Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đi tìm nguyên nhân ô nhiễm sông Vàm Cỏ Đông
Chủ nhật: 22:00 ngày 21/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thời gian qua, nhiều cử tri phản ánh tình trạng nước sông Vàm Cỏ Đông bị đen sẫm, bốc mùi hôi thối, làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất nông nghiệp. Ngành chức năng đã đi tìm nguyên nhân và đề xuất phương hướng khắc phục.

Đâu rồi dòng “nước xanh biêng biếc”?

Năm 1966, sông Vàm Cỏ Đông đã đi vào thơ, vào nhạc với những câu từ da diết "Ở tận sông Hồng em có biết/Quê hương anh cũng có dòng sông/Anh mãi gọi với lòng tha thiết Vàm Cỏ Đông, ơi Vàm Cỏ Đông/Ơi ơi Vàm Cỏ Đông, ơi hỡi dòng sông/Nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng…”.

Sau khi bài thơ và ca khúc cùng tên này ra đời, người dân miền Nam nói chung, người dân hai tỉnh Tây Ninh, Long An nói riêng- nơi có sông Vàm chảy qua- đều rất tự hào vì quê hương mình có dòng sông tuyệt đẹp. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của những năm trước, những năm gần đây, sông Vàm Cỏ Đông không còn “nước xanh biêng biếc” nữa, nhiều lúc, nhiều nơi, nước đã bị đổi màu và bốc mùi hôi rất khó chịu.

Nhiều nơi nổi bọt trên mặt nước sông Vàm.

Còn nhớ, trước đây, từ tháng 5 đến tháng 6 năm 2016, ở thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông, đoạn từ cầu Bến Sỏi đến bến Tầm Long, Bưng Rò thuộc huyện Châu Thành, đã từng xảy ra tình trạng nước sông có màu đen, gây chết hàng loạt cá nuôi trong lồng bè và cá trên sông.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), thời điểm đó, các hàm lượng thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Cụ thể, hàm lượng oxy hòa tan (DO) thấp hơn từ 1,14 - 16 lần, Sắt (Fe) vượt từ 2 - 2,8 lần, nhu cầu oxy hóa học (COD) vượt 1,16 lần, Amoni vượt 1,2 đến 2 lần.

Năm nay, từ ngày 16.4 đến đầu tháng 6, đoạn sông Vàm chảy qua địa phận các huyện Gò Dầu, Bến Cầu lại có màu đen xuất hiện và cũng gây thiệt hại nặng nề cho nhiều gia đình làm nghề nuôi cá lồng bè trên sông. Ngày 2.6, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức khảo sát tình trạng sông Vàm Cỏ Đông.

Tại hiện trường, trên đoạn sông thuộc địa bàn xã Cẩm Giang (huyện Gò Dầu), nhiều nơi trên mặt nước nổi bọt, nước có màu đục. Nhiều gia đình làm nghề nuôi cá trong lồng bè còn thẩn thờ vì số cá bị chết quá nhiều. Những người dân này di dời số cá còn lại lên ao nuôi hoặc dùng bạt nilon bao quanh bè cá và dùng máy bơm khí oxy xuống bè để cứu đàn cá.

Bà Nguyễn Ngọc Giang, ngụ ấp Cẩm Thắng, xã Cẩm Giang buồn bã tâm sự, từ nhiều năm nay, gia đình bà chuyên kiếm sống bằng nghề nuôi cá thác lác cườm trên bè. Năm nay, đàn cá của gia đình đang lớn mạnh, bỗng nhiên sáng ra thức dậy thấy nước sông đen ngòm, cá trong lồng bè nổi trắng mặt nước và chết gần hết, khiến vợ chồng bà bị thiệt hại nặng.

Hiện tại, còn một ít cá trong lồng, vợ chồng bà dùng bạt nylon bao quanh bè cá và dùng máy bơm oxy xuống sông với hy vọng cá tiếp tục cầm cự được cho đến khi dòng nước trong xanh trở lại.

Cạnh gia đình bà Giang, một hộ dân khác nuôi cá lóc trong bè cũng bị thiệt hại tương tự. Gia đình này khắc phục bằng cách tức tốc xây ao trên bờ và di dời số cá còn lại lên ao nuôi.

Người dân xã Cẩm Giang di dời số cá trong bè còn sống sót lên ao nuôi cầm cự chờ nước sông trong xanh trở lại.

Buổi trưa cùng ngày, đoàn khảo sát đứng trên cầu Bến Đình (từ xã Cẩm Giang qua xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu) nhìn xuống sông Vàm Cỏ Đông mà không dám tin vào mắt mình. Trước mắt là một đoạn sông dài cả chục kilomet bị nhuộm một màu đen sẫm. Nước sông bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Một số người điều khiển phương tiện giao thông trên sông phải đưa tay lên che mũi cho bớt nghe mùi hôi.

Ông Cái Văn Hải, 60 tuổi, ngụ tại bến phà Bến Đình cũ, chia sẻ, gia đình ông và một số gia đình khác ngụ ở khu vực bến phà này đều kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông. Gần hai tháng nay, nước sông ô nhiễm, cá chết hết, gia đình ông thất nghiệp. Mặt khác, mùi hôi thối từ dòng sông bốc lên rất khó chịu. “Nhiều lúc chúng tôi phải bưng cơm đi chỗ khác ăn”, lão ngư dân này nói.

Nguyên nhân và giải pháp cứu dòng sông

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Minh Sơn - Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, sau khi xảy ra tình trạng nước sông Vàm có màu sẫm, Sở đã khảo sát, lấy mẫu nước sông xét nghiệm. Kết quả cho thấy, hàm lượng oxy hòa tan (DO) thấp hơn quy chuẩn 1,7 lần, Sắt (Fe) vượt từ 1,6 lần, Amoni vượt 1,07 - 1,2 lần, nhu cầu oxy hóa học (COD) đạt quy chuẩn. So sánh kết quả nước sông có màu đen năm 2020 với năm 2016 thì mức độ thông số ô nhiễm Sắt, Amoni thấp hơn khoảng 1, 5 lần và hàm lượng DO năm 2020 cao hơn năm 2016 khoảng 8 lần.

Theo Sở TN&MT, nước sông Vàm Cỏ Đông có màu đen là do những nguyên nhân sau: Thứ nhất, dòng sông đang chịu tác động của biến đổi khí hậu. Mùa khô, nhiệt độ có xu hướng tăng liên tục, nhiệt độ nước sông thay đổi nhanh giữa ban đêm và ban ngày, thời tiết nắng nóng, lưu lượng dòng chảy của các sông, suối xuống thấp, lục bình trên sông phát triển dày đặc phủ kín mặt sông làm giảm hàm lượng DO trong nước, tăng hàm lượng nhu cầu oxy hóa hóa học (COD) và nhu cầu oxy sinh học (BOD) để oxy hóa nồng độ các chất ô nhiễm hữu cơ cao (các hợp chất Nitơ, Phốtpho,…), làm gia tăng phân hủy kỵ khí tạo mùi và màu nước sông thay đổi.

Thứ hai, ô nhiễm nền còn rất cao. Các chất ô nhiễm tồn lưu dạng bùn đáy do phải tiếp nhận nguồn thải sản xuất, chế biến từ mấy chục năm qua. Hiện nay, các nguồn thải từ sản xuất, chế biến mì, mía, cao su, khu công nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý, kiểm soát chặt chẽ.

Tuy nhiên, còn các nguồn thải chưa được xử lý như: nước thải sinh hoạt tại các khu đô thị, khu dân cư nhưng nồng độ các thông số ô nhiễm cao theo kênh, rạch đổ về sông Vàm Cỏ Đông như chất xúc tác thúc đẩy quá trình chuyển hóa, phân hủy các chất ô nhiễm tồn lưu trong nước sông gây mùi hôi, màu đen tại đoạn sông uốn khúc, dòng chảy yếu.

Nguồn nước sông ô nhiễm này theo nước thủy triều lớn hoặc ròng di chuyển lên xuống tại một đoạn sông và chưa kể nước thải, chất bẩn từ các cơ sở, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, nhà hàng, quán ăn tại khu đô thị, khu dân cư và các hộ chăn nuôi, giết mổ,… nhỏ lẻ sống ven sông.

Bên cạnh đó, mùa mưa năm 2019 kết thúc sớm, lượng nước giảm so với các năm trước. Nước sông từ thượng nguồn Campuchia năm nay không chảy về nhiều như các năm trước nên lưu lượng dòng chảy của sông thấp. Những tháng cuối năm 2019 và gần giữa năm 2020, lần lượt Kênh Tây, Kênh Đông đóng nước để thi công, cải tạo tuyến kênh, khiến lượng nước đổ ra sông Vàm giảm đáng kể.

Công trình thủy lợi Dầu Tiếng Phước Hòa chưa có hệ thống chuyển nước nhanh về sông Vàm Cỏ Đông khi cần thiết hoặc có vài công trình có thể chuyển nước nhanh nhưng chưa được thông báo rộng rãi tại các vị trí, khu vực tiếp giáp sông để các ngành, các cấp có thể chủ động phối hợp đưa nước thủy lợi về làm sạch nước sông Vàm. 

Nguyên nhân ô nhiễm thứ tư đươc xác định, do theo cấu trúc địa chất vùng đất ven sông Vàm Cỏ Đông có các hàm lượng kim loại sắt, mangan cao nên đã hòa tan vào nước ngầm tầng nông chảy ra sông, suối, kênh, rạch, làm gia tăng hàm lượng sắt, kết hợp quá trình phân hủy và trao đổi chất, rễ và lá lục bình (chứa hàm lượng sắt cao) làm cho nước sông có mùi tanh, màu đen, nổi váng như váng dầu, giống hiện tượng nước màu đen tại khu vực cầu Bến Sỏi cùng thời điểm năm 2016.

Một đoạn sông dài cả chục kilomet bị nhuộm một màu đen sẫm.

Theo kết quả thực hiện năm 2018 của “Dự án Báo cáo điều tra, khảo sát, đánh giá và đề xuất giải pháp quản lý bền vững tài nguyên môi trường sông VCĐ trên địa bản tỉnh Tây Ninh”, cho thấy đặc điểm cấu trúc địa chất sông Vàm Cỏ Đông có lượng bùn đáy gia tăng ở nhiều độ sâu có bề dày chứa bùn từ 3 đến 4 mét. Do ảnh hưởng lượng bùn đáy nhiều sẽ tạo ra hiện tượng yếm khí, làm tăng nồng độ ô nhiễm các thông số Amoni (NH3), Nitrit (N-NO2) trong nước sông, dẫn đến hàm lượng DO trong nước giảm.

Một nguyên nhân khác được Sở TN&MT đề cập là do trong 2 ngày 12-13.4, trên địa bàn tỉnh diễn ra mưa lớn nhiều nơi, cuốn theo nhiều tạp chất, chất bẩn, bùn tích tụ, tồn đọng từ các cống rãnh, cánh đồng chảy vào hệ thống kênh rạch, mương thoát nước đổ ra sông Vàm Cỏ Đông làm gia tăng mức độ ô nhiễm. Đồng thời dưới tác động dòng chảy đổ vào sông, thủy triều sông tạo nên sự khuấy động đến cấu trúc địa chất lòng sông có lượng bùn đáy lớn, yếm khí lâu ngày tạo mùi hôi, nước màu đen. 

Hiện nay, các khu công nghiệp, cơ sở chế biến nông sản (mì, mía, cao su), cơ sở y tế đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt cột A, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước khi xả vào các lưu vực sông. Tuy nhiên một số cơ sở có thời điểm do chưa kịp bảo trì thiết bị, tác động thời tiết nên ảnh hưởng vi sinh vật tại các bể chứa hệ thống xử lý có lúc xả thải không đạt quy chuẩn. Đây cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng nước sông bị ô nhiễm.

Trong năm 2019, do cơ quan chức năng chưa cập nhật kịp thời các diễn biến biến đổi khí hậu, thời tiết, các yếu tố bất lợi để có biện pháp ứng phó kịp thời, dẫn đến việc đẩy đuổi, trục vớt lục bình trên sông không đạt được như mong muốn, hiện tại lục bình vẫn phát triển dày đặc, góp phần gây ô nhiễm nguồn nước.

Người dân điều khiển phương tiện giao thông trên sông phải đưa tay lên che mũi cho bớt nghe mùi hôi thối.

Để bảo vệ nguồn nước, nguồn lợi thủy sản sông Vàm Cỏ Đông, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các giải pháp:

Sở TN&MT tiếp tục chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường nguồn nước sông, suối, ao, hồ, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh trong mùa khô năm 2020; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các nguồn thải công nghiệp; duy trì thực hiện quan trắc chất lượng nước sông hàng năm, theo dõi thường xuyên diễn biến thông số tại các trạm quan trắc nước mặt tự động, liên tục trên địa bàn tỉnh, các vị trí quan trắc chất lượng nước sông có dấu hiệu bị ô nhiễm để kịp thời xử lý; kiên quyết đình chỉ, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; cung cấp kết quả quan trắc môi trường chất lượng nước cho các đơn vị liên quan để biết theo dõi, giám sát. 

Sở Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp xử lý lục bình, nạo vét bùn đáy sông Vàm Cỏ Đông. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo người dân biện pháp, kỹ thuật nuôi cá, cứu cá khi gặp sự cố; lấy mẫu, phân tích cá chết để đánh giá nguyên nhân đối với các trường hợp nghi ngờ do ô nhiễm nguồn nước; khuyến cáo nông dân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trên các cánh đồng đảm bảo năng suất nhưng thân thiện môi trường.

Đoàn khảo sát gặp gỡ ông Cái Văn Hải để tìm hiểu những khó khăn gia đình ông gặp trong thời gian sông Vàm Cỏ Đông bị đổi màu.

Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế đã được đầu tư công trình xử lý nước thải cần tiếp tục theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tình hình xử lý nước thải, đảm bảo nước thải xả ra môi trường đạt quy chuẩn quy định; xem xét cải tạo hệ thống, thu gom toàn bộ nước thải đối với các công trình xuống cấp; yêu cầu, hướng dẫn Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Hòa Thành và huyện Dương Minh Châu sớm hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước thải.

Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh đề cập đến công tác bảo vệ nguồn nước, nhất là thượng nguồn lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn tại các hội nghị tổng kết bản thỏa thuận hợp tác giữa Tây Ninh và một số tỉnh giáp biên giới của Vương quốc Campuchia.

Công an tỉnh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trinh sát, kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm xả nước thải gây ô nhiễm nguồn nước của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguồn thải, xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn nước các sông suối, ao hồ, kênh rạch trên địa bàn; khuyến cáo, vận động người dân cùng giám sát, nhằm phát hiện kịp thời các nguồn gây ô nhiễm môi trường; vận động người dân tháo dỡ cọc chà cắm ven sông để giữ lục bình; rà soát, kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hộ gia đình chăn nuôi, giết mổ, thu mua mủ cao su,… xả nước thải, chất bẩn vào hệ thống sông suối, ao hồ, kênh rạch; đề xuất và phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung của thành phố Tây Ninh và các khu đô thị, khu dân cư tập trung của các huyện, thị xã còn lại.

Đại Dương

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục