BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đề nghị công nhận di tích văn hoá - lịch sử Bàu Ông Đá 

Cập nhật ngày: 13/10/2023 - 07:44

BTN - Người dân ở đây rất tin tưởng, cho rằng Ông Đá có huyền năng phù hộ cho sức khoẻ, sự bình an, việc mua may bán đắt...

Tượng Ông Đá ở Tiên Thuận.

Thời gian qua, Bàu Ông Đá (xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu) thu hút khá đông người đến cúng viếng, gây mất an ninh trật tự. Sau khi báo chí phản ánh, UBND huyện Bến Cầu đã chỉ đạo UBND xã Tiên Thuận chấn chỉnh, lập lại an ninh trật tự.

Theo đó, UBND xã Tiên Thuận thành lập Tổ kiểm kê di sản, di vật, các loại cây lớn tuổi ở Bàu Ông Đá và Tổ tuyên truyền bảo đảm an ninh trật tự, môi trường. Ông Nguyễn Thành Trung- Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Thuận cho biết, đến nay, tình hình ở khu vực này đã ổn định.

Ông Đào Thái Sơn- hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Chi hội phó Chi hội Văn nghệ dân gian, Hội Văn học - Nghệ thuật Tây Ninh, người từng có nhiều bài viết liên quan đến Bàu Ông Đá cho biết, Tiên Thuận là một làng xưa của đất Tây Ninh, có nhiều di chỉ khảo cổ giá trị, như miếu bà Bến Đình, gò chùa Thầy Lưỡng, khu Bàu Ông… nhưng khu Bàu Ông ở ấp Bàu Tép được nhiều người biết đến hơn.

Bàu Ông là một khu rừng có diện tích hơn một hec-ta nằm giữa đồng ruộng, giữa rừng có cái bàu nước mà người dân quen gọi là bàu Ông. Khu vực bàu có thờ Ông Đá, được gọi là Bàu Ông Đá. Ông Đá là một hoa sen tạc từ đá sa thạch xám đỏ, được người dân tìm thấy ở bờ phía Tây của bàu vào thời gian trước đây.

Theo nghiên cứu của Bảo tàng Tây Ninh, hoa sen bằng đá có đường kính 0,8m, cao 0,9m, giữa đài sen khoét một lỗ tròn có đường kính khoảng 15cm, đặt một viên đá hình trụ giống với Linga. Có thể đây là biểu tượng của Linga-Yoni được cách điệu, nhưng cũng có ý kiến cho rằng tượng hoa sen đá này gắn liền với ý nghĩa tạo lập thế giới trong văn hoá Bà-la-môn cổ xưa.

Người dân cúng viếng ở miếu Ông Đá.

Văn hoá Bà-la-môn cho rằng thần Brahma được sinh ra trong một hoa sen mọc từ rốn của thần Visnu, trong khi thần Visnu đang nằm trầm tư trên lưng con rắn thiêng trôi bồng bềnh trên mặt biển vũ trụ. Người Ấn xưa quan niệm Brahma là vị thần sáng tạo, Visnu là vị thần bảo tồn, còn Siva là thần huỷ diệt. Ba vị này gọi chung là tam thần nhất thể.

Hoa sen mang ý nghĩa luân hồi: cánh hoa nở tượng trưng cho quá khứ, đài sen là hiện tại và hạt sen chính là tương lai. Bên cạnh đó, sen là loài hoa có nhiều hạt vì vậy nó còn mang ý nghĩa phồn thực, sinh nhiều con cái, sự no đầy, phồn vinh, phúc lộc và trường thọ.

Từ ý nghĩa trên, văn hoá Bà-la-môn coi hoa sen là biểu tượng thể hiện sự hài hoà âm dương; 8 cánh sen tượng trưng cho tám hướng phát triển; hình tượng hoa sen được đưa vào kiến trúc đền tháp, dùng làm biểu tượng thờ cúng.

Bàu Ông là một bàu nước hình chữ nhật, trục Đông- Tây dài 73m, trục Bắc- Nam rộng 57m, sâu khoảng 1,3m - 1,5m. Sông Vàm Cỏ Đông uốn lượn ngoài kia không khác gì con rắn thần Ananta mà thần Visnu gối đầu trong giấc ngủ ngàn năm.

Còn hoa sen đá kia chính là tượng trưng cho hoa sen mọc ra từ rốn của ngài và trụ đá gắn trên phần lồi của hoa sen chính là tượng trưng cho thần Brahma được sinh ra để tạo lập thế giới. Tất cả đều là tượng trưng cho sự mong cầu và tái tạo cuộc sống hạnh phúc, ấm no của người xưa.

Đoá hoa sen đá ngày nay ở Bàu Ông Đá là một nét tín ngưỡng hoàn toàn khác. Nó không còn dấu ấn của Bà-la-môn giáo cổ xưa, mà đã chuyển dần qua tục thờ đá của người Khmer và sau cùng là Việt hoá thành một “Ông Đá”.

Ngôi miếu thờ Ông Đá ngày nay được người dân xây dựng khá vững chãi ẩn mình trong một khu rừng xanh tươi mát mẻ và huyền bí. Người dân ở đây rất tin tưởng, cho rằng Ông Đá có huyền năng phù hộ cho sức khoẻ, sự bình an, việc mua may bán đắt...

Đại Dương