Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đi học mùa mưa
Chủ nhật: 19:18 ngày 26/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đứng yên, ngửa mặt để nước từ đỉnh đầu tràn qua má, rỏ xuống cổ, ướt sũng quần áo và từ từ ngấm vào da thịt. Tôi thích cảm giác này. Tắm mình trong mưa, thấy đất dưới chân bỗng mềm mại, thấy bầu trời gần gũi như chiếc ô đang lơ lửng trên đầu.

Si mê những cơn mưa nhưng phải là mưa mùa hạ. Vì sự thật là tôi rất sợ mùa đông, đáng lẽ học trò phải được nghỉ đông, tôi từng ao ước như vậy.

Con bạn thân, tên Thảo, phản đối:

- Mùa mưa đi học mới thú, được mặc áo mưa in hình chú mèo xinh xinh, được cầm dù thủng thẳng lội mưa đến trường. Rồi thì ra chơi ngồi thụt cổ vào chiếc áo ấm nhìn lá rụng ngoài sân trường. Còn nữa, trời mưa, đi ăn chè chuối nướng là ôi mê ly luôn.

Nó nói xong thì vênh mặt cười hí hí, thái độ hí hửng bắt ghét. Giọng điệu của “cô chiêu” nghe gai chưa? Có phải đứa nào cũng được như nó đâu? Ba mẹ Thảo đều là giáo viên, kiêm chủ cửa hàng văn phòng phẩm gần trường, nó có nhiều áo mưa, áo ấm đẹp đẽ nên tơ tưởng mùa mưa để điệu đàng mà chẳng thấu nỗi khổ tâm của con bạn ngồi cùng bàn. Chơi thân với nó nhưng nhà tôi nghèo, ở gần sông Bàn Thạch.

Gần sông, không phải đợi có lũ mới khổ sở vì nước. Chỉ cần có mưa thì chuyện đi học thành nỗi… đoạn trường. Thì đấy! Muốn đến trường tôi phải ra khỏi làng, chướng ngại vật lớn nhất là Cầu Đình. Nó là chiếc cầu gỗ bắc qua một nhánh nước từ sông, hễ mưa cỡ một đêm là cầu bị nước nuốt chửng. Chỉ còn đường nghỉ học mà không viết giấy phép.

- Kiểu này… chắc mai hết mưa rồi - giọng Thảo có vẻ bi thiết.

- Bộ bà muốn thấy tui nghỉ học lắm hả?

- Mưa in ít, đủ mặc áo mưa chớ ai trông lũ lụt đâu. Mưa đi, tớ sẽ bao chè chuối nướng.

- Ừ. Cứ mưa thoải mái, mưa ngày mưa đêm, mưa càng nhiều càng tốt.

Thảo có vẻ hoang mang khi nghe tôi bất cần như vậy. Con bạn không hiểu tôi. Đã mưa thì trông cho mưa tới… “bến”, mưa hết cỡ, tận cùng, mưa cho ngập Cầu Đình luôn. Tôi thà nghỉ học chứ không phải đội mưa đi học. Cũng tại nghèo mà ra. Mùa mưa đi học, tôi phải mặc bính (mặc ké) áo ấm của anh Năm, phải khổ sở mang cái áo tơi của mẹ đến trường. Xấu hổ cực kỳ. Con Thảo trịnh trọng biểu cảm:

- Trông bộ dạng cậu thiệt giống thiên hạ đệ nhứt… kỳ quan. Ha ha ha - nàng cười cái giọng tiểu nhân đắc chí. - Mặc áo tơi đội nón, giống con kềnh kềnh đội nón mang vở đi học.

- Bôi bác người ta đủ chưa bà cố? Áo tơi xấu một chút nhưng rất lợi hại. Mặc áo tơi đi ngoài mưa cũng như đang ngồi trong nhà, y bài vậy còn chê cái gì? Mẹ cậu có làm được áo tơi như mẹ tớ không??

