Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Dịch cúm gia tăng tấn công trường học
Thứ tư: 01:56 ngày 16/09/2009

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tại một số địa phương có nhiều ca mắc cúm A/H1N1, ngành chức năng đang khẩn trương xây dựng phương án thành lập bệnh viện dã chiến nhằm kịp thời khoanh vùng, dập dịch trên địa bàn.

Đúng như dự đoán của Bộ Y tế, khi học sinh – sinh viên bắt đầu tập trung học trở lại, số ca nhiễm cúm A/H1N1 mới sẽ liên tục gia tăng, chủ yếu là ở các trường học. Ngày 15.9, cả nước đã ghi nhận thêm 262 trường hợp dương tính. Trong đó, khu vực phía Nam 180 ca, khu vực miền Bắc 50 ca, khu vực miền Trung 20 ca và khu vực Tây Nguyên 12 ca.

Tại Bến Tre, số ca mắc bệnh lên 98 trường hợp và 164 ca đang chờ kết quả xét nghiệm. Ban chỉ đạo phòng chống cúm A/H1N1 tỉnh Bến Tre cho phép học sinh có biểu hiện nghi vấn như: sốt, ho, đau họng… được nghỉ học 5 ngày. Trước đó, do một số học sinh mắc cúm A/H1N1 nhưng vẫn đi học vì sợ không theo kịp chương trình, muộn thi học kỳ… làm cho số ca cúm A/H1N1 tăng nhanh trong trường học. Hiện, Bến Tre đã ghi nhận 23 trường có học sinh mắc cúm A/H1N1.

Tại Đồng Nai, Sở Y tế tỉnh này vừa công bố kết quả xét nghiệm 20 sinh viên của Trường CĐSP dương tính với cúm A/H1N1, đưa số sinh viên bị nhiễm cúm tại trường trong 4 ngày qua lên 49 ca và nâng tổng số bệnh nhân cúm tại Đồng Nam lên 187 trường hợp, trong đó có 1 ca tử vong. Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H1N1, Đồng Nai đang khẩn trương xúc tiến thành lập các bệnh viện dã chiến để đối phó với dịch bệnh.

Học sinh Trường TH An Cơ (Châu Thành) nghi nhiễm cúm chờ khám sàng lọc.

Tại Bình Dương, số ca nhiễm cúm A/H1N1 trong trường học trong ngày 15.9 tăng đột biến với 58 ca. Đây là số ca nhiễm cúm A/H1N1 trong ngày tăng cao nhất từ trước đến nay. Hiện Bình Dương có 22 trường từ bậc tiểu học đến đại học có lây nhiễm cúm A/H1N1, số ca nhiễm cúm là 194

Trước thực trạng này, hiện nay, các trường học trong cả nước đang khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách nhằm phòng, chống dịch cúm A/H1N1 trong nhà trường và trên địa bàn. Tại một số địa phương có nhiều ca mắc cúm A/H1N1 trong ngày, ngành chức năng đang khẩn trương xây dựng phương án thành lập bệnh viện dã chiến nhằm kịp thời khoanh vùng, dập dịch trên địa bàn.

Tính đến 17 giờ ngày 15.9, Việt Nam đã ghi nhận 5.164 trường hợp dương tính, 6 ca tử vong. Số bệnh nhân đã khỏi ra viện là 4.501, các trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng trong tình trạng sức khoẻ ổn định.

Trước tình hình dịch cúm tấn công trường học, Bộ Y tế khuyến cáo học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ, nhân viên công tác tại các trường học chủ động theo dõi sức khoẻ hàng ngày để phát hiện triệu chứng cúm. Nếu có biểu hiện bệnh (sốt, ho, đau họng…) thì không đến trường, đồng thời gia đình thông báo cho ban giám hiệu, y tế địa phương để được tư vấn; nếu phát hiện triệu chứng cúm khi đang ở trường thì chủ động cách ly vào phòng riêng, thông báo cho Ban giám hiệu, cơ quan y tế tại trường học để xử lý kịp thời, tránh lây lan.

Các biện pháp xử lý khi con em nhiễm cúm A/H1N1:

- Cách ly: Hãy để trẻ ốm ở trong phòng riêng. Mọi sinh hoạt đều ở đó. Những người có nguy cơ cao nhiễm cúm A/H1N1 (như trẻ dưới 5 tuổi, thai phụ và những người có bệnh mãn tính như bệnh hen, bệnh tim) cần ở khoảng cách ít nhất là 2m, nhằm hạn chế tối đa cơ hội lây nhiễm từ những giọt dịch bắn ra trong quá trình ho hay hắt hơi của người bệnh.

- Không tiếp xúc: Tránh cầm hay bắt tay với người ốm. Thực tế, là nên tránh bắt tay trong mùa cảm cúm, cảm lạnh. Nếu tiếp xúc, cần rửa tay ngay lập tức sau đó.

- Vệ sinh vật dụng: Sách và đồ chơi của trẻ cần được rửa sạch. Lau tay cầm cửa, tủ lạnh và chậu rửa với nước vệ sinh chuyên dụng.

- Không dùng chung đồ dùng: Vi khuẩn rất khó nhìn thấy vì vậy tránh uống chung cốc, dùng chung bát đĩa, khăn mặt…

- Che tay khi ho: Dạy trẻ cách ho và hắt hơi vào một tờ giấy (và rồi bỏ nó vào sọt rác ngay, rửa tay sau đó) hoặc dùng cánh tay để che miệng mũi mỗi khi ho, hắt hơi. Người chăm sóc nên mang khẩu trang vừa vặn để cảm thấy thoải mái dù phải đeo thường xuyên.

- Ôm ấp có chừng mực: Trẻ ốm thường làm nũng, bạn có thể ôm bé nhưng tránh mặt đối mặt. Tránh không hôn lên miệng.

- Nhà cửa thông thoáng: Mở cửa sổ và bật quạt ở các khu vực như bếp, phòng sinh hoạt chung và phòng tắm.

- Chờ đợi: Xu hướng nhiễm virus H1N1 thường là trong khoảng 7 ngày kể từ khi tiếp xúc với người ốm. Người bệnh cũng dễ lây nhất trong những ngày đầu phát bệnh, mặc dù trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể tiếp tục truyền virus lâu hơn 1 tuần. Nếu một tuần trôi qua, kể từ ngày con bạn mắc bệnh mà bạn không có biểu hiện nào thì có thể khẳng định rằng bạn đã không bị lây bệnh.

Đ.H.T

(tổng hợp)

Từ khóa:
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục