Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đi qua miền văn hoá “Thủ Biên”
Thứ ba: 22:20 ngày 09/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Từ ngày 29.6 - 1.7.2024, Chi hội Văn học (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh) tổ chức đoàn thực tế sáng tác, nghiên cứu tại hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương.

Văn nghệ sĩ Tây Ninh bên cạnh tượng đài Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (ảnh: Minh Trí)

Đồng Nai và Bình Dương là những vùng đất giàu trầm tích văn hoá, nơi có hai con sông Đồng Nai và sông Sài Gòn chảy qua, lưu dấu những bước chân Nam tiến của người Việt trong tiến trình đi khẩn hoang mở cõi.

Đặt chân đến thành phố Biên Hoà, bên cạnh sông Đồng Nai có cầu Gành- cây cầu ngoài trăm năm tuổi gắn liền với đời sống của người dân ở cù lao Phố. Trên cầu ngoài tuyến đường bộ, đường dành cho xe cơ giới còn có tuyến đường sắt Bắc - Nam. Nơi đầu tiên đến với Biên Hoà, đoàn đã đến thăm đình Bình Kính. Tại ngôi đình này, hàng trăm năm nay người dân Đồng Nai phụng thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh.

Dâng hương trước bàn thờ chữ “Thần”, trong lòng mỗi người đều nhớ đến nguồn cội, thâm ân của những bậc tiền nhân đi mở cõi. Đứng bên cạnh tượng đài đức Lễ Thành hầu, đoàn được nghe cán bộ Bảo tàng tỉnh Đồng Nai nhắc nhớ về công đức của đức ông khi vào Nam kinh lược chọn cù lao Phố làm đại bản doanh, lấy đất Đồng Nai lập dinh Trấn Biên và chọn đất Sài Côn để lập huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn cùng những công lao to lớn của ông với vùng đất phía Nam. Hiện nay, bên cạnh đình Bình Kính và phường Gia Bình (thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) vẫn còn ngôi mộ gió và hậu duệ của ông.

Đoàn văn nghệ sĩ Tây Ninh ghé qua đình Tân Lân nghe nhà nghiên cứu Lê Ngọc Quốc kể về Trấn Biên Đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên dẫn người Hoa, người Việt đến khai phá đất Biên Hoà, đến 19 năm sau, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào lập nền hành chính ở phương Nam. Hằng ngày, tiểu thương ở chợ, người dân địa phương đến viếng đình rất đông, đặc sắc trong lễ Kỳ yên ở đình có nghi thức thỉnh đức ông chu du, hai bên đường người dân lập hương án để tưởng nhớ đến ông. Nơi tiền đình còn lưu giữ bức hoành phi “Tân Lân thành phố miếu” được hiểu đây là ngôi đình quan trọng của thành phố.

Rời đình Tân Lân, đoàn đến thăm mộ Hiệp biện Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức, một công thần của triều Nguyễn, là nhà thơ, nhà văn và là một sử gia nổi tiếng của Việt Nam trong thế kỷ XVIII-XIX. Nghiên cứu về vùng đất Nam bộ, chắc hẳn ai cũng đã từng đọc qua quyển sách “Gia Định thành thông chí” của ông. Và người dân Tây Ninh vẫn còn nhớ bài thơ “Quang Hoá hồ già” do ông sáng tác được xem là bài thơ cổ nhất viết về vùng đất Tây Ninh.

Đoàn xúc động khi đến văn miếu Trấn Biên, nơi đào tạo nhân tài cho xứ Đàng Trong đầu tiên ở mảnh đất phương Nam và còn là nơi phụng thờ đức Khổng thánh tiên sư cùng các danh nhân văn hoá Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Quốc thuyết minh về đình Tân Lân (ảnh: Minh Trí)

Thu hút các nhà nghiên cứu trẻ của Tây Ninh là những ngôi chùa trăm năm gắn liền với tiến trình mở cõi về phương Nam của người Việt và tinh thần nhập thế độ sanh của Phật giáo Nam bộ. Như chùa Đại Giác còn gìn giữ bức hoành phi “Đại Giác tự” do công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh hiến cúng cho chùa vào tháng 10 năm Minh (1820).

Chùa Chúc Thọ còn truyền miệng câu chuyện ông Thủ Huồng lập nhà bè trên sông để người dân dừng chờ nước triều ở ngã ba sông, mà đến nay truyền lại địa danh Nhà Bè và câu ca “Ai ơi có đến Nhà Bè/ Nhớ ơn nước ngọt, bè tre Thủ Huồng”.

