Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cái tên Thanh Phước đã được khai sinh ít ra là từ năm 1808, hơn hẳn cái tên An Tịnh những 18 tuổi. Cũng sau năm 1836 thì làng Thanh Phước được cắt về tổng Mỹ Ninh; làng Thạnh Ðức lại bổ về tổng Triêm Hoá đều thuộc huyện Quang Hoá- huyện thứ hai của phủ Tây Ninh.
Chùa Thanh Lâm.
Vậy là chúng ta đã biết thôn Thanh Phước có từ rất sớm, ngang với Bình Tịnh (sau đổi tên thành An Tịnh). Ðấy là vào năm Gia Long thứ VII (1808), khi vua cho đổi tên dinh Phiên Trấn làm trấn Phiên An: “lấy huyện làm phủ, lấy tổng làm huyện, cứ theo đất rộng hay hẹp, dân nhiều hay ít, hãy thấy liền nhau là bổ vào, lại thêm tên tổng, đều lập giới hạn…” (Gia Ðịnh thành thông chí). Khi ấy (1808), cả ba xã Bình Tịnh, Thanh Phước và Thạnh Ðức đều thuộc tổng Bình Cách, huyện Thuận An, phủ Tân Bình của trấn Phiên An (Từ điển Ðịa danh hành chính Nam Bộ).
Nếu xét theo lịch sử tên làng thì cái tên Thanh Phước còn “cao niên” hơn cả tên An Tịnh. Bởi lẽ vào năm 1836, sau khi lập phủ Tây Ninh thì thôn Bình Tịnh mới đổi tên thành An Tịnh và cắt về tổng Hàm Ninh thuộc huyện Tân Ninh của phủ Tây Ninh vừa mới lập.
Trong khi đó, cái tên Thanh Phước đã được khai sinh ít ra là từ năm 1808, hơn hẳn cái tên An Tịnh những 18 tuổi. Cũng sau năm 1836 thì làng Thanh Phước được cắt về tổng Mỹ Ninh; làng Thạnh Ðức lại bổ về tổng Triêm Hoá đều thuộc huyện Quang Hoá- huyện thứ hai của phủ Tây Ninh.
Tìm được gốc tích xưa như thế, mới lý giải được những tên đất hiền lành, mộc mạc của làng xưa Thanh Phước. Như: Cây Trường, Xóm Ðồng, Kỳ Ðà, Rỗng Tượng, Trâm Vàng…
Từ Rỗng Tượng lại chia ra thành Rỗng Tượng Dài và Rỗng Tượng Tròn. Ðến đây, cần giải thích thêm chữ Rỗng. Ðấy là vùng đất voi đi qua hay đến uống nước, đằm mình. Sách Truyền thống xã Thanh Phước có đoạn: “xã Thanh Phước thuở ấy còn đầy rừng rậm, hoang vu, nhiều thú dữ. Voi đi từng đàn, trên đường voi đi có nơi đất sụp sâu xuống thành rỗng. Ở khu vực Rỗng Tượng Tròn có người ăn cơm tối xong ra sân uống nước đã bị cọp ăn…”.
Cũng theo sách này thì: “Năm 1963, ta (chính quyền cách mạng) tách các ấp Rạch Sơn, Thanh Hà, Thanh Bình ra khỏi xã Thanh Phước để lập thành thị trấn Gò Dầu như ngày nay…”.
Chỉ chưa đầy một năm nữa thôi là xã Thanh Phước hiện nay đã có 210 năm ngày thành lập. Cái ngày được định danh chính thức ấy là 12 tháng Giêng năm Mậu Thìn, Gia Long thứ VII (1808).
18 năm sau nữa, phủ Tây Ninh mới ra đời. 210 năm một vùng đất nước do người Việt đến khai phá làm ăn, lập làng, dựng chợ, để có một Thanh Phước hôm nay óng ả đồng lúa, đồng màu trên những thôn ấp Xóm Ðồng, Cây Trắc, Suối Cao…
Xa xưa như thế, mới lý giải được chuyện đình Thanh Phước hôm nay vẫn uy nghi, hoành tráng trên đồi cao Gò Dầu Hạ bao quát một vùng sông Vàm Cỏ. Và những ngôi chùa, đền miếu của làng xưa vẫn bền vững đến bây giờ. Chùa cổ có Thanh Lâm, Bửu Nguyên...
Miếu cổ có Thanh An cung, còn gọi chùa Bà Thiên Hậu. Chùa Thanh Lâm nay, gọi cho đầy đủ là Linh Sơn- Thanh Lâm tự. Là để ghi nhớ rằng chùa đây cũng có gốc rễ tự núi Bà. Chuyện rằng ông sư tổ đời thứ nhất của Thanh Lâm tự là sư tổ Trừng Long- Thích Chơn Thạnh, học trò của đại sư tổ núi Bà Ðen Trừng Tùng- Chơn Thoại. Học trò cũng tu theo dòng Thiền tế thượng chánh tông.
Ðến năm 1865, ông về Thanh Phước lập chùa. Cho đến nay, dấu tích mái chùa xưa tre lá hay ngói âm dương bánh ít đều không còn nữa. Chùa Thanh Lâm cũng “theo thời” đô thị hoá, lên cao một trệt, một lầu. Nhưng vẫn còn kia những pho tượng gỗ đẽo tạc giản dị (nên rất đẹp) mang dấu tích của thời những bậc tiền nhân đi mở đất.
Ðình Thanh Phước.
Cùng nằm trên đường Trương Vĩnh Ký với chùa Thanh Lâm còn có ngôi miếu thờ Bà Thiên Hậu của người Hoa sinh sống ở Gò Dầu. Miếu lúc nào cũng rực rỡ vàng son với lối kiến trúc đặc trưng. Tượng Bà ngự trong cung giữa rừng rực hoa thơm cùng lung linh đèn nến. Ngôi này được xây, có thể từ năm Ất Dậu 1885, căn cứ vào một tấm đại tự gỗ xưa vẫn còn óng ánh sắc vàng son.
Nhưng nói gì thì nói thì ta vẫn cần trở về cái đình làng Thanh Phước. Ðình Việt Nam, nói như một nhà nghiên cứu văn hoá dân gian: “cái nôi văn hoá vẫn hiên ngang tồn tại, vẫn mãi mãi là kiến trúc Việt Nam độc nhất” (Nguyễn Hữu Hiệp- Tạp chí Xưa Nay của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam).
Miếu Thanh An cung.
Có lẽ do ảnh hưởng của quan niệm đã quen nghe- là An Tịnh mới là thôn đầu tiên của tỉnh Tây Ninh nên những người biên tập sách Di tích văn hoá lịch sử và danh thắng viết về đình Thanh Phước có đoạn: “Ðình Thanh Phước được xây dựng trong thời kỳ sau Bình Tịnh (An Tịnh), Phước Lộc (Gia Lộc), An Hoà kể đến Gia Bình… Cư dân trên vùng đất này tiếp tục phát triển khai hoang, lập ấp đến vùng đất Thanh Phước ngày nay…”.
Với những chứng cớ đã bày tỏ ở phần trên thì quan niệm này cũng nên được nhìn nhận lại. Sách không viết rõ đình Thanh Phước được xây dựng năm nào nhưng tại bản lý lịch di tích lập trước tháng 8.2004 thì ngôi đình đã được xây dựng lại ở vị trí ngày nay vào năm 1897.
Tiền thân của đình là một ngôi miếu nhỏ ở sát bờ sông, bị sạt lở nên buộc phải di dời. Cũng theo tài liệu này, diện tích được khoanh vùng bảo vệ của di tích là 3.936m2, trong đó diện tích xây dựng là 769,7m2. Qua nhiều lần tu sửa, như xây cổng năm 1957, xây lại nhà tiền đình năm 1966… đến nay, đình Thanh Phước vẫn bền vững với hệ thống cột, kèo bằng gỗ kích thước lớn.
Thật đáng ngạc nhiên là các cột trong khu tiền đình và chính đình có đường kính tới 40 và 50cm, thẳng nuột và bóng ngời màu nâu đỏ. Chỉ riêng khu này đã có tới 20 cây cột, trong đó bốn cây phần tứ trụ có đường kính tới 50cm.
Trong phần tiền đình có hai cây cột được chạm khắc đôi rồng thếp vàng rực rỡ. Dường như tác phẩm điêu khắc này được chạm thẳng vào thân cây gỗ có đường kính 40cm. Khuôn viên đình đã không còn nhiều cây cổ thụ.
Những cây dầu khổng lồ làm nên tên gọi của miền đất này đã dùng vào việc tu bổ ngôi đình này chăng? Dưới bóng râm của những hàng cây mới trồng, còn thấy khá nhiều những ngôi miếu nhỏ. Như miếu Ngũ Hành, Bạch Mã, Thái Giám, Ông Tà… và đặc biệt có một ngôi thờ Thuỷ Long thần nữ.
Các ban thờ trong đình cũng có nhiều ban với cái tên đề nghe hơi lạ. Như bàn thờ tiên giác- cũng chỉ nơi này mới có. Hỏi ra mới biết, tiên giác chính là các vị hương chức, giáo chức có chữ nghĩa, có công với làng nước ngày xưa. Có vẻ như đình Thanh Phước vẫn còn nhiều bí ẩn, bởi chiều dài hơn 200 năm quá khứ. Ðơn giản như đôi câu đối đắp ở cổng đình mới xây năm 1957 kia.
Phiên âm là: Thanh hoá nguy nga, nãi thánh, nãi thần, nãi văn võ/ Phước sanh trọng hậu, hữu trì, hữu thổ, hữu nhân dân. Còn chưa rõ ai là tác giả cùng ý nghĩa thâm sâu nhưng đọc lên với hai chữ tên làng ở đầu câu, cũng thấy được phần nào diện mạo, thần thái của làng xưa Thanh Phước.
TRẦN VŨ