X (tháng 4-2006) xác định, KTTN có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế. Và, đến Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xác định phát triển KTTN “trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”.
Như vậy, xuyên suốt quá trình từ khi công cuộc đổi mới bắt đầu đến nay, việc xác định vai trò, vị trí của KTTN thể hiện những thay đổi về tư duy để thành phần kinh tế này ngày càng phát huy hiệu quả, là bước tiến quan trọng trong nhận thức của Đảng ta về vị thế của KTTN trong thời kỳ mới. Đến nay, đã xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển KTTN lành mạnh và đúng định hướng.
Đương nhiên, việc đẩy mạnh KTTN phải song song việc phát huy mặt tích cực có lợi cho đất nước với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, thực hiện công khai, minh bạch để ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực của loại hình kinh tế này, nhất là phòng, chống các hành vi thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính.
Đây chính là việc thể hiện “định hướng XHCN” của các thành phần kinh tế nói chung, KTTN nói riêng, khác với việc để phát triển tự nhiên, gia tăng các mặt trái. Nghị quyết số 10-NQ/TW nêu rõ mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025, khu vực kinh tế này sẽ đóng góp khoảng 55% GDP của nền kinh tế, đến năm 2030 khoảng 60-65%.
Thêm một minh chứng sống động cho thấy sự vận dụng sáng tạo, để học thuyết luôn tươi mới là quy định về đảng viên làm KTTN. Quy định số 15-QĐ/TW, ngày 28-8-2006, của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về đảng viên làm KTTN là một quy định phù hợp yêu cầu thực tiễn.
Tuy nhiên, khi đó trong Đảng, trong xã hội có nhiều ý kiến khác nhau. Có những quan niệm cũ đã bám rễ, mặc định rằng nếu đảng viên làm KTTN thì sẽ chệch hướng, sẽ bị tư bản hóa, không còn là đảng viên cả giai cấp vô sản. Trong khi đó, cũng có những luồng quan điểm lợi dụng hiện tượng kinh doanh bất chính của một số đảng viên để đưa ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc chủ trương của Đảng.
Song, thực tiễn cho thấy, đây là chủ trương đúng đắn, khoa học, cho phép đảng viên làm KTTN nhưng phải gắn với những quy định bắt buộc. Khi Đảng đẩy mạnh phát triển thành phần KTTN thì đảng viên phải phát huy vai trò gương mẫu, không thể coi đó là việc của xã hội, không phải việc của đảng viên.
Do đó, Quy định số 15-QĐ/TW được ban hành cho phép đảng viên làm KTTN không giới hạn về quy mô song phải gương mẫu chấp hành Điều lệ Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước và các quy định cụ thể của Ban Chấp hành Trung ương.
Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho những đảng viên có vốn, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh yên tâm phát huy nguồn lực, năng lực để làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình, đóng góp tích cực phát triển kinh tế - xã hội. Sự ra đời của Quy định 15 đã hướng mở cho rất nhiều người, không còn phải đắn do lựa chọn hoặc là phát triển KTTN, hoặc là trở thành đảng viên thì “nói không” với KTTN.
Kết luận của Bộ Chính trị nêu rõ, qua hơn 10 năm thực hiện Quy định số 15, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng về đảng viên làm KTTN đã có sự chuyển biến tích cực. Các quy định pháp luật được ban hành, sửa đổi, bổ sung khá đồng bộ, tạo hành lang pháp lý và tâm lý xã hội cho đảng viên làm KTTN.
Số lượng đảng viên làm KTTN năm 2017 tăng 3,57 lần so năm 2006, chiếm 2,72% tổng số đảng viên toàn Đảng. Phần lớn đảng viên làm KTTN giữ gìn phẩm chất, đạo đức, kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng, hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đảng viên...
Những dẫn chứng trên về sự phát triển của thành phần KTTN bác bỏ quan điểm cho rằng, Đảng ta vận dụng máy móc, giáo điều, áp dụng xơ cứng, lạc hậu làm kìm hãm sự phát triển đất nước.
Ngược lại, chính những đổi mới về tư duy, về đường lối, quan điểm đã thể hiện sự năng động, sáng tạo của Đảng, đúng như Tổng Bí thư đánh giá “để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”.
Nguồn cand