Nơi chùa Quốc ân Kim Cang còn dấu tích tháp mộ công chúa Ngọc Vạn và ngôi bửu tháp thờ tổ sư Nguyên Thiều - vị thiền sư từ miền Trung vào Nam hoằng hoá cho những lưu dân người Việt và người Hoa định cư lập nghiệp nơi vùng đất mới, rộng truyền thiền phái Lâm Tế Bổn Nguơn ở Nam bộ và thịnh hành ở Tây Ninh.

Bên dòng thác Giang Điền hữu tình, quây quần bên nhau, các thi sĩ Tây Ninh đã cảm tác nên những bài thơ về phong cảnh thiên nhiên trên mảnh đất Đồng Nai.

Trở về Bình Dương, đoàn đến thăm chùa Hội Khánh- nơi năm xưa cụ Nguyễn Sinh Sắc- thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Hoà thượng Từ Văn hoạt động yêu nước và tham gia phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam bộ.

Đoàn đã không kiềm được nước mắt và dâng những nén hương trước tượng đài các chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước tại nhà tù Phú Lợi- chứng tích tố cáo tội ác của giặc trong cuộc chiến tranh xâm lược.

Nghề gốm là một trong những nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời ở Bình Dương. Dịp này, đoàn đến thăm lò lu Đại Hưng- là lò gốm cổ nhất đất Bình Dương có lịch sử trên 150 năm, hiện vẫn giữ cách thức sản xuất thủ công truyền thống.

Ở đây, văn nghệ sĩ Tây Ninh được nghe những người thợ kể về chuyện đời, chuyện nghề, có những người thợ trước đây cũng từng làm cho lò gốm, lò gạch ở Tây Ninh. Đến với lò gốm của Nắng ceramics, điều ấn tượng đầu tiên từ chủ lò đến thợ đều là những người trẻ có cùng tình yêu với gốm Nam bộ.

Những người trẻ này đang làm lại dòng gốm Lái Thiêu - Sông Bé xưa mà khi ai cầm trên tay cái chén, cái dĩa hay bình bông đều như chạm về ký ức xưa với những món đồ gia dụng của ông bà hay cha mẹ hồi đó, cùng đi trong đoàn nhà thơ Quỳnh Hoa còn nhớ về lò gạch của cha cũng từng vang danh một thời ở Tây Ninh.

Văn nghệ sĩ Tây Ninh tham quan lò lu Đại Hưng.

Thất Phủ hội quán ở Biên Hoà (Đồng Nai), Thiên Hậu cung ở Thủ Dầu Một (Bình Dương) hay bảy hội quán tại Tây Ninh là những nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người Hoa góp phần làm phong phú bản sắc văn hoá của các cộng đồng, dân tộc ở Nam bộ.

Trong chuyến đi lần này, đoàn ghé qua Bảo tàng tỉnh Bình Dương, nghe cán bộ thuyết minh khái quát về vùng đất, con người Bình Dương, từ thời khẩn hoang mở cõi đến kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến thời bình và sự phát triển của tỉnh trong thời kỳ mới.

Tại Đồng Nai, văn nghệ sĩ Tây Ninh cùng giao lưu với nhà văn Trần Thu Hằng, nhà thơ Đàm Chu Văn, nhà văn Dương Đức Khánh. Về Bình Dương, dưới tán cây di sản trong khuôn viên Trường trung cấp Mỹ thuật - Văn hoá Bình Dương (tiền thân là Trường Bá nghệ được thành lập từ năm 1901 tại Thủ Dầu Một) giao lưu với nhà thơ Lê Minh Vũ, nhà văn Lưu Thành Tựu, nhà nghiên cứu Lê Thị Kim Út. Mọi người cùng vui trong những câu chuyện văn thơ và tặng sách với nhau.

Văn nghệ sĩ Tây Ninh tham quan lò gốm Nắng ceramics.

Dạo một vòng ở phố đi bộ, vẫn còn thấy được những ngôi nhà cổ, cảnh trên bến dưới thuyền cùng sự tấp nập của chợ hoà trong sự hiện đại, trẻ trung của đèn đường rực rỡ và các hoạt động của giới trẻ ở thành phố Thủ Dầu Một vốn có lịch sử lâu đời.

Ở mỗi điểm đến trong chuyến thực tế sáng tác, nghiên cứu của Chi hội Văn học như được ngược dòng lịch sử để hiểu nhiều hơn và thêm yêu vùng đất, con người miền Đông Nam bộ. Đây sẽ là chất liệu để các văn nghệ sĩ tỉnh Tây Ninh sáng tác nên nhiều tác phẩm ý nghĩa và tham gia cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Tây Ninh - 50 năm sức sống vươn lên” năm 2024.

Phí Thành Phát

Tin cùng chuyên mục