Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị nhưng chứa đựng những điều lớn lao, vĩ đại
Chủ nhật: 09:03 ngày 31/08/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 29-8, tại Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Cục Lưu trữ - Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức hội thảo khoa học “45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”. 45 năm qua, thời gian càng lùi xa, nhưng thực tiễn đã và đang diễn ra càng chứng minh giá trị trường tồn trong bản Di chúc của Bác Hồ.

Nêu cao sức mạnh đoàn kết

Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến cho dân tộc Việt Nam và nhân loại. Sự nghiệp của Người gắn liền với những mốc son chói lọi của lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết đơn giản chỉ là “mấy lời để lại”, “tóm tắt vài việc”, nhưng sự đơn giản ấy lại chứa đựng những điều lớn lao, vĩ đại của người Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất. Trong đó, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh là những giá trị vĩnh hằng được kết tinh qua bản Di chúc mà Người đã để lại cho Đảng, đất nước và nhân dân ta...

Nghiên cứu Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề đoàn kết, thống nhất trong Đảng, PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), phân tích: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là một di chúc thông thường, mà là một di chúc có tính chính trị rất cao nhưng cũng thấm đẫm tư tưởng nhân văn và tình cảm của một con người dành cho hậu thế. 

Trong rất nhiều điều dặn lại của Người, nổi lên vấn đề đoàn kết, đặc biệt là đoàn kết, thống nhất trong điều kiện Đảng đang nắm quyền lãnh đạo. Người viết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh: “Người hiểu rất rõ sức mạnh của sự đoàn kết, nhất trí. Sự đoàn kết ở đây không phải là đoàn kết hình thức, bằng mặt nhưng không bằng lòng, mà phải là sự đoàn kết thật sự, cùng chung một quan điểm, một suy nghĩ, từ đó cùng chung sức hành động trên cơ sở sự nhất trí cao về tư tưởng.

Người thường nói: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công. Chỉ có đoàn kết, đồng tâm nhất trí thì mới mang lại sức mạnh tập thể, mới làm mọi việc thành công. Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong, cũng là nói về đoàn kết tạo nên sức mạnh nơi quảng đại quần chúng nhân dân”.

Chia sẻ thêm về điều này, PGS-TS Phạm Xuân Mỹ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm và dày công xây dựng Đảng ta thành một khối đoàn kết, thống nhất vững mạnh. Người thường nói: “Sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết nhất trí”.

Trong Di chúc, Người dặn: Trước hết nói về Đảng - nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Một lòng vì nước, vì dân

Nghiên cứu những giá trị đầy tính nhân văn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, PGS-TS Bùi Đình Phong cho rằng: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kết tinh tư tưởng Hồ Chí Minh, mà quan trọng nhất là tất cả vì hạnh phúc của nhân dân. Cả cuộc đời Người hy sinh, phấn đấu cho độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Theo Người, mọi việc đều do con người làm. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc đều của dân. Vì vậy phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiết kiệm theo quan điểm của Hồ Chí Minh là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, phải biết quý từng đồng tiền, hạt gạo của dân. Cái gì không có lợi cho dân, cho cách mạng thì một xu cũng không tiêu. Cái gì lợi cho nước, cho dân thì dù tốn bao nhiêu cũng phải tiêu. Tiết kiệm cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội, cho cách mạng, cho Tổ quốc và nhân dân.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hải, Cục Lưu trữ quốc gia, phân tích: Di chúc chỉ có trên 1.000 từ, nhưng Bác Hồ đã dành thời gian 3 năm để viết, mỗi năm Bác Hồ lại sửa chữa, bổ sung với biết bao chân tình, sâu sắc, khí phách.

Sau 3 năm viết bản tài liệu “Tuyệt đối bí mật”, tháng 5-1968, Bác Hồ bổ sung vào phần về việc riêng có câu: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Đây là lẽ sống được hun đúc trong tâm can của Người, vừa là mục tiêu vừa là động lực thôi thúc Người đi tìm đường cứu nước, cứu dân và sự thật lẽ sống đó thành lời tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới ngày độc lập của Việt Nam”. Sống lo cho dân, vì nhân dân mà tiết kiệm, vì dân mà sống cuộc đời thanh đạm. Khi sống, Bác Hồ không muốn ai có thể vì mình mà lãng phí. Trong Di chúc, Bác Hồ viết: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.

Rất nhiều ý kiến tại hội thảo đã tập trung làm rõ các giá trị văn hóa tiêu biểu, những tư tưởng nhân văn sâu sắc, những quan điểm vượt tầm thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, về chiến lược xây dựng con người Việt Nam, về con đường cách mạng Việt Nam.

Đồng thời, các nhà khoa học thêm một lần nữa khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn của bản Di chúc lịch sử. Trên cơ sở đó, rút ra những bài học thiết thực nhằm tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. 

Nhìn lại 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh hôm nay là một dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục ghi nhớ và tôn vinh công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, đây cũng là dịp để kiểm nghiệm và khẳng định giá trị trường tồn của bản Di chúc lịch sử của Người đối với sự phát triển của cách mạng Việt Nam.

Triển lãm “45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”

Sáng 29-8, triển lãm “45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã khai mạc tại Hà Nội, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã tới dự, cắt băng khai mạc. Triển lãm giới thiệu đến công chúng gần 200 ảnh, tài liệu và hiện vật với 2 nội dung chính là Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh và 45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh. Triển lãm cũng giới thiệu đến công chúng toàn văn 10 trang bản chụp từ Di chúc gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lưu giữ tại Cục Lưu trữ - Văn phòng Trung ương Đảng và một số tài liệu, hiện vật quan trọng liên quan đến Di chúc của Người. Triển lãm kéo dài đến ngày 29-10.

Nguồn SGGP

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục