Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đi chùa đầu năm – Nét đẹp trong đời sống tâm linh người Việt
Thứ tư: 21:44 ngày 29/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đi lễ chùa đầu năm vốn là nét đẹp văn hóa truyền thống từ lâu đời của người Việt, vừa mang tính chất tâm linh vừa chứa đựng những giá trị nhân văn cùng đạo đức cao cả.

Đối với người Việt Nam, cứ mỗi độ xuân về, dù có hòa mình vào không khí lễ Tết thì nhiều người vẫn không quên lên chùa thắp nhang, cầu cho mình sức khỏe bình an, may mắn và hạnh phúc. Ngay sau thời khắc giao thừa, người dân thường rủ nhau đi lễ chùa đầu năm để xin lộc.

Người ta cho rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Hòa vào dòng người đi lễ, mỗi người sẽ cảm nhận được sự giao hòa của trời – đất.

Đi chùa đầu năm là nét đẹp trong đời sống tâm linh người Việt.

Người dân Việt Nam đi chùa còn để xin chữ đầu năm hay những câu đối có ý nghĩa để đem về nhà treo ở nơi trang trọng nhất, cầu nguyện thành đạt cho cuộc sống và học hành thi cử cho con cái. Đặc biệt, tiếng chuông chùa ngân vang giữa đất trời, khói nhang quyện tỏa, màu sắc đèn hoa và những nụ cười nơi cửa Phật... tất cả đã tạo nên không khí yên bình, tâm hồn thanh tịnh.

Với quan niệm, đi lễ chùa trước tiên phải đến những chùa gần, năm nào cũng vậy, ngay từ mùng 1 Tết, bà Nguyễn Thị Xuyên (Hà Trung, Thanh Hóa) đã cùng cả gia đình đi lễ chùa, cầu phúc, lộc, bình an...Theo bà Xuyên, lễ chùa đầu năm còn là một nét văn hóa độc đáo của người Việt, giúp mọi người tìm được chút thư thái cho tâm hồn sau một năm làm việc bận rộn.

Hiện nay, đối với nhiều bạn trẻ, đi lễ đầu xuân không chỉ để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho gia đình, người thân, bạn bè mà còn là dịp để thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân.

Người Việt đi chùa đầu năm cũng là dịp để mọi người cầu mong một cuộc sống hạnh phúc, an vui. Ảnh: Hữu Thiện.

Lễ chùa đầu năm cũng giúp thế hệ trẻ hiểu biết thêm nét văn hóa truyền thống của dân tộc, bổ sung thêm kiến thức lịch sử. “Đi lễ đầu xuân đã trở thành hơi thở của cuộc sống, là thói quen, nét đẹp của nền văn hóa, là nơi thể hiện ước mơ ngàn đời của mỗi người, cầu mong mưa thuận, gió hòa, cầu mong một cuộc sống hạnh phúc, an vui, thái bình”, bạn Lại Thế Anh (Thanh Hóa) chia sẻ.

Ngày nay, khi cuộc sống ngày càng hiện đại và văn minh thì con người lại càng muốn tìm về chốn linh thiêng, thanh tịnh, bỏ lại những vất vả lo toan của cuộc sống.

Việc đi lễ chùa không chỉ giúp cho người dân Việt giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, ghi nhớ công ơn ông bà tổ tiên mà còn hướng con người tới chân – thiện – mĩ, làm những việc có ý nghĩa cho gia đình và xã hội.

Đi chùa ngày đầu năm vẫn sẽ mãi là một nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của người Việt. Đây còn là dịp để tâm thức mỗi người hướng tới cái thiện và làm những việc thiện và là sự khởi đầu tốt đẹp cho một năm mới với nhiều khát vọng mới.

Nguồn Laodongthudo

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục