BAOTAYNINH.VN trên Google News

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn to lớn

Cập nhật ngày: 20/05/2009 - 05:53

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn không chỉ cho giai đoạn đã qua, với hiện tại mà cho cả những chặng đường sắp tới của cách mạng và dân tộc ta. Đó là nhận định của các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học "Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn" do Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức sáng 20.5 tại Hà Nội nhân kỷ niệm 119 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 40 năm công bố bản Di chúc của Người.

Gần 50 bản tham luận tham gia hội thảo đã tập trung làm rõ 3 chủ đề lớn: Những giá trị lý luận và thực tiễn của bản Di chúc đối với cách mạng Việt Nam trong các lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể, bồi dưỡng giáo dục con người mới xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế đối ngoại; Những thành quả mà nhân dân ta đạt được sau 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, văn hóa; Kết quả học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và sự vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người, nhất là các tư tưởng trong bản Di chúc vào thực tiễn xây dựng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong 40 năm qua.

Tại Hội thảo, Giáo sư Sử học Đinh Xuân Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn của bản Di chúc: "Nội dung di chúc của Bác Hồ là sự kết hợp chặt chẽ rất nhuần nhuyễn tính khoa học, tính thực tiễn và tính nhân. Người quan tâm đến quyền lợi, lợi ích, lý tưởng của con người, làm thế nào để phấn đấu nâng cao đời sống của con người. Sau 40 năm, không những giá trị của bản Di chúc vẫn giữ nguyên mà ngày càng có tính chất hiện thực và thời sự".

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, tiếp thục thực hiện lời căn dặn của Người, việc xây dựng chỉnh đốn Đảng được triển khai tích cực và thường xuyên hơn bao giờ hết. Công tác thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí được triển khai đến từng cấp ủy ở các địa phương. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh "do Đảng ta phát động, được toàn dân nhiệt tình tham gia đã khẳng định: Tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn

Phó GS- TS Nguyễn Thế Thắng- Trưởng Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện Chính trị hành chính khu vực 1) nêu rõ: "Tôi nhận thức rất sâu sắc những lời căn dặn của Bác Hồ trong bản Di chúc là mỗi người cán bộ, đảng viên phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công, Vô tư. Nói như thế không phải cao siêu, mà trong khi học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người ở cương vị công tác, đều phải làm việc với trách nhiệm cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng và hiệu quả cao nhất. Đó chính là học tập và làm theo tấm gương của Bác thiết thực nhất".

Cũng trong sáng 20/5, Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm "40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh" với gần 200 ảnh, tài liệu và hiện vật. Các tài liệu hình ảnh tập trung phản ánh công cuộc xây dựng đất nước sau khi Tổ quốc thống nhất theo lời dặn của Người trong Di chúc như: Hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế, văn hoá, y tế, giáo dục, thực hiện các chính sách xã hội, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác quốc tế, vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng với cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh“.

(Theo chinhphu.vn)