Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đề phòng nạn “tham nhũng chính sách”
Thứ ba: 20:01 ngày 10/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tại hội nghị tổng kết và triển khai công tác của Sở Quy hoạch kiến trúc thành phố vừa qua, người đứng đầu UBND thành phố Hà Nội chỉ rõ: Quy hoạch của Hà Nội nói chung, kể cả quy hoạch lõi đang có vấn đề và đang đi chệch hướng. Chúng ta đang phải trả giá vì đã làm quy hoạch “băm nát” Hà Nội…

Gần đây, Chính phủ cũng có nhiều cảnh báo về hiện tượng hàng loạt chung cư cao tầng đã mọc lên giữa nội đô một số thành phố lớn, khiến giao thông lâm vào cảnh quá tải trầm trọng và nhấn mạnh: việc tham mưu, đề xuất các chính sách phải vì nhân dân, tuyệt đối tránh “lợi ích nhóm” và chống “tham nhũng chính sách”; Không được cài cắm vào luật những nội dung không vì lợi ích chung, mà vì lợi ích riêng của đơn vị, ngành hay một nhóm người nào đó…

Thực tế cho thấy, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước ở Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, trong đó có hoạt động xây dựng, thẩm định và thực thi văn bản quy phạm pháp luật theo hướng bảo đảm tiến độ và đề cao lợi ích quốc gia, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, khuyến khích khởi nghiệp, thúc đẩy đầu tư và hỗ trợ kinh doanh, tạo công bằng xã hội.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy công tác tham mưu và xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật còn không ít hạn chế. Chất lượng một số văn bản luật còn thấp, cho nên hay phải sửa đổi, bổ sung, thiếu ổn định. Đáng chú ý, tình trạng cài cắm lợi ích nhóm, ngành trong khi tham mưu, xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật chưa được nhận diện đầy đủ và khắc phục triệt để, với những biểu hiện rất đa dạng và có mặt ở mọi cấp độ, lĩnh vực, từ công tác quản lý cán bộ, quy hoạch đầu tư công và ngân sách nhà nước, đến các lĩnh vực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp…

Không ít cán bộ được bổ nhiệm thiếu minh bạch hoặc chỉ tuân thủ quy trình một cách hình thức và không đáp ứng được cả về năng lực và trách nhiệm công vụ.

Nhiều dự án đầu tư công không hiệu quả, gây thua lỗ, thất thoát, lãng phí và làm tăng nợ công hàng nghìn tỷ đồng. Một số quy hoạch xây dựng bị phá vỡ và mất phương hướng, méo mó trong triển khai. Những yêu cầu quản lý bảo đảm an toàn và hài hòa lợi ích phát triển bền vững bị coi thường, tạo thêm áp lực quá tải hạ tầng và hệ lụy môi trường, cũng như các chi phí khắc phục đắt đỏ về sau…

Có thể nói, “quốc nạn tham nhũng” với biểu hiện mới cài cắm lợi ích riêng, lợi ích nhóm trong công tác tham mưu, xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật đã, đang và sẽ sớm hay muộn, trực tiếp và gián tiếp là nguyên nhân của hàng loạt vấn đề không chỉ gây bức xúc xã hội, mà còn làm sai lệch bản chất chế độ, tha hóa cán bộ, đe dọa sự phát triển ổn định hệ thống thể chế và sự lành mạnh nền kinh tế - tài chính quốc gia. Các doanh nghiệp phải gồng mình với các gánh nặng chi phí đủ loại và nguy cơ bỏ lỡ cơ hội hoặc chậm cải thiện sức cạnh tranh kinh doanh.

Năng suất lao động và hiệu quả đầu tư xã hội chậm được cải thiện, trong khi phân hóa và bất bình đẳng xã hội tăng lên. Sự đoàn kết và đồng thuận xã hội bị tổn thương; lòng dân không yên; năng lực, hiệu lực và uy tín quản lý nhà nước bị hạn chế, bị khai thác lạm dụng hoặc vô hiệu hóa…

Để pháp luật vì lợi ích chung xã hội, cần coi trọng hoàn thiện và tuân thủ nghiêm túc quy trình xây dựng luật; bảo đảm vừa tăng tính chuyên nghiệp, khách quan, vừa tăng tính liên ngành và trách nhiệm cá nhân trong tham mưu, dự thảo, thẩm định, phản biện, đánh giá tác động hai mặt và thực thi các chính sách và luật định, giảm dần tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Đáng chú ý, việc trao quyền luôn phải gắn với làm rõ trách nhiệm cá nhân và cơ chế kiểm soát quyền lực thực tế. Việc hoàn thiện pháp luật phải gắn với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước.

Luật pháp, chính sách phải phản ứng kịp thời hơn với mọi thay đổi, biến động của đời sống xã hội, thật sự trở thành động lực quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước, bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, minh bạch, khả thi, giảm thủ tục hành chính, các rào cản để giảm chi phí thực thi cho người dân, doanh nghiệp.

Thực tiễn đã, đang và sẽ luôn đòi hỏi cần có cơ chế hiệu lực và hiệu quả thực tế cao chống lại mọi sự cài cắm lợi ích riêng, lợi ích nhóm, tăng cường bảo vệ lợi ích quốc gia, toàn xã hội trong quá trình tham mưu, xây dựng và thực thi luật pháp, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế ngày càng đầy đủ, sâu, rộng hơn.

Nguồn Báo Nhân dân

Tin cùng chuyên mục