Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đề xuất Tây Ninh phát triển kinh tế theo hướng công-nông nghiệp hiện đại và dịch vụ du lịch xanh, thân thiện môi trường
Chủ nhật: 14:15 ngày 05/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thông qua việc Tỉnh ủy có chủ trương lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân góp ý văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, tôi có một số ý kiến đóng góp nho nhỏ trong lĩnh vực phát triển kinh tế với mong muốn Tây Ninh ngày càng phát triển.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh giá, kiểm điểm lại những thành tựu đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế trong 5 năm qua, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, phát huy những thế mạnh, thuận lợi, khắc phục những khuyết điểm, từ đó đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong 5 năm tới và định hướng phát triển đến năm 2030.

Thông qua việc Tỉnh ủy có chủ trương lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân góp ý văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, là người dân Tây Ninh, tôi có một số ý kiến đóng góp nho nhỏ trong lĩnh vực phát triển kinh tế với mong muốn Tây Ninh ngày càng phát triển.

Ma Thiên Lãnh.

Như trong dự thảo báo cáo, nhiệm kỳ 2015-2020 với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, 24 chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra ta đã phấn đấu đạt và vượt; trong đó, nếu nhìn về lĩnh vực kinh tế ta thấy kinh tế tỉnh ta 5 năm qua đã phát triển nhanh, toàn diện, đạt nhiều thành tựu nổi bật, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,04%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội X đề ra, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.  

Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.266 USD, cao hơn 1,57 lần so với năm 2015. Thu hút đầu tư tăng mạnh, đến 2020, toàn tỉnh có 552 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 77.943,06 tỷ đồng và 350 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 7,77 tỷ USD. Đáng chú ý là các ngành dịch vụ, du lịch, nông nghiệp từng bước được cơ cấu lại, có nhiều khởi sắc.

Song song với những thành tựu, dự thảo báo cáo cũng nêu ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân chủ quan, khách quan và bài học kinh nghiệm, cộng với việc dự báo tình hình trong nước và thế giới, những thuận lợi và thách thức nảy sinh làm tiền đề để đề ra quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho 5 năm tới 2020-2025, định hướng đến 2030.

Đi đôi với với mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, dự thảo báo cáo cũng đề ra rất nhiều giải pháp quan trọng để thực hiện. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng trước khi đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, xác định hướng đi, chúng ta phải hết sức thấu đáo trong đánh giá xu thế của kinh tế thế giới, tình hình trong nước và cần phải có sự đồng bộ xuyên suốt, đặc biệt phải xác định được đặc điểm, tiềm năng lợi thế của Tây Ninh, để từ đó xác định mô hình phát triển kinh tế không những cho 5 năm tới, mà còn cho đoạn đường dài hạn 10 năm, 20 năm tiếp theo.

Trong dự thảo, phần dự báo về tình hình trong tỉnh có nêu: “…Trong tỉnh thời cơ, thuận lợi đan xen thách thức. Tỉnh có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, kinh tế đối ngoại của đất nước; nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp với Thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật của cả nước; tiềm năng lớn về kinh tế cửa khẩu, công nghiệp, nông nghiệp và du lịch; các thành tựu tiếp tục được phát huy, hạ tầng giao thông, đô thị được đầu tư ngày càng đồng bộ, có tính kết nối vùng cao; các dự án lớn đã và đang triển khai sẽ phát huy hiệu quả.

Đảng bộ có sự đoàn kết, thống nhất, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy. Đặc biệt truyền thống cách mạng, ý chí, khát vọng vươn lên của quê hương sẽ là động lực to lớn để tỉnh nhà tăng tốc phát triển.

Song, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, tỉnh ta tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức: dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và ở người diễn biến phức tạp, khó lường; quy mô, năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; nguồn lực đầu tư còn hạn chế; cải cách hành chính chưa theo kịp sự phát triển; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; an ninh trật tự tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là những thách thức an ninh phi truyền thống…”.

Từ đó, dự thảo báo cáo xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước. Mục tiêu đến năm 2030, kinh tế phát triển toàn diện, vững chắc, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. GRDP bình quân đầu người cao gấp 1,5 lần so với bình quân chung của cả nước.

Để thực hiện các mục tiêu trên, dự thảo báo cáo đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu, đi theo đó là rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cụ thể. Qua các mục tiêu đến 2025, định hướng đến năm 2030 thì ta thấy định hướng chính là Tây Ninh sẽ đi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trên cơ sở đánh giá “Tây Nỉnh có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, kinh tế đối ngoại của đất nước; nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp với Thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật của cả nước…”. Điều đó là đúng, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thôi thì có lẽ chưa thoả đáng.

Hồ Dầu Tiếng.

Cần thấy thêm rằng, Tây Ninh có những thế mạnh mà không phải tỉnh nào cũng có. Thứ nhất, đất đai Tây Ninh còn rộng, bằng phẳng và phì nhiêu, khí hậu ôn hòa, không khắc nghiệt, có hồ Dầu Tiếng rộng với hệ thống kênh mương tưới tiêu đều khắp cả tỉnh vừa phục vụ nước cho dân sinh, vừa phục vụ công nghiệp, vừa thuận lợi cho phát triển sản xuất, chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp giúp nông dân làm giàu.

Thứ hai, Tây Ninh có rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa, đình, chùa, miếu, nhưng chưa được khai thác hiệu quả để phục vụ du lịch, chưa kể Tây Ninh có biên giới với 2 cửa khẩu quốc tế, nhiều cửa khẩu quốc gia và cửa khẩu phụ rất thuận lợi cho buôn bán và kết nối dịch vụ du lịch…

Vì vậy, cần xác định Tây Ninh sẽ chọn mô hình phát triển đồng bộ 3 trụ cột theo hướng công - nông nghiệp hiện đại và dịch vụ du lịch xanh, thân thiện môi trường. Từ đề nghị trên, cơ cấu kinh tế cũng cần tính toán lại.

Trong dự thảo báo cáo đề ra cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn đến năm 2025: Công nghiệp-xây dựng đạt 52-53%, dịch vụ đạt 30-31%; nông- lâm- thuỷ sản đạt 14-15%, theo hướng tăng dần tỉ trọng công nghiệp- xây dựng, nhưng tỉ trọng dịch vụ, nông- lâm- thuỷ sản ngày càng giảm đi, như vậy chưa phù hợp với lợi thế về đất đai, địa lý, lịch sử, văn hóa của tỉnh.

Nên chăng chúng ta cần tập trung nâng dần tỉ trọng của lĩnh vực dịch vụ, nông- lâm- thuỷ sản cao hơn nữa thông qua xây dựng chương trình, đề án với những bước đi mạnh mẽ để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển dịch vụ du lịch, 2 lĩnh vực mà trong các năm qua kết quả đạt được còn khiêm tốn so với sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp – xây dựng.

Tin tưởng rằng Đại hội XI Đảng bộ tỉnh lần này sẽ đánh giá sâu sắc, toàn diện tình hình và kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh cả về thành tựu cũng như những hạn chế, khuyết điểm, chỉ rõ nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc; xác định rõ mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá giai đoạn 2020 – 2025, định hướng phát triển đến năm 2030 và xa hơn nữa.

Cùng với sự đồng tâm đoàn kết, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh nhà sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, quyết chí vươn lên tạo bước đột phá, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.

Nguyên Khôi

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục