Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cho đến khi về với cõi vĩnh hằng (1.1997), ông đã có hơn chục tác phẩm thơ và tiểu thuyết, đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, rất khó để tìm đọc một tác phẩm của ông ở một tỉnh lẻ như Tây Ninh.
Bạn đọc yêu thích văn học Việt Nam hiện đại, ít người không biết đến Trần Dần. Ông đã tạo nên “sóng gió” trên văn đàn những năm cuối năm mươi, đầu sáu mươi của thế kỷ XX. Cho đến khi về với cõi vĩnh hằng (1.1997), ông đã có hơn chục tác phẩm thơ và tiểu thuyết, đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, rất khó để tìm đọc một tác phẩm của ông ở một tỉnh lẻ như Tây Ninh.
Lần đầu tiên, tôi đọc được một cuốn tiểu thuyết của Trần Dần: Ðêm núm sen do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành tháng 5.2017. Tác phẩm có ở Thư viện tỉnh Tây Ninh.
Trần Dần viết Ðêm núm sen năm 1961. Do nhiều nguyên nhân, “Hơn nửa thế kỷ... bụi bặm...thời gian... chuột bọ gặm nhấm… những trang thất lạc” đến năm 2017, tác phẩm mới đến được với bạn đọc. Cuốn tiểu thuyết chỉ hơn 300 trang với 20 chương. Tên của các chương có vẻ không lô-gic với nhau nhưng nhìn tổng quát là một chỉnh thể thống nhất.
Chuyện xoay quanh nhân vật Kiến Gầy “một công dân tầm thường” và “cả câu chuyện tôi kể dưới đây cũng tầm thường vậy” (Lời nói đầu). Ðêm núm sen là cuốn sách về xã hội côn trùng, một xã hội thừa đau thương khép mình trong lịch sử của chính nó, một xã hội có thừa đau thương đến nỗi chỉ có thể “an bình mà chịu kiếp cô lập...”.
Ðêm núm sen chính là tình yêu, là cuộc đi tìm tình yêu. Và bởi vì tình yêu, lũ kiến có thể hoá thân thành người hoặc ngược lại, con người sẵn sàng mang kiếp của kiến... (Trần Trọng Vũ).
Ðêm núm sen chứa đựng nhiều tầng nghĩa: cuộc sống của những phận kiến - người, người - kiến; sự khốc liệt, sự mất mát hy sinh của chiến tranh, tình yêu trong chiến tranh, khát vọng hoà bình... Có được tính đa nghĩa chính là nhờ tài năng sáng tạo trong việc sử dụng tiếng Việt của tác giả.
Khi cầm trên tay quyển sách, tôi vẫn không hiểu Ðêm núm sen có nghĩa gì, phải đến khi đọc xong tác phẩm, tôi mới vỡ vạc đôi điều về việc tác giả chọn tên cho tác phẩm của mình. Càng ngạc nhiên hơn về khả năng sáng tạo trong việc tạo danh từ riêng.
Nói về xã hội loài kiến, trong bài “Ðám ma bác giun”, Trần Ðăng Khoa cho trẻ thơ biết: Kiến Kim, Kiến Già, Kiến Ðất, Kiến Cánh, Kiến Lửa... nhưng trong Ðêm núm sen có vô số loài kiến: Kiến Gầy, Kiến Khổng, Kiến Sư Tử, Kiến Bay, Kiến Choắt, Kiến Rỗ, Kiến Heo...
Mỗi thứ kiến đều có đặc điểm, tính cách riêng. Hãy đọc tác giả tả Kiến Ngược Ðời: “Nơi cuốc xẻng í a í ới. Không ai để ý tới Ngược Ðời với cái tính của nó. Nó cứ làm khác mọi người, nó mới thích. Vì làm như tất cả là xoàng. Dạo còn ở công trường khai hoang ấy! Hễ chúng tôi vác thì nó quắp. Chúng tôi quắp thí nó lăn. Chúng tôi lăn thì nó kéo. Người nó như con trăn xồm...”.
Không những thế, tên các nhân vật cũng mang đậm tính thuần Việt, gợi cảm; cô Sứa, Thẹn, Vú, Nũm Lả (Hoa khôi xứ Lồ Gồ), Xinh, Hóng... anh Xám, Vẩu, chú Nghệ, Lùng Tùng Xoè, thi sĩ Cồ Xồ Bồ...
Còn tên quán xá là Ngựa Vằn, Bò Tót, Mào Gà, Thằn Lằn Trắng... Có thể nói rằng, Trần Dần đã dùng một khối lượng lớn từ thuần Việt mà không làm cho người đọc cảm thấy khó chịu, trái lại càng thêm thích thú, thêm tự hào về sự giàu có của tiếng mẹ đẻ.
Trong Ðêm núm sen, cách dùng từ, diễn đạt của tác giả hết sức sáng tạo và hiện đại. Ðể nói về nỗi nhớ, tác giả viết... “Một ki lô mét nhớ... Hai ki lô mét nhớ... Một ki lô mét mưa...Một ki lô mét nhiệm vụ... Chúng mình sẽ đi qua hàng ki lô mét giặc... Từ tối đến sáng, chúng tôi có hàng ki lô mét công việc...”. Và còn có những cách diễn đạt rất thú vị: “Chúng tôi đi be bé trên ngã tư mưa... “Ðá Xám với Ðá Tía cách nhau ba chục dặm kiến”. Hoặc: “Tôi dậy sớm hơn cả rạng đông… Mắt chạm mắt như những cốc rượu... Lát sau, đài phát thanh rắc những hạt âm nhạc trong lòng phố sớm…”.
Nhà nghiên cứu văn học Phạm Xuân Nguyên đã có nhận xét xác đáng: “Hồi hộp, thích thú, kinh ngạc... Ðêm núm sen tươi mọng, run rẩy, cựa quậy, phập phồng ngôn ngữ, câu chữ, cảm giác của một thế giới kiến, mà đọc thấy rất hiện thực về lịch sử của con người. Trần Dần luôn gây bất ngờ bởi văn chương Trần Dần với một văn cách khác - lạ - mới mà ông coi là một nhà văn thì phải có mới thực là có tư cách nhà văn. Viết năm 1961, Ðêm núm sen, một lần nữa đem lại một Trần Dần không thể sống một ngày không sáng tạo...”. Ðọc Ðêm núm sen, tôi thật sự cảm phục tài năng sáng tạo, nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của Trần Dần và lại càng tin và yêu về sự giàu đẹp của tiếng Việt.
DIỆU MAI