 Hic hic, nói là để tự an ủi bản tính kiêu kỳ bị sự thật tàn nhẫn làm lu mờ chứ trong bụng thì rầu quá trời luôn. Tôi cũng có ít máu chảnh (chảnh ngầm) nên không cam tâm đóng vai kềnh kềnh đi học đâu. Không cần Thảo nói, tôi cũng tự thấy dị dị làm sao.

- Thôi, mai mốt làm cô giáo, nhận lương tha hồ sửa soạn. - Đùa đã rồi quay ra an ủi. Chắc Thảo sợ tôi tự ái. Không tự ái, tôi trả lời:

- Chỉ ước ráng học ráng làm, mai mốt sửa sang ngôi nhà để mỗi mùa mưa mẹ không phải đan áo tơi, không phải xấp ngửa chạy lụt.

Ngày đầu tiên đi… dạy

Tôi đến trường nộp quyết định vào một ngày mưa. Chao ôi là nước! Đục ngầu cuồn cuộn. Mấy người đứng trực khiêng xe khách qua bờ tràn kể chuyện hôm qua có học sinh học về bị lũ cuốn mất… Tội nghiệp! Nghe kể mà lạnh cả sống lưng. Đang tím tái vì sợ thì một anh chàng nói ngọng: “Ê, tao cõng cô giáo qua luôn nha!”, anh Hai “hộ tống” tôi đi nhận nhiệm sở nói nhỏ, hắn là người Ê-đê đấy. Cha mẹ ơi, đây là lần đầu tiên tôi được diện kiến một người thiểu số, thấy hay hay nhưng nhớ lại lời mẹ, người dân tộc họ có bùa thì lại thấy sợ nên đu chặt tay anh lội qua tràn.

Từ chỗ ấy phải băng qua một đoạn đường dài vắng vẻ chỉ cơ man là mì với mía và những khoảnh đất đầy gai mắc cỡ rồi phải bươn qua một cái cua tức rực, leo lên một cái dốc thẳng đứng nữa tôi mới tới được trường,

Trường học ư? Tồi tàn, ọp ẹp- nếu không muốn nói là rệu rã. Nó còn thua cái cửa hàng cũ của hợp tác xã mà quê tôi người ta bỏ hoang. Trường học gì kỳ, chỉ vẻn vẹn 4 lớp.

Những ngày đầu ở Sông Hinh thật khó khăn, mọi thứ không đơn giản như trong hình dung.

Buồn! Khổ! Nhiều lúc nản, muốn trốn quách về xuôi.

Nhưng dần dà tôi nhận ra, học sinh ở đây rất lễ phép và kính trọng thầy cô. Như một buổi sáng ở nội trú, tôi ngủ muộn, dậy mở cửa thì thấy cậu học trò ngồi thu lu tự lúc nào trước hiên nhà. Em bảo đến sớm nhưng không dám gọi. Tay ôm bó rau muống to, rụt rè bảo: em đem cho cô nấu canh.

Rồi có hôm tôi bệnh, học trò mang tới trái cam nhà, quả đu đủ, trái bắp, gói đậu phộng luộc… Chưa hết. Những ngày lễ, quà các em tặng cô là những bông cỏ được sắp và bó thật đẹp.

Chỉ vậy thôi mà cô giáo trẻ thấy mình có duyên nợ với vùng cao. Lạt mềm buộc chặt, tình cảm của các em đã giúp tôi hiểu rằng, mình sinh ra là để làm cô giáo vùng cao.

Băng qua những cơn mưa

Đi dạy mà ngong ngóng dự báo thời tiết, hễ nghe có mưa, có áp thấp, có bão là thấp thỏm. Lo lắm, học trò băng mưa tới trường không có cô là… xong phim. Nhưng học trò chắc không đứa nào hình dung cảnh thầy cô dưới xuôi lên trường bằng cách nào trong những ngày mưa.

Tôi và Thảo rủ nhau đón cùng chuyến xe đò. Mặc áo mưa thùng thình, vai mang ba lô, tay xách cái túi bự chảng, trong túi là bộ đồ công sở và gô cơm. Tin không, chúng tôi mặc quần lửng đi đón xe. Còn phải hỏi, lên xe xuống xe là chuyện nhỏ, xăn quần lội bờ tràn, lội qua chiếc cầu thấp chũn bắc qua sông mới là chuyện lớn.

