BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đề xuất cấm kinh doanh bào thai, đòi nợ thuê 

Cập nhật ngày: 26/05/2020 - 13:07

Kinh doanh 'bào thai' được bổ sung vào ngành nghề quy định cấm đầu tư, kinh doanh, theo dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).

Theo chương trình, chiều nay (26/5), Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến Luật Đầu tư (sửa đổi). 

Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư gửi Thủ tướng cho biết, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) sau chỉnh lý được bổ sung quy định cấm đầu tư kinh doanh "bào thai", để phản ánh đầy đủ nội dung cấm của ngành, nghề "Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người". 

Việc bổ sung này trên cơ sở Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu, đề nghị bổ sung quy định cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ điều tra, thám tử tư, vật liệu nổ khác (ngoài pháo nổ), bào thai.... Các đại biểu cũng đề nghị rà soát ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Bộ luật Hình sự, nhất là các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế như buôn lậu, kinh doanh hàng giả. 

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Ngọc Thắng.

Với dịch vụ đòi nợ thuê, do có nhiều ý kiến khác nhau, Uỷ ban Thường vụ đưa 2 phương án vào dự thảo luật. Theo đó phương án 1 là giữ nguyên theo luật hiện hành, quy định dịch vụ đòi nợ là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện do dịch vụ này xuất phát từ nhu cầu thực tế cuộc sống.

Phương án 2, cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, do thời gian qua có nhiều biến tướng dịch vụ này thành các băng nhóm xã hội, tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực với con nợ, mất trật tự xã hội. 

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch & Đầu tư vẫn giữ quan điểm đề nghị cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo phương án Chính phủ đề xuất. 

Với quy định về ưu đãi đầu tư, dự thảo Luật sửa đổi sẽ bổ sung các hình thức ưu đãi như khấu trừ thu nhập chịu thuế, khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế... Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia cũng được bổ sung vào địa bàn ưu đãi đầu tư và áp dụng chính sách hỗ trợ đặc biệt. Dự án có tác động lớn đến kinh tế xã hội cũng được bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt.

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định, điều kiện lựa chọn nhà đầu tư khi thực hiện dự án có sử dụng đất (dự án đầu tư đất để xây dựng nhà ở thương mại, công trình thương mại, dịch vụ, công trình đa năng...).

Theo đó, 3 điều kiện lựa chọn nhà đầu tư các dự án này gồm, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu chọn nhà đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư. Trong đó, việc chấp thuận chủ trương đầu tư được thực hiện trước khi xem xét, quyết định áp dụng thủ tục đấu giá, đấu thầu và chấp thuận chủ trương đầu tư..

Nguồn VNE