Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 3.4, ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Quy định số 1210-QĐ/TU ngày 5.11.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của cấp uỷ viên là cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp uỷ cấp huyện, cấp xã biên giới.
Ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu kết luận.
Tham dự có lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh uỷ, thường trực cấp uỷ 5 huyện, thị xã biên giới, 14 xã biên giới có cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp uỷ cùng lãnh đạo Đảng uỷ Bộ đội Biên phòng tỉnh, các đồn biên phòng.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, qua hai năm triển khai thực hiện Quy định số 1210, các cấp uỷ, cán bộ, đảng viên đã nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tăng thêm cấp uỷ viên là cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp uỷ cấp huyện, xã biên giới.
Tính đến ngày 1.3.2024, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ định 5 cán bộ đồn biên phòng tham gia 5/5 cấp uỷ cấp huyện biên giới và 14 cán bộ đồn biên phòng tham gia 14/20 cấp uỷ xã biên giới.
Mối quan hệ công tác giữa cấp uỷ cấp huyện, xã biên giới với cấp uỷ BĐBP tỉnh, cấp uỷ, chi bộ các đồn biên phòng chặt chẽ hơn. Cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp uỷ địa phương, nắm rõ tình hình địa bàn đã giúp cấp uỷ - Ban Chỉ huy đồn biên phòng lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị thực hiện tốt hơn công tác phối hợp với các lực lượng chức năng và địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, bảo đảm an ninh trật tự trên tuyến biên giới.
Cán bộ đồn biên phòng phát huy vai trò tham mưu cấp uỷ địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ biên giới vững chắc.
Tại hội nghị, cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp uỷ cấp huyện, cấp xã biên giới và các đại biểu thảo luận làm rõ tính hiệu quả, nêu một số khó khăn trong thực hiện Quy định số 1210. Đến nay, còn 6/20 đảng uỷ xã biên giới chưa có cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp uỷ; một số cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp uỷ chưa đủ thời gian 3 năm trở lên theo quy định chuyển công tác, phải chỉ định nhân sự thay thế...
Cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp uỷ huyện, cấp xã biên giới phát biểu.
Qua thảo luận, đại biểu đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quy định 1210; kiến nghị tạo nguồn cán bộ biên phòng tham gia cấp uỷ địa phương là cán bộ đội công tác địa bàn của các đồn; việc chỉ định bổ sung cán bộ biên phòng tham gia cấp uỷ cần thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ; tạo điều kiện đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ biên phòng tham gia cấp uỷ và đề xuất tiếp tục triển khai mô hình này.
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Hùng Thái nhấn mạnh: “Qua 2 năm thực hiện Quy định số 1210-QĐ/TU, có thể khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa thiết thực, là cầu nối gắn kết chặt chẽ, mật thiết giữa đồn biên phòng với cấp uỷ xã biên giới và giữa cấp uỷ BĐBP tỉnh với cấp uỷ các huyện, thị xã biên giới của tỉnh.
Cấp uỷ địa phương có nhiều thuận lợi trong nắm tình hình; cán bộ đồn biên phòng phát huy vai trò tham mưu giúp cấp uỷ chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị liên quan lĩnh vực bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới...”.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái, mặc dù trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp một số khó khăn, hạn chế, song nhìn chung cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp uỷ cấp huyện và cấp xã biên giới đã nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đây cũng là cơ hội để cán bộ biên phòng được đào tạo, bồi dưỡng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Trong thời gian tới, đây là mô hình cần tiếp tục được duy trì.
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Nguyễn Thị Yến Mai phát biểu.
Tuy nhiên, mô hình này được tỉnh học tập từ Quảng Ninh, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều nội dung liên quan đến nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, kiểm tra, giám sát… cần kiến nghị Trung ương thể chế hoá bằng văn bản chính thức của Đảng để triển khai thực hiện đồng bộ, chặt chẽ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh uỷ hoàn thiện báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Trong đó có các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Tây Ninh về việc tiếp tục thực hiện chủ trương này trong thời gian tới; đề nghị Đảng uỷ Bộ đội Biên phòng có kế hoạch, chỉ đạo thống nhất việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị bảo đảm tiêu chuẩn cấp uỷ viên để cử cán bộ Biên phòng tham gia cấp uỷ xã, cấp uỷ huyện biên giới theo chiến lược lâu dài, nhất là gắn với Đại hội Đảng bộ các cấp sắp tới.
Cấp uỷ các huyện, thị xã khu vực biên giới của tỉnh cần thống nhất chỉ đạo cấp uỷ xã biên giới không phân công cấp uỷ viên là cán bộ đồn biên phòng phụ trách các ấp hoặc chỉ giao phụ trách ấp biên giới nơi đồn đóng quân.
Đảng uỷ BĐBP Tây Ninh và các huyện uỷ, thị uỷ khu vực biên giới, các đồn biên phòng với cấp uỷ xã biên giới thực hiện tốt quy chế phối hợp và thực hiện công tác vận động quần chúng hiệu quả, chặt chẽ hơn trong thời gian tới.
Phương Thuý