Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia:
Đến cuối tháng 6, đã giải ngân 1.726 tỷ đồng
Thứ bảy: 07:14 ngày 22/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sáng 21.7, đoàn công tác liên ngành do ông Đào Minh Tú- Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc tại tỉnh Tây Ninh về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023.

Ông Đào Minh Tú- Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trưởng đoàn công tác phát biểu tại buổi làm việc.

Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến; lãnh đạo các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh, chi nhánh một số tổ chức tín dụng có dư nợ cho vay các chương trình MTQG tại tỉnh.

Theo UBND tỉnh, việc triển khai thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thành theo kế hoạch, mang lại hiệu quả tích cực, điều kiện về kinh tế - xã hội, đời sống người dân được nâng cao. Giai đoạn 2021-2023 đã phân bổ nguồn vốn 1.963 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 228 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 1.735 tỷ đồng. Đến cuối tháng 6.2023 đã giải ngân 1.726 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 65,81% (trong đó: ngân sách Trung ương 178 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 1.547 tỷ đồng).

Ngoài ra, từ năm 2021 đến nay, nguồn vốn tín dụng, vốn các tổ chức tín dụng tại địa bàn huy động cho vay các đối tượng để thực hiện các nội dung, hoạt động thuộc chương trình khoảng 2.546 tỷ đồng. Kết quả huy động nguồn vốn hợp pháp khác (đóng góp của người dân về hiện vật, sức lao động được quy đổi ra tiền; các nguồn lực đóng góp từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân) là 1.419 tỷ đồng.

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn I (2022-2025) được thực hiện từ cuối năm 2022, dù thời gian ngắn nhưng đến nay đã đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu như: giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 50%; 100% số xã vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới; hệ thống giao thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá và đi lại của người dân; tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt 35%-40%, trong đó, có ít nhất 50% là lao động nữ; 95,5% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc luôn được quan tâm, phát triển; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giữ vững, ổn định.

Tỉnh triển khai, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo, đặc biệt hỗ trợ đối tượng hộ nghèo không khả năng thoát nghèo, giúp các hộ này có cuộc sống tốt hơn, tỷ lệ giảm nghèo vượt chỉ tiêu Trung ương giao. Bên cạnh các chính sách giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh còn triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh, hộ làm nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình và hộ nghèo không khả năng thoát nghèo.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân, trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp. Đến cuối tháng 6.2023, toàn tỉnh có 61/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 17/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Thị xã Hoà Thành được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thành phố Tây Ninh, thị xã Trảng Bàng và huyện Gò Dầu đang hoàn chỉnh hồ sơ để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định. Năm 2023, duy trì các xã đã đạt chuẩn; phấn đấu tăng thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Tuy nhiên, việc triển khai các chương trình MTQG còn một số khó khăn, hạn chế: các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện của các bộ, ngành Trung ương còn chậm, một số nội dung hướng dẫn còn chồng chéo, chưa rõ ràng dẫn tới công tác triển khai tại tỉnh cũng bị ảnh hưởng tiến độ.

Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 vừa tăng số lượng chỉ tiêu, tiêu chí, vừa tăng mức độ yêu cầu đạt chuẩn. Một số chỉ tiêu, tiêu chí Trung ương quy định tỷ lệ quá cao, chưa sát với thực tế địa phương. Qua đó, tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương có văn bản hướng dẫn đối với một số nội dung để tạo thuận lợi cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện; xem xét điều chỉnh một số tiêu chí, chỉ tiêu liên quan đến Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025...

Ông Đào Minh Tú- Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trưởng đoàn công tác ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, đồng thời, đề nghị thời gian tới, tỉnh tiếp tục quán triệt việc thực hiện ba chương trình MTQG là nhiệm vụ chính trị quan trọng; kiện toàn Văn phòng điều phối nông thôn mới; tiếp tục đẩy mạnh giải ngân kinh phí đã được giao, nhất là nguồn vốn Trung ương; giám sát chặt chẽ việc giải ngân, bảo đảm đúng đối tượng; đẩy mạnh công tác truyền thông về các chương trình MTQG, nâng cao nhận thức người dân; nếu điều kiện ngân sách có được, bổ sung thêm nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để góp phần thúc đẩy nhanh, sớm đạt được mục tiêu của các chương trình MTQG, nhất là giảm nghèo bền vững.

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục