Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Điểm gặp của tình thương
Thứ sáu: 03:49 ngày 15/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tất cả các em học sinh được nhận làm “em nuôi của Đoàn” đều có hoàn cảnh gia đình thuộc diện nghèo khó, mồ côi phải sống nương tựa bà con họ hàng nhưng các em đều có tinh thần nỗ lực vươn lên. Phần lớn khoản tiền trợ giúp các em đều do đoàn viên các chi đoàn đóng góp ủng hộ.

Chi đoàn Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tặng quà cho “em nuôi” Phạm Thanh Tâm.

Thời gian qua, nhiều chi đoàn thanh niên trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã triển khai thực hiện việc nuôi dưỡng, đỡ đầu các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Việc đó được thể hiện qua những phần quà, những suất học bổng hằng tháng giúp các em có điều kiện tiếp tục theo đuổi con đường học tập. Với nội dung hoạt động trên, mô hình “Em nuôi của Đoàn” đã mang đến những hiệu quả thiết thực, có sức lan toả trong cộng đồng.

Tất cả các em học sinh được nhận làm “em nuôi của Đoàn” đều có hoàn cảnh gia đình thuộc diện nghèo khó, mồ côi phải sống nương tựa bà con họ hàng nhưng các em đều có tinh thần nỗ lực vươn lên. Phần lớn khoản tiền trợ giúp các em đều do đoàn viên các chi đoàn đóng góp ủng hộ. Tuỳ theo điều kiện, mỗi chi đoàn có thể nhận đỡ đầu và chăm lo cho các em bằng các hoạt động cụ thể như: trao học bổng, tặng sách, đồ dùng học tập, quần áo...

Gần 3 năm nay, em Cao Thị Kim Yến- học sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP. Tây Ninh) được sự giúp đỡ của các anh chị đoàn viên Chi đoàn cơ quan Tỉnh đoàn. Mỗi quý, chi đoàn đến thăm và trao tặng em Yến một phần học bổng trị giá 300.000 đồng. Các dịp khai giảng, tổng kết năm học hay các dịp lễ tết, các anh chị đoàn viên cũng đều đến thăm và tặng quà cho Yến.

Tình cảm và sự giúp đỡ của các anh chị chính là động lực để cô học trò nghèo tiếp tục nỗ lực phấn đấu vươn lên. Yến chia sẻ, gia đình em thuộc diện hộ nghèo tại địa phương. Ba Yến bỏ đi khi em còn nhỏ, mẹ em vừa nuôi dạy con vừa chăm lo cho mẹ già. Thu nhập từ việc đan nón không đem lại sự dư dả, đã vậy, mẹ Yến còn bị căn bệnh thấp khớp hành hạ khiến sức lao động bị suy giảm nhiều.

Vì vậy, để lo học phí cho con gái, mẹ Yến không ít lần phải chạy vạy vay mượn khắp nơi. Thương cô bé học trò có hoàn cