Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đề xuất lập đường dây nóng bảo vệ nhà báo
Thứ tư: 06:03 ngày 04/08/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhà báo Phan Lợi, Phó Tổng thư ký toà soạn báo Pháp luật TP.HCM mở đầu toạ đàm chiều 3.8 về "tác nghiệp nhà báo trong tình huống nóng" bằng câu chuyện về sự việc vừa diễn ra trong ngày, ngay khi xảy ra vụ nổ tại Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng khiến hai người chết, một số phóng viên khi tiếp cận hiện trường đã bị bảo vệ ngăn cản.

HTML clipboard

Một số nhà báo bị hành hung khi tác nghiệp.

Nhà báo Phan Lợi, Phó Tổng thư ký toà soạn báo Pháp luật TP.HCM mở đầu toạ đàm chiều 3/8 về "tác nghiệp nhà báo trong tình huống nóng" bằng câu chuyện về sự việc vừa diễn ra trong ngày, ngay khi xảy ra vụ nổ tại Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng khiến hai người chết, một số phóng viên khi tiếp cận hiện trường đã bị bảo vệ ngăn cản.

Đây không phải là trường hợp hy hữu cánh báo chí gặp phải khi tác nghiệp ở những điểm nóng.  Như thông tin mà ông Trần Đức Chính, TBT báo điện tử Nhà báo và Công luận đưa ra tại hội thảo, chỉ trong 3 tháng giữa năm 2010, đã có tới 8 vụ hành hung, cản trở nhà báo.

Vào đầu tháng 7, trong lúc chụp ảnh đám cháy và tìm hiểu thông tin, PV Nguyễn Văn Thắng (Báo điện tử Tamnhin.net) đã bị bảo vệ siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội) bắt giữ đem vào phòng chờ, yêu cầu xóa hết hình ảnh.

Gần đây nhất, sau khi phản ánh tình trạng chặt rừng thông để lấy đất xây biệt thự và sân golf tại di tích thắng cảnh quốc gia hồ Tuyền Lâm, PV Hà Phan (báo Tiền phong) đã nhận được nhiều tin nhắn đe doạ liên tiếp vào điện thoại di động. Nhiều nhà báo khác bị hành hung.

Với mục đích tìm câu trả lời cho vấn đề "nhà báo, toà soạn báo cần biện pháp gì đối phó với hành vi cản trở tác nghiệp", cuộc toạ đàm do báo điện tử Nhà báo và Công luận tổ chức chiều 3.8 đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ.

Các nhà báo làm gì để tự vệ?

Trả lời chính câu hỏi do mình đặt ra, nhà báo Đinh Anh Tuấn (báo Tiền phong) nói: "Những nhà báo có kinh nghiệm thường không chủ quan mà luôn chuẩn bị chu đáo trước khi đi vào vùng nóng. Họ "đánh hơi" được sự nguy hiểm".

Thực tế, nhu cầu phanh phui những vụ việc tiêu cực trước công luận luôn thôi thúc các nhà báo dấn thân từ phản ánh các tệ nạn xã hội cho đến tham ô, buôn lậu, phá rừng, khai khoáng lậu...

Kinh nghiệm bỏ túi của nhà báo Tuấn, đó là "càng kín đáo, bí mật càng an toàn", khi thâm nhập bãi vàng hoặc các điểm khai khoáng lậu, anh Tuấn và nhiều phóng viên khác không ngại "hóa thân" thành người trong cuộc.

Bí quyết thứ hai là gây dựng cơ sở với người dân địa phương.

Ngoài ra, phóng viên tác nghiệp thâm nhập các ở điểm nóng, phản ánh hiện tượng tiêu cực trong xã hội cũng rất cần có sự hậu thuẫn của toà soạn, liên hệ với chính quyền địa phương và quan trọng là tự trang bị những kiến thức tối thiểu về pháp luật, am hiểu địa bàn.

Trong bối cảnh việc xử lý đối tượng hành hung nhà báo theo Bộ luật hình sự thì chưa làm, mà xử phạt hành chính cũng… chưa tới, nhà báo Phan Lợi kêu gọi "phải tìm cách tự giúp nhau bằng cách chia sẻ kinh nghiệm, bài học xương máu để những ngày tới bớt đi những tin tức đau lòng mà chúng ta buộc phải viết, phải nói về nhau".

Nhà báo Phan Lợi cho rằng, cần có đối sách cho từng công đoạn (thu thập thông tin, xử lý, công bố, phát hành). Vì ngoài chuyện hành hung nhà báo ngay ở hiện trường, còn có những trường hợp khác đối tượng chỉ phản ứng khi thông tin đã được công khai. Nhận diện tình huống, chủ động xây dựng kế hoạch đối phó và chuẩn bị kỹ càng, đa dạng nhiều phương tiện tác nghiệp là yêu cầu thiết yếu.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm của nhà báo Phan Lợi "nhiều trường hợp, việc sử dụng phương tiện thông tin đại chúng rất hiệu quả. Sự lên tiếng đồng loạt của các phương tiện thông tin đại chúng có tác động rất lớn... Khi xảy ra sự việc cần tranh thủ sự ủng hộ của đồng nghiệp, bạn đọc rộng rãi, trong đó đề cao tính chính nghĩa của đề tài báo mình đang theo đuổi".

Lập đường dây nóng bảo vệ nhà báo

Khuyến khích nhà báo "hãy bảo vệ chính mình" nhưng kỳ vọng của những người làm báo là phản hồi của các cơ quan chức năng sau hàng loạt vụ việc nhà báo bị hành hung. Và rộng hơn là phải thiết lập những cơ chế hữu hiệu bảo vệ danh dự, tính mạng cho nhà báo (như bất cứ những người đang thực thi công vụ nào khác).

Như thông tin mà nhà báo Trần Đức Chính từng nêu trước đó thì “số liệu trong 5 năm qua đã phản ánh số vụ hành hung nhà báo bị xử lý hình sự là rất ít, không có vụ nào khởi tố về tội chống người thi hành công vụ".

TS Nguyễn Văn Lan, Phó Cục trưởng Cục tham mưu Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm đề xuất lập đường dây nóng giữa Hội Nhà báo và Bộ Công an cũng như có quy chế phối hợp cụ thể.

Ông Lan cũng khẳng định: "Nhà báo, công an hay lực lượng nào được nhà nước giao nhiệm vụ đều phải đặt mục đích công lên trên và đều phải được bảo vệ. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng đều phải bị xử lý".

Như phân tích của nhà báo Phan Lợi, lâu nay các vụ liên quan đến việc hành hung nhà báo đã khởi tố chủ yếu căn cứ vào tỉ lệ thương tích (nếu đạt 11% trở lên thì cơ quan tố tụng mới ra quyết định khởi tố để điều tra).

Vậy là, nhà báo cũng chỉ được pháp luật bảo vệ như người dân thường mặc dù họ bị hành hung, cản trở khi đang tác nghiệp và tội hành hung đó phải bị khởi tố theo tội danh chống người thi hành công vụ.

Dĩ nhiên, trong khi chờ đợi sửa luật, sửa chế tài, nói như ông Mạnh Tuấn (Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam), lãnh đạo các cơ quan báo chí khi cử phóng viên vào điểm nóng cần tuyển lựa những người có sức khỏe, kiến thức pháp luật...

Còn nhà báo Đinh Anh Tuấn thì cho rằng, đi tác nghiệp cùng một luật sư hoặc một người am hiểu võ thuật có lẽ an toàn hơn.

(Theo Vietnamnet)

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục