Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bộ Thông tin - Truyền thông đề xuất với Thủ tướng xem xét và cho phép thành lập Tổng cục Thông tin báo chí, xuất bản trực thuộc Bộ.
|
Việt Nam hiện có 728 cơ quan báo chí |
Bộ Thông tin - Truyền thông đề xuất với Thủ tướng xem xét và cho phép thành lập Tổng cục Thông tin báo chí, xuất bản trực thuộc Bộ. Đưa ra đề xuất trên, Bộ muốn tập trung công tác quản lý và chỉ đạo báo chí hiệu quả hơn trong tình hình hiện nay, khi các loại hình báo chí, xuất bản, in và phát hành đang phát triển nhanh chóng, có tác động rất lớn đối với xã hội và công tác chính trị, tư tưởng, đặc biệt khi có sự thay đổi về tổ chức bộ máy, công tác chỉ đạo, quản lý báo chí - xuất bản vẫn bảo đảm được sự ổn định.
Theo thống kê của Bộ, tính đến cuối năm nay, toàn quốc có 728 cơ quan báo chí in với hơn 900 ấn phẩm, trong đó các cơ quan trung ương có 76 báo, 431 tạp chí, địa phương có 103 báo, 118 tạp chí.Bên cạnh đó, có 34 báo điện tử và tạp chí điện tử, trong đó có 31 báo điện tử và 3 tạp chí điện tử, 66 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với báo chí, năm 2011, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Thông tin - Truyền thông là hoàn thiện Luật Báo chí mới, soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 77 về quy định đối với người phát ngôn. Bên cạnh đó sẽ tiến hành quy hoạch lại hệ thống báo in, phát thanh - truyền hình và báo điện tử.
Về nhân lực báo chí, Bộ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí và hướng dẫn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí.
Năm 2010, Bộ Thông tin - Truyền thông cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương đã xem xét thỏa thuận bổ nhiệm phó tổng biên tập và tổng biên tập các cơ quan báo chí để bổ sung đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí. Có 58 lãnh đạo cơ quan báo chí đã được thỏa thuận bổ nhiệm.
Đối với công tác quản lý phóng viên, đến nay, Bộ đã cấp hơn 17.000 thẻ nhà báo.
(Theo Vietnamnet)