Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi, với nhiều nội dung mang tính cải cách đột phá nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng, vận tải và công nghiệp đường sắt.

Chiều 27-5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã trình Quốc hội Dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi, với nhiều nội dung mang tính cải cách đột phá nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng, vận tải và công nghiệp đường sắt.
Ông Minh cho hay, dự luật được xây dựng trên tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để tháo gỡ điểm nghẽn, thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác đường sắt. Đặc biệt, trong bối cảnh đường sắt đô thị và tốc độ cao đang được ưu tiên phát triển.
Cụ thể, dự thảo luật gồm 7 Chương, 67 Điều (giảm 03 Chương, 20 Điều so với Luật Đường sắt 2017). Dự thảo luật tập trung vào 5 nhóm đổi mới lớn gồm: đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; quản lý, khai thác hạ tầng; hoạt động vận tải; kết nối các phương thức vận tải; và phát triển công nghiệp, nguồn nhân lực.
Một điểm nổi bật của dự thảo là khuyến khích đa dạng hóa nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), BOT (Xây dựng- kinh doanh-chuyển giao), BT (Xây dựng-Chuyển giao)… Dự luật cho phép địa phương sử dụng ngân sách để đầu tư các hạng mục thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, tạo điều kiện chủ động triển khai các dự án đường sắt đô thị.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh.
Thủ tục đầu tư cũng được đơn giản hóa, cho phép áp dụng thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) thay cho thiết kế cơ sở, đồng thời trao quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định đầu tư dự án đường sắt đô thị mà không cần thực hiện thủ tục về chủ trương đầu tư như trước. Những điều chỉnh này được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ các tuyến metro tại Hà Nội, TP.HCM, hiện thực hóa Kết luận 49-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển giao thông đô thị.
Dự luật cũng nhấn mạnh yêu cầu kết nối giữa đường sắt và các phương thức vận tải khác. Theo đó, các cảng hàng không, cảng biển lớn bắt buộc phải có quy hoạch kết nối với đường sắt. Chủ đầu tư các dự án cảng phải dành quỹ đất cho hạ tầng đường sắt, nhằm giảm chi phí logistics – vốn đang ở mức cao so với khu vực.
Bên cạnh đó, dự luật mở rộng hoạt động dịch vụ, thương mại trong khu vực nhà ga; cho phép khai thác hiệu quả quỹ đất vùng phụ cận theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng), đồng thời khuyến khích phát triển vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.
Cũng theo ông Minh, dự luật lần này cũng bổ sung nhiều chính sách phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực ngành đường sắt. Cụ thể, một số sản phẩm được đưa vào Danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển. Nhà thầu nước ngoài bắt buộc chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực cho Việt Nam.
Doanh nghiệp trong ngành được ưu tiên sử dụng sản phẩm nội địa nếu đạt yêu cầu kỹ thuật, qua đó thúc đẩy công nghiệp phụ trợ. Đồng thời, dự thảo cho phép đào tạo nhân lực theo cơ chế đặc thù – lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ theo hình thức chỉ định thầu hoặc đặt hàng. Doanh nghiệp công nghệ cao ngành đường sắt cũng được hưởng các ưu đãi về thuế và đầu tư.
Đặc biệt, Bộ trưởng Xây dựng cho hay, so với Luật Đường sắt 2017, dự thảo lần này cắt giảm 20% thủ tục hành chính và 33% điều kiện kinh doanh. Chỉ giữ lại 6 thủ tục hành chính quan trọng và trao quyền cho địa phương trong cấp phép xây dựng, quản lý vận hành, đăng ký phương tiện. Việc phân cấp được kỳ vọng giảm gánh nặng cho Chính phủ, đồng thời phát huy vai trò chủ động của các tỉnh, thành.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho hay cơ quan thẩm tra cơ bản đồng tình với các nội dung đổi mới.
Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị làm rõ thêm về tiêu chí quy hoạch, kết nối vận tải và chính sách khai thác quỹ đất ga đường sắt. Ủy ban cũng lưu ý việc luật hóa một số cơ chế đặc thù đang thí điểm theo nghị quyết Quốc hội cần được báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền, để bảo đảm tính minh bạch và hợp hiến.
Nguồn PLO
Xem link gốc