Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Việt Nam và Bangladesh đã thiết lập quan hệ ngoại giao được 45 năm. Kể từ năm 2004, tức là lần đầu tiên sau 14 năm, Chủ tịch nước ta lại có chuyến thăm tới Bangladesh.
Nếu quan tâm, bạn sẽ tìm thấy nhiều thông tin mới mẻ trong cuộc trao đổi riêng giữa Đại sứ Việt Nam tại Bangladesh Trần Văn Khoa với TG&VN trước thềm chuyến thăm.
Đại sứ có thể cho biết ý nghĩa, tầm quan trọng và một số hoạt động chính trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Bangladesh?
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước ta sang Bangladesh trong vòng 14 năm kể từ năm 2004. Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi năm nay hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 – 2018). Chuyến thăm càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh quan hệ hai nước đang có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt: chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, quốc phòng…
Nhận lời mời của Tổng thống nước CH Nhân dân Bangladesh Mohammad Abdul Hamid, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Bangladesh từ ngày 4-6/3
Một điểm nữa không thể không nhắc đến đó là chuyến thăm thêm một lần nữa khẳng định và thắt chặt mối quan hệ truyền thống hữu nghị giữa hai nước. Phía bạn luôn dành tình cảm và sự ngưỡng mộ đặc biệt với đất nước và nhân dân Việt Nam, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phía Việt Nam luôn trân trọng những tình cảm ấy và luôn mong muốn tăng cường và đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, với những kết quả hợp tác mang tính thực chất.
Chính vì vậy, trong chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, dự kiến sẽ có từ 4 – 5 bản ghi nhớ được ký kết trong các lĩnh vực như chăn nuôi, thủy sản, chế tạo máy, văn hóa, đào tạo…
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước sẽ hội đàm với Thủ tướng, gặp Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội của Bangladesh, cũng như có các cuộc gặp với Chủ tịch Đảng Công nhân, Lãnh đạo Phòng Thương mại – Công nghiệp Bangladesh – Việt Nam…
Đặc biệt, Chủ tịch nước sẽ tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Bangladesh và khai mạc Những Ngày Văn hóa Việt Nam tại thủ đô Dhaka.
Đánh giá của Đại sứ về quan hệ hợp tác giữa hai nước sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao?
Tôi thấy rằng quan hệ hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là về kinh tế, thương mại đã phát triển vượt bậc.
Nếu so sánh với thời điểm 8 năm về trước, năm 2009 khi kim ngạch thương mại hai chiều mới đạt 82 triệu USD, thì tới năm 2017, con số này đã tăng lên hơn 10 lần khi kim ngạch thương mại hai nước đạt trên 920 triệu USD.
Riêng trong năm 2017, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 53% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng đáng kể và mang tính bứt phá so với các năm trước.
Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này cũng tăng lên xấp xỉ 15 lần chỉ trong vòng 8 năm, từ mức gần 60 triệu USD năm 2009 lên mức 868 triệu USD năm 2017.
Đại sứ Việt Nam tại Bangladesh Trần Văn Khoa.
Bên cạnh những con số ấn tượng về phát triển kinh tế, thương mại, nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa được tổ chức thực sự đã giúp người dân hai nước tăng cường sự hiểu biết về nhau, qua đó góp phần quan trọng nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp.
Tuy nhiên, tôi cho rằng quan hệ hợp tác giữa hai nước cần đi vào thực chất nhiều hơn nữa, trong đó cần tập trung thúc đẩy đầu tư bởi đầu tư của doanh nghiệp hai nước hiện vẫn còn rất ít.
Một quốc gia với hơn 160 triệu dân và có vị trí chiến lược, là cửa ngõ vào thị trường Nam Á như Bangladesh mà hiện Việt Nam mới chỉ có một dự án đầu tư với con số 10 triệu USD thì đây quả là con số khiêm tốn. Do vậy, thời gian tới, hai bên cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cản trở việc đầu tư của doanh nghiệp hai nước vào thị trường của nhau.
Được biết, Đại sứ quán đã triển khai nhiều hoạt động giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Bangladesh. Từ kinh nghiệm của Đại sứ, hàng hóa Việt Nam so với khu vực hiện có lợi thế như thế nào trong tiếp cận thị trường của đa số người tiêu dùng Hồi giáo như vậy?
Tôi cho rằng lợi thế lớn nhất của hàng hóa Việt Nam khi tiếp cận thị trường Bangladesh đó chính tâm lý của người tiêu dùng Bangladesh và mong muốn hợp tác của các doanh nghiệp nước này.