Hoạt kê vậy nhưng làm được hết, sợ nhất nước chảy xiết đỏ ngầu, sợ nước cuốn mất xác, nhưng nhìn đồng hồ thì nóng ruột nóng gan, tới giờ vô lớp mà không thấy cô thì mấy nhỏ sẽ đại náo liền, một lớp ồn thì cả trường khỏi dạy luôn.

Vừa lo vừa sợ, vậy là hai đứa băng ào ra dòng nước. Bữa đó may gặp anh chàng Ê-đê đi ngang, túm đầu kéo giùm lên bờ chứ không thì tôi và Thảo đã đi diện kiến Hà Bá rồi. Một lần tởn tới già, sau này mùa mưa, hai đứa đùm túm lên ở nhờ cái trạm y tế cũ bỏ hoang, hết mưa thì bổn cũ soạn lại, 100 km đi về.

Và bão lũ…

Cơn bão đang tiến vào đất liền. Tôi không về vì biết đằng nào nước cũng nuốt chửng Cầu Đình. Thảo đón xe về một mình, nhất định phải về vì sinh nhật người yêu. Tôi ca cẩm yêu đương phải xếp sau an toàn bản thân nhưng nàng không nghe, kết quả giữa đường gặp bão, trôi tạm vào nhà bên đường nấp. Nấp trong nhà mà sau bão một chiếc chân Thảo phải bó bột vì trụ điện ập vào nhà đổ mái.

Tai nạn đó là lý do để Thảo làm đơn xin thuyên chuyển. Nàng vui vẻ tổ chức bữa liên hoan, chia tay anh em về đồng. Nàng bảo, người yêu bảo chuyển về xuôi mới chịu làm đám cưới, tôi cười hê hê dù bụng không đồng tình suy nghĩ kiểu “ích kỷ” từ chồng sắp cưới của con bạn.

Còn tôi, đợt bão đó tạm ở lại trường. Tránh bão trong căn phòng cũ kỹ, tôi hơi sợ, nằm co ro dưới gầm giường. Bỗng “ầm” một tiếng, thò đầu ra nhìn, cánh cửa đã bị giật phăng. Tôi nằm mếu.

Bỗng nghe tiếng bước chân, nhìn lên là một anh thanh niên mặc áo Đoàn. Tôi đã có dịp gặp trong lần anh cùng thanh niên trong thôn lên phát quang khu đồi sau lưng trường học. Thấy cửa nẻo nghiêng ngả, anh hối hả tìm cách gài cửa lại, che chắn kỹ càng. Khi đã an toàn, tôi thò đầu ra nói lời cảm ơn.

Bước tới hai bước, chân giẫm mảnh chai đau điếng, tôi thút thít lấy tay lau máu, anh hỏi có sao không, tôi vừa khóc vừa than chảy nhiều máu và rát nhức. Móc trong túi lấy cái băng keo cá nhân dán lên vết thương, dặn ngồi yên sẽ bớt, nói rồi anh đi. Tôi nhìn theo, chân anh đi nhón, vết máu dính lại sàn nhà. Đến lượt tôi lo lắng:

- Anh giẫm mảnh chai rồi, về nhà nghỉ đi anh!

- Còn nhiều người sợ bão như cô giáo lắm...

Nói rồi hối hả đi. Đẹp làm sao một bàn chân chảy máu vẫn đi trong mưa lũ. Những giọt máu đỏ tươi đã nhỏ vào tôi những ý niệm mới về một cách sống.

* * *

Những ngày mưa sau đó, mưa gió bập bùng, tôi đóng đô ở khu nội trú luôn, trước giờ vô lớp và tan tầm, tôi có mặt tại chỗ nước chảy xiết, đưa sách vở và giúp học sinh qua đoạn tràn gần trường bị ngập nước.

 N.T.B.N

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục