Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
9 tháng năm 2022, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 28,61% (kế hoạch năm là 80%); tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) xử lý trực tuyến đạt 22% (kế hoạch năm là 50%); tỷ lệ trả kết quả điện tử trong giải quyết TTHC đạt 9,5%. Kết quả trên cho thấy dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đạt mức thấp so với kế hoạch năm.
Công chức UBND xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ thủ tục hành chính
Hoạt động giao dịch hành chính hằng ngày tại bộ phận Một cửa cả ba cấp trên địa bàn tỉnh nhìn chung khá nhộn nhịp, đặc biệt là khu vực tiếp nhận hồ sơ thuộc lĩnh vực đất đai. Anh Bùi Văn Định, ngụ thành phố Tây Ninh cho biết: “Hồ sơ đất đai phức tạp, có nhiều loại giấy tờ cần công chứng, đối chiếu và điền thông tin vào các tờ khai. Do vậy, tôi mang hồ sơ đến nộp tại bộ phận Một cửa, nếu lỡ có sai sót hay cần bổ sung gì sẽ được cán bộ phụ trách hướng dẫn luôn. Mặc dù mất thời gian đi lại, chờ đợi nhưng cứ đi đến đây cho yên tâm”.
Đây cũng là tâm lý chung của nhiều người dân hiện nay khi có nhu cầu nộp hồ sơ TTHC- nhất là những thủ tục phức tạp. Bên cạnh đó, một số người dân chưa quen sử dụng hoặc không có máy tính, điện thoại thông minh; TTHC trực tuyến nhìn chung vẫn chưa được đơn giản hoá cũng là những rào cản khiến nhiều người dân chưa muốn nộp hồ sơ TTHC trên môi trường mạng.
Hiện nay, 100% TTHC của tỉnh được thực hiện thông qua hệ thống Một cửa điện tử. Cuối năm 2021, tỉnh đã tích hợp 1.000/1.818 TTHC dịch vụ công mức độ 4 lên cổng dịch vụ công quốc gia. Sau khi rà soát một số DVC không đáp ứng yêu cầu mức độ 4 theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, tháng 7.2022, Tây Ninh còn 961/1.818 dịch vụ công trực tuyến. Để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực hành chính công, một số sở, ngành, địa phương của tỉnh, điển hình là thành phố Tây Ninh, thị xã Trảng Bàng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC trực tuyến khá cao.
Các địa phương này đã thành lập và vận hành hiệu quả các Tổ công nghệ số cộng đồng, hướng dẫn tận tình, giúp người dân đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia, nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Riêng thành phố Tây Ninh, từ ngày 1.11.2022, bộ phận Một cửa hai cấp của Thành phố sẽ không tiếp nhận trực tiếp đối với những TTHC trực tuyến, hướng tới không dùng tiền mặt, không nhận hồ sơ giấy, không cần đến cơ quan hành chính. Để tiến tới tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, Thành phố yêu cầu các phường, xã có lộ trình, rà soát những thủ tục chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến; các Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn trực tiếp tại bộ phận Một cửa và qua các nhóm Zalo của tổ.
Đây là quyết tâm rất cao của Thành phố trong lộ trình chuyển đổi số lĩnh vực hành chính công nhằm phục vụ người dân, tổ chức ngày càng tốt hơn. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến của Thành phố- nhất là bộ phận Một cửa phường, xã đạt cao, trên 80%.
Còn tại thị xã Trảng Bàng, 9 tháng năm 2022, bộ phận Một cửa Thị xã tiếp nhận trực tuyến 1.845 hồ sơ, đạt tỷ lệ 53,06%; bộ phận Một cửa các xã, phường tiếp nhận trực tuyến 7.186 hồ sơ, đạt tỷ lệ 91,46% tổng số hồ sơ tiếp nhận. UBND Thị xã tiếp tục duy trì hiệu quả việc thực hiện thí điểm giao bộ phận Một cửa cấp xã, phường tiếp nhận một số TTHC lĩnh vực đăng ký kinh doanh thuộc thẩm quyền Thị xã và trả kết quả qua dịch vụ công ích.
Bên cạnh một số điểm sáng như các địa phương nêu trên, việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC trực tuyến trên địa bàn tỉnh vẫn đạt thấp so với kế hoạch năm. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, 9 tháng năm 2022, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 28,61% (kế hoạch năm là 80%); tỷ lệ hồ sơ TTHC xử lý trực tuyến đạt 22% (kế hoạch năm là 50%); tỷ lệ trả kết quả điện tử trong giải quyết TTHC đạt 9,5%. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh tháng 9.2022, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị, chỉ đạo nhiều giải pháp để thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến.
Cụ thể như giảm thời gian nhận hồ sơ trực tiếp, tăng thời gian nhận hồ sơ trực tuyến trong tuần để người dân, tổ chức quen dần với việc thực hiện TTHC trên không gian mạng; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến bằng nhiều hình thức, trong đó cần phải có nhiều video clip ngắn giới thiệu trình tự, thao tác nộp hồ sơ TTHC, thanh toán trực tuyến.
Việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá TTHC dịch vụ công trực tuyến, kết nối, liên thông dữ liệu vào hệ thống IOC của tỉnh cũng là những đầu việc cần được các sở, ngành, địa phương chủ động thực hiện. Cần sớm xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến (giảm lệ phí, thời gian xử lý). Thí điểm chỉ cung cấp trực tuyến một số TTHC đủ điều kiện và dễ dàng cho người dân sử dụng. Mục tiêu đến cuối năm, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 50%.
Bên cạnh đó, cần phát huy tốt vai trò của các Tổ công nghệ số cộng đồng. Tính đến nay, Tây Ninh thành lập được 493 Tổ công nghệ số cộng đồng, trong đó có 481 tổ cấp ấp/khu phố và 12 tổ cấp xã/phường/thị trấn. Trên cơ sở nền tảng kiến thức được Sở Thông tin và Truyền thông tập huấn, đào tạo, những Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ là kênh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, trước hết là cài đặt tài khoản dịch vụ công quốc gia, thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến… Qua đó, giúp người dân hiểu được tiện ích và tham gia nộp hồ sơ trực tuyến ngày càng nhiều hơn.
Hải Đăng