Người tiêu dùng Bangladesh muốn sử dụng những hàng hóa "Made in Viet Nam" bởi họ cho rằng hàng hóa Việt Nam có chất lượng tốt hơn mặc dù giá cả có thể cao hơn đôi chút so với hàng hóa cùng loại của các nước khác.
Thứ hai, trong khi tiếp xúc với các doanh nghiệp Bangladesh, tôi nhận thấy họ đều bày tỏ mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam bởi họ luôn coi Việt Nam là “hình mẫu” để học tập, đồng thời xuất phát từ thực tế hai nước có nhiều điểm tương đồng về nền tảng và quá trình phát triển.
Cần tập trung vào những lĩnh vực nào và có biện pháp ra sao để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại hai bên phát triển trong thời gian tới?
Tôi cho rằng hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Chính vì vậy, thời gian tới, các doanh nghiệp của hai nước cần tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng như công nghệ - thông tin và viễn thông; chế biến thực phẩm, nông, thủy hải sản; xây dựng cơ sở hạ tầng; dược phẩm, hóa chất; cơ khí chế tạo...
Để làm được điều đó, các doanh nghiệp hai nước cần tăng cường trao đổi thông tin, đặc biệt là thông tin liên quan đến chính sách thương mại và đầu tư của mỗi nước, chủ động và mạnh dạn hơn trong việc thâm nhập thị trường.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên tăng cường hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại, đầu tư; khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia vào các hội chợ triển lãm, hội thảo doanh nghiệp... được tổ chức ở mỗi nước.
Người tiêu dùng Bangladesh muốn sử dụng những hàng hóa "Made in Viet Nam" bởi họ cho rằng hàng hóa Việt Nam có chất lượng tốt hơn mặc dù giá cả có thể cao hơn đôi chút so với hàng hóa cùng loại của các nước khác
Về phía Đại sứ quán, chúng tôi đã và đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp ta sang tìm hiểu thị trường và thiết lập quan hệ với các đối tác Bangladesh. Riêng năm 2017, lần đầu tiên trong vòng 5 năm, một đoàn doanh nghiệp đông đảo với gần 20 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực của Việt Nam đã sang xúc tiến thương mại tại Bangladesh. Đây là những tín hiệu tích cực và lạc quan, cho thấy tiềm năng phát triển quan hệ kinh tế, thương mại to lớn giữa hai nước.
Ngoài ngoại giao kinh tế, quan hệ hợp tác hai nước trong các lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân được duy trì như thế nào?
Bên cạnh công tác ngoại giao kinh tế, các hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa được Đại sứ quán chú trọng thúc đẩy nhằm quảng bá, giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè sở tại.
Riêng trong năm 2017, Đại sứ quán đã tổ chức thành công Ngày Ẩm thực Việt Nam tại thủ đô Dhaka. Cũng đã khá lâu rồi, Đại sứ quán mới tổ chức được Ngày Ẩm thực Việt Nam với quy mô tương đối lớn và thu hút sự tham gia đông đảo của các quan khách là các Bộ trưởng, Nghị sỹ Bangladesh, Đại sứ các nước, cũng như các doanh nghiệp và người dân Bangladesh.
Doanh nghiệp Việt tham dự Hội chợ thực phẩm quốc tế Bangladesh.
Việc tổ chức thành công Ngày Ẩm thực Việt Nam đã góp phần giới thiệu và quảng bá những nét tinh hoa của ẩm thực dân tộc tới bạn bè Bangladesh và bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, trong năm 2017, Đại sứ quán đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất ở nước ngoài.
Đáng chú ý là việc dịch và xuất bản cuốn sách “Bác Hồ viết di chúc” của đồng chí Vũ Kỳ bằng tiếng Bangla và tổ chức Hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Việc tổ chức các hoạt động trên được Bangladesh đánh giá cao bởi các bạn luôn dành những tình cảm và sự ngưỡng mộ đặc biệt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng, cũng như với đất nước và con người Việt Nam nói chung. Ngoài ra, các hoạt động trên cũng giúp bạn bè sở tại hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần tăng cường quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa nhân dân hai nước.
Một điểm nữa không thể không nhắc đến là các hoạt động giao lưu nhân dân sôi nổi, phong phú giữa cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại Bangladesh với người dân sở tại. Với sự quan tâm của Đại sứ quán, bà con đã phát huy tốt vai trò là cầu nối hữu nghị giữa hai nước.
Nhiệm kỳ Đại sứ tại Bangladesh đem lại những thuận lợi và khó khăn gì trong công tác đối ngoại của bản thân Đại sứ?
Tôi nghĩ đối với bất kỳ Đại sứ nào khi đi công tác nhiệm kỳ tại bất kỳ địa bàn nào đều có những thuận lợi và khó khăn riêng. Đối với tôi, từ khi nhận nhiệm vụ công tác tại địa bàn Bangladesh, điều tôi cảm thấy ấn tượng nhất và cũng là điểm thuận lợi nhất đó chính là sự hiếu khách của người dân Bangladesh và những tình cảm tốt đẹp mà các bạn Bangladesh dành cho đất nước, con người Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mỗi khi tôi giới thiệu tôi đến từ Việt Nam, các bạn đều rất thán phục, ngưỡng mộ về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của ta trước đây, cũng như những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của ta hiện nay. Các bạn Bangladesh cũng rất ấn tượng về vẻ đẹp của đất nước Việt Nam và sự lôi cuốn của các món ăn Việt Nam.
Thành phố Dhaka - thủ đô của Bangladesh. (Nguồn: wprost.pl)
Còn về khó khăn thì có lẽ khó khăn lớn nhất trong quá trình làm việc tại đây là vấn đề giao thông, đi lại. Nền kinh tế Bangladesh đang phát triển khá nhanh kéo theo quá trình đô thị hóa và sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện cá nhân.
Trong khi đó, đường sá tại đây đang trong quá trình thi công, mở rộng nên ùn tắc giao thông tại thủ đô Dhaka diễn ra thường xuyên và kéo dài. Việc mất nhiều thời gian di chuyển trên đường cũng làm ảnh hưởng tới tiến độ giải quyết công việc. Ngoài ra, sự khác biệt về khẩu vị các món ăn, về giờ giấc sinh hoạt, ăn uống của bạn cũng là những khó khăn trong quá trình hoạt động đối ngoại tại đây.
Năm nay, Đại sứ quán đã có những kế hoạch hoạt động gì để thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống và nhiều mặt giữa hai nước?
Năm nay hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Do vậy, Đại sứ quán sẽ tổ chức nhiều hoạt động chào mừng sự kiện quan trọng này. Ngay trong dịp Chủ tịch nước Trần Đại Quang sang thăm Bangladesh, Đại sứ quán cùng với Bộ Kế hoạch – Đầu tư và Liên đoàn các Phòng Thương mại Công nghiệp Bangladesh sẽ tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp hai nước vào ngày 6/3. Đây là lần đầu tiên một diễn đàn với quy mô lớn dành cho doanh nghiệp hai nước được tổ chức tại thủ đô Dhaka.
"Quan hệ hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là về kinh tế, thương mại đã phát triển vượt bậc. Nếu so sánh với thời điểm 8 năm về trước, năm 2009 khi kim ngạch thương mại hai chiều mới đạt 82 triệu USD, thì tới năm 2017, con số này đã tăng lên hơn 10 lần khi kim ngạch thương mại hai nước đạt trên 920 triệu USD.
Riêng trong năm 2017, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 53% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng đáng kể và mang tính bứt phá so với các năm trước. Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này cũng tăng lên xấp xỉ 15 lần chỉ trong vòng 8 năm, từ mức gần 60 triệu USD năm 2009 lên mức 868 triệu USD năm 2017" - Đại sứ Trần Văn Khoa.
Dự kiến có khoảng 300 đại biểu là các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề của hai nước sẽ tham dự Diễn đàn. Việc tổ chức Diễn đàn là cơ hội để doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, trao đổi, thiết lập quan hệ, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư. Hy vọng thông qua Diễn đàn này cùng với nhiều hoạt động Ngoại giao kinh tế khác được Đại sứ quán triển khai trong suốt năm nay sẽ góp phần nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Đại sứ quán cũng sẽ triển khai nhiều hoạt động ngoại giao văn hóa. Trong dịp Chủ tịch nước Trần Đại Quang sang thăm Bangladesh, Đại sứ quán sẽ chủ trì tổ chức Những Ngày Văn hóa Việt Nam tại Bangladesh (từ ngày 6-8/3) chào mừng kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Trong khuôn khổ Những Ngày Văn hóa Việt Nam tại Bangladesh, nhiều hoạt động phong phú, đa dạng sẽ diễn ra như trưng bày và giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, giới thiệu ẩm thực Việt Nam, giới thiệu âm nhạc truyền thống và trang phục dân tộc của Việt Nam,…
Ngoài ra, Đại sứ quán sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh như phối hợp với Viện Nawab Salimullah dịch và xuất bản cuốn sách về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tiếng Anh sang tiếng Bangla, đồng thời tổ chức Cuộc thi vẽ tranh và Hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh vào dịp kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Người.
Các hoạt động trên nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam tới đông đảo bạn bè và người dân sở tại, góp phần củng cố và phát triển quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước và nhân dân hai nước.
Xin cảm ơn Đại sứ.
Nguồn baoquocte