Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Bộ Nội vụ đề xuất bỏ quy định về ngạch công chức tại Luật Cán bộ công chức hiện hành gồm: Ngạch công chức và bổ nhiệm vào ngạch công chức; chuyển ngạch công chức; nâng ngạch công chức; tổ chức thi nâng ngạch công chức; các nội dung liên quan đến ngạch công chức.

Đổi mới quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm
Bộ Tư pháp đang thẩm định hồ sơ dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo.
Tại tờ trình, cơ quan soạn thảo nhấn mạnh đến việc sửa đổi các quy định liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm để tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong và sau sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Bộ Nội vụ đề xuất bỏ quy định về ngạch công chức. Ảnh minh họa.
Trên cơ sở đó, dự thảo đã sửa đổi khái niệm vị trí việc làm (chức vụ, chức danh, công việc của một cán bộ, công chức). Trong đó, bỏ nội dung “gắn với cơ cấu và ngạch công chức”, và “để xác định biên chế”, nhằm khắc phục sự trùng lặp giữa quản lý theo vị trí việc làm và quản lý theo ngạch công chức.
Dự thảo cũng bổ sung một số điều liên quan đến phân loại, căn cứ xác định vị trí việc làm, bố trí công chức khi thay đổi vị trí việc làm và các nội dung tuyển dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng công chức.
Trên cơ sở đó, hệ thống vị trí việc làm của công chức được xếp theo thứ bậc căn cứ vào tiêu chuẩn chức vụ, chức danh, bản mô tả công việc và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, phù hợp với tổ chức của các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp xã.
Qua đó, Bộ Nội vụ đề xuất bỏ quy định về ngạch công chức tại Luật Cán bộ công chức hiện hành gồm: Ngạch công chức và bổ nhiệm vào ngạch công chức; chuyển ngạch công chức; nâng ngạch công chức; tổ chức thi nâng ngạch công chức; các nội dung liên quan đến ngạch công chức.
Bộ Nội vụ nhấn mạnh, việc đổi mới quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đổi mới tư duy quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, thay cho ngạch, bậc.
Vẫn áp dụng các ngạch lương hiện hành
Theo cơ quan soạn thảo, hiện nay 100% các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và phê duyệt đề án vị trí việc làm nhưng vẫn gắn với cơ cấu ngạch công chức và bảng lương hiện hành. Vì vậy, trong thời gian chưa thiết kế bảng lương mới theo vị trí việc làm, việc thực hiện từng bước chuyển đổi sang cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm vẫn áp dụng các ngạch lương hiện hành, nên không tạo ra sự xáo trộn lớn.
“Căn cứ Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), các bộ, ngành, địa phương sẽ hoàn thiện lại đề án vị trí việc làm cho phù hợp để chuyển dần sang cơ chế quản lý mới theo lộ trình”, Bộ Nội vụ nêu rõ.
Cùng với đó, lần sửa đổi này cũng bổ sung nội dung khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Cụ thể, bổ sung nội dung về quyền của cán bộ, công chức được khuyến khích, khen thưởng khi có thành tích trong đổi mới, sáng tạo; được xem xét miễn trừ trách nhiệm khi có sai sót, thiệt hại trong thực hiện.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung nội dung về những việc cán bộ, công chức không được làm để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ thời gian qua.
Dự thảo cũng đề xuất Chính phủ quy định cơ chế, chính sách ưu đãi và nguồn kinh phí theo thẩm quyền để thu hút, trọng dụng người có tài năng trong các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, mũi nhọn để phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Trên cơ sở đó, người đứng đầu cơ quan quản lý cán bộ, công chức quyết định việc thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng thuộc phạm vi quản lý.
Dự án luật sửa đổi này sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 9, khai mạc vào đầu tháng 5 tới.
Nguồn TPO