Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Đề nghị thu hẹp phạm vi điều chỉnh Pháp lệnh vũ khí
2011-04-27 08:19:00

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bước đầu về dự án Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Tiếp tục phiên họp 39, sáng 26.4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bước đầu về dự án Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Theo Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là những loại phương tiện đặc biệt, có liên quan trực tiếp đến bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn, xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Hiện nay, việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là rất rộng và phức tạp, liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng, quyền và lợi ích hợp pháp khác của nhân dân.

Dự thảo Pháp lệnh gồm 6 Chương, 41 Điều, được xây dựng để đáp ứng yêu cầu về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và góp phần phát triển kinh tế đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, phù hợp với quy định hiện hành có liên quan.

Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh đề nghị thu hẹp phạm vi điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh, chỉ điều chỉnh các loại vũ khí trang bị cho cá nhân (loại vũ khí mà nếu lọt vào tay tội phạm và những phần tử xấu để hoạt động phi pháp sẽ có thể gây nguy hại cho xã hội) như các loại: súng trung liên, súng tiểu liên, súng cac bin, súng ngắn, súng trường, súng tự chế có tính năng, tác dụng tương tự, súng săn, súng thế thao, lựu đạn và các loại súng dùng để bắn hơi cay, hơi ngạt, tia laze…; vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Phạm vi điều chỉnh như dự thảo là quá rộng, nhiều nội dung chưa phù hợp với vũ khí tập thể.

Về đối tượng được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, Thường trực Uỷ ban tán thành ngoài lực lượng vũ trang, việc trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cho các lực lượng khác phải căn cứ vào tính chất, yêu cầu nhiệm vụ, đối tượng đấu tranh để quyết định trang bị cho phù hợp.

Phổ biến chỉ nên trang bị vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ nhằm làm tê liệt khả năng kháng cự của đối tượng hoặc làm vô hiệu hóa hành vi vi phạm pháp luật gây nguy hiểm cho xã hội. Thực tế, qua giám sát cho thấy, nhiều cơ quan, tổ chức được trang bị vũ khí nhưng việc quản lý còn lỏng lẻo và lúng túng trong sử dụng. Nhiều trường hợp nổ súng gây chết người hoặc bị thương đã phải khởi tối vụ án hình sự.

Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh cũng đề nghị cần nghiên cứu để quy định về các trường hợp nổ súng chặt chẽ hơn, phòng ngừa việc lạm dụng vũ khí gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe cá nhân, tài sản của nhà nước, tổ chức, cá nhân. Dự thảo mới chỉ quy định chung là “sử dụng vũ khí theo quy định của pháp luật” (trừ Pháp lệnh Cảnh sát biển) mà chưa quy định cụ thể được nổ súng trường hợp nào?

Cho ý kiến tại phiên thảo luận, các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu dự cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh và nhiều nội dung cơ bản trong Tờ trình và Báo cáo thẩm tra. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thêm về phạm vi điều chỉnh của dự thảo. Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng như dự thảo xác định hiện nay là quá rộng.

Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, khi xác định phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh này, cần nghiên cứu cả những yếu tố thuộc về lịch sử, văn hoá, truyền thống dân tộc. Ví dụ, ở vùng cao, những loại vũ khí thô sơ như cung, nỏ, tên, dao găm…là những vật dụng bình thường trong đời sống của đồng bào dân tộc, nếu cũng cấm, không cho tàng trữ thì có nên không ? Nhiều trường hợp khác như: vật kỷ niệm của đồng bào; những hiện vật truyền thống của gia đình, dòng họ; vật lưu giữ trong các bảo tàng tư nhân... sẽ điều chỉnh như thế nào? Nếu đưa tất cả những loại này vào phạm vi điều chỉnh sẽ thiếu tính khả thi.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, vấn đề khó nhất và lớn nhất trong xây dựng Pháp lệnh này là xác định mục tiêu ban hành và phạm vi điều chỉnh. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo lại Chính phủ, xác định lại phạm vi điều chỉnh theo hướng thu hẹp lại, xây dựng, hoàn chỉnh lại Tờ trình để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đồng tình đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo trao đổi, thảo luận thêm, xác định lại mục đích, yêu cầu, quan điểm, phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh để trình lại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội , không nhất thiết nhất định phải thông qua vào phiên 41 như dự định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, trong quan điểm xây dựng Pháp lệnh này, cần lưu ý đến tính nhân dân, vận động quần chúng để tạo được sự đồng thuận, nhận được sự ủng hộ, đồng tình, giúp đỡ của nhân dân thì mới đảm bảo tính khả thi.

(Theo TTXVN/Vietnam+)

Từ khóa:
Tin liên quan