BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dép cao su

Cập nhật ngày: 28/07/2017 - 12:45

BTN - Nghĩ cho cùng! Chẳng có thứ vật dụng nào bền như dép cao su. Dẫu máy giặt ngoại “hai mươi năm vẫn chạy tốt”, hay gạch Hoà Thành từng có lúc bảo hành tới 50 năm thì chắc cũng không sánh được.

Cách đây năm ba năm, người Tây Ninh đã thấy dép cao su trở lại trên các phố phường thị xã (nay là thành phố) Tây Ninh. Khi ấy, dép cao su đã được cải tiến ít nhiều, giống như “dép rọ” nhiều quai mà người bán gọi là dép “đốc tờ” (ý nói bác sĩ hay kỹ sư mới xứng xỏ chân vào đôi dép ấy). 

Dép “đốc tờ” đã chinh phục được tôi, nên đành “xuỳ” ra hơn trăm ngàn để mua, tính chuyện vây vo làm sang với bạn bè… Nhưng đem về, đi thử vài hôm mới biết dép hơi bất tiện vì còn nặng quá. Vẫn từ vỏ xe ô tô cắt ra, đã dày cộp lại còn thêm hàng 5-6 quai ngang, gì mà chả nặng. Ðành bỏ xó thôi, để trở lại dép da, dép nhựa cho nhẹ nhàng tiện lợi hơn.

Về cơ bản, dép cao su- tạm gọi là thế hệ 2 này vẫn cấu tạo y như thế hệ 1, chỉ khác đi ở một vài kiểu loại. Nghĩa là đế dép vẫn cắt ra từ vỏ xe ô tô cũ, còn quai thì vẫn là những dây cao su. Có điều dây đã được đúc nên dày dặn hơn. Liên kết quai và đế vẫn theo kiểu truyền thống: đục lỗ ở đế rồi xỏ dây dép qua. Nếu đi nhiều, chắc chắn rồi sẽ có lúc quai bị tuột.

Mấy bữa nay- đã hạ tuần tháng 7. Thấy người ta rao bán dép cao su. Lần này có vẻ còn “quy mô” hơn so với những xe máy chở dép bán rong của mấy năm trước. Người ta chở từ đâu lên không biết, chắc phải là cả xe tải rồi bày ra san sát trên vỉa hè đường Võ Thị Sáu và một vài đường phố khác. Có cả loa phát ra rả những lời quảng cáo nghe cũng hay hay. Nào là nhà máy xả hàng, nào là hàng xuất khẩu….

Rồi còn xen kẽ cả thơ ca vần vè ra phết: “Cô kia chồng bỏ chồng chê/ Tặng chồng đôi dép, chồng mê suốt đời” hoặc: “Anh kia không có con trai/ Tặng vợ đôi dép, ngày mai có liền”. Nghe thì chẳng ai tin, nhưng cảnh rao bán vui vẻ thế đủ khiến người ta dừng xe lại, ngó nhìn và cũng dễ dàng bị chinh phục lắm.

Nói dễ bị chinh phục, là bởi dép cao su thế hệ thứ 3 này đã được “hiện đại hoá” lên nhiều. Dép đúc trăm phần trăm, nên mặt quai và đế thảy đều bóng mượt. Cũng nhờ đúc mà cái đế đã được tạo hình các ô rỗng ở mặt dưới nên dép nhẹ gần như các loại dép thông thường. Kiểu cọ lại phong phú, tới hàng chục loại, từ loại xỏ quai truyền thống đến các kiểu tựa dép da, gắn thêm các phụ kiện kim loại sáng ngời, nhìn rất bắt mắt trên nền cao su đen nhánh.

Và điều cơ bản nhất vẫn là chất liệu cao su nguyên chất, bởi mùi thơm cao su sực lên như mùi chiếc vỏ xe vừa mới bóc tem. Cứ như tôi thấy thì mười người dừng xe cũng có ít nhất năm người mua, bởi dép có kiểu dáng đẹp, lại nhẹ nhàng và rẻ.

Nghĩ cho cùng! Chẳng có thứ vật dụng nào bền như dép cao su. Dẫu máy giặt ngoại “hai mươi năm vẫn chạy tốt”, hay gạch Hoà Thành từng có lúc bảo hành tới 50 năm thì chắc cũng không sánh được.

Dép cao su có từ thời kháng chiến chống Pháp, lần đầu xuất hiện ở mặt trận Bình Trị Thiên, nên ban đầu được gọi là dép Bình Trị Thiên. Cho đến chiến dịch Ðiện Biên Phủ, dép đã trở thành vật bất ly thân của bộ đội và dân công hoả tuyến.

Thời chống Mỹ, dép cao su lại theo chân hàng triệu người lính và thanh niên xung phong vượt Trường Sơn đi đánh giặc. Dấu dép ấy từng in trên mọi nẻo đường tiến quân và đến ngày 30.4.1975 đã nhẹ nhàng in dấu trên đường phố Sài Gòn.

Ai còn nhớ không, vào mùa xuân năm 1968 anh hùng, theo các mũi tiến quân của chiến dịch Mậu Thân, nhà thơ Lê Anh Xuân ngã xuống, để lại bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” bất tử có những câu sau: “Anh tên gì hỡi anh yêu quý/ Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng/ Như đôi dép dưới chân anh giẫm lên bao xác Mỹ/ Mà vẫn một màu bình dị sáng trong”. Ðôi dép ấy chính là đôi dép cao su đấy!

Những ngày tháng bảy này, thế nào chúng ta cũng được nghe lại bài ca “Dấu chân tròn trên cát”. Những dấu chân tròn ấy là của người thương binh đã bị mất chân, phải chống nạng. Cái đế của chân nạng làm bằng cao su, giống như một loại dép cao su.

Dép ấy dùng cho bàn chân người thầy của nhà thơ Trần Ðăng Khoa: “Bàn chân thầy gửi lại Khe Sanh/ Hay Tây Ninh, Ðồng Tháp”. Và vì thế: “Dấu nạng hai bên như hai hàng lỗ đáo/ Chúng em nhận ra bàn chân thầy giáo/ Như nhận ra cái chưa hoàn hảo/ Của cả cuộc đời mình…”.

NGUYỄN


Liên kết hữu ích