BAOTAYNINH.VN trên Google News

Địa phương nào cấp uỷ, chính quyền vào cuộc quyết liệt thì nơi đó không xảy ra lạm thu (*)

Cập nhật ngày: 27/11/2011 - 11:58

Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIII (vừa bế mạc hôm 26.11.2011), ĐBQH Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận 4 nội dung về: bất cập trong giáo dục mầm non; tình trạng dạy thêm, lạm thu trong trường học; chất lượng, hiệu quả giảng dạy các môn khoa học xã hội và việc thành lập, nâng cấp ồ ạt các trường đại học. Dưới đây, Báo Tây Ninh lược ghi câu hỏi và câu trả lời chất vấn được cư tri quan tâm nhất.

ĐBQH Nguyễn Thành Tâm

ĐBQH Nguyễn Thành Tâm: “…Tình trạng dạy thêm, lạm thu trong trường học đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết thấu đáo, gây bức xúc trong dư luận. Đề nghị Bộ trưởng cho biết với trách nhiệm quản lý ngành, Bộ đã làm gì để giải quyết tình trạng trên, những giải pháp để khắc phục trong thời gian tới?”.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: “… Để quản lý dạy thêm, học thêm, ngày 31.7.2007, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT, trong đó quy định UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện chịu trách nhiệm quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Đến nay hầu hết các Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND cấp tỉnh ban hành quy định về tổ chức dạy thêm, học thêm trên địa bàn, đồng thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên trên thực tế tại một số tỉnh, thành phố tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan vẫn chưa được khắc phục có hiệu quả. Thực trạng này có nguyên nhân do: việc quản lý dạy thêm, học thêm của các cơ sở giáo dục ở một số địa phương còn lỏng lẻo, chưa nghiêm; một số giáo viên còn tư tưởng vụ lợi trong việc dạy thêm, học thêm; công tác kiểm tra giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo (Bộ GD&ĐT, UBND và Sở GD&ĐT các tỉnh, thành) đối với việc thực hiện Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT về dạy thêm, học thêm chưa thường xuyên, hiệu quả; các vi phạm về dạy thêm, học thêm tràn lan chưa được xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Để hạn chế, đi đến chấm dứt việc dạy thêm, học thêm tràn lan và thực hiện nghiêm Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT, Bộ GD&ĐT đã và đang tiến hành các giải pháp sau: -Tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và phụ huynh học sinh về các chủ trương của ngành, của địa phương về quản lý dạy thêm, học thêm; -Chủ động bàn bạc trao đổi với UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cấp quản lý, các ngành chức năng đề cao vai trò, trách nhiệm quản lý của hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm; mở rộng công tác tham gia giám sát của các đoàn thể ở địa phương và trong nhà trường, của Hội Cha mẹ học sinh đối với việc dạy thêm, học thêm, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm khắc, kịp thời các sai phạm trong việc thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm; -Tiếp tục chỉ đạo dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường phổ thông với mục đích thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu của gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh; -Chỉ đạo thực hiện hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông theo hướng tinh giảm, dành thời lượng để củng cố, hệ thống hoá kiến thức đã học cho học sinh, phụ đạo tại lớp đối với học sinh có học lực yếu kém; -Tiếp tục chỉ đạo thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, cải tiến các công tác thi theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, giảm áp lực về kiểm tra, thi cử cho học sinh; -Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chế độ chính sách cải thiện đời sống của giáo viên; -Về lâu dài, xây dựng lộ trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, thi cử theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

Về vấn đề “lạm thu”, theo phân cấp quản lý, UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Chính phủ về phát triển giáo dục, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục trên địa bàn tỉnh, trong đó có nhiệm vụ quản lý, kiểm tra việc sử dụng ngân sách Nhà nước và quản lý ngân sách hiện hành; có nhiệm vụ quản lý việc thu chi học phí, lệ phí và các khoản thu hợp pháp khác của các cơ sở giáo dục và huy động các nguồn lực để phát triển giáo dục địa phương.

Với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục, Bộ GD&ĐT đã ban hành, phối hợp với các bộ, ngành ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chủ động phối hợp với các địa phương trong việc quản lý, hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng ngân sách Nhà nước và các khoản thu hợp pháp khác đối với các cơ sở giáo dục; thực hiện xã hội hoá giáo dục; đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trực thuộc theo quy định của pháp luật…

Thực tế cho thấy, ở địa phương nào có sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền thì nơi đó không có tình trạng lạm thu, hoặc nếu đã xảy ra lạm thu thì cũng nhanh chóng được khắc phục…

Để tiếp tục chấn chỉnh và chấm dứt tình trạng thu trái quy định của Nhà nước trong các cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện các giải pháp: -Chỉ đạo các cấp quản lý giáo dục tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý kịp thời nghiêm khắc các sai phạm, trong đó xử lý kỷ luật nghiêm khắc với giáo viên và hiệu trưởng ở các cơ sở giáo dục còn để xảy ra tình trạng lạm thu và các sai phạm khác…; -Tăng cường chỉ đạo kiểm tra thực hiện quy chế công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân; -Đề nghị UBND các cấp quan tâm bố trí đủ kinh phí chi thường xuyên…; -Dự thảo thông tư ban hành Điều lệ Ban đại diện Cha mẹ học sinh (thay thế Điều lệ ban hành theo Quyết định số 11/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28.3.2008), trong đó sẽ quy định cụ thể và rõ hơn trách nhiệm, quyền hạn của Ban đại diện Cha mẹ học sinh và các khoản thu mà Ban đại diện Cha mẹ học sinh không được vận động quyên góp của phụ huynh học sinh… dự kiến sẽ ban hành thông tư này trong tháng 12.2011”.

NGUYỄN DUY

(Lược ghi)

(*) Tựa đề do Toà soạn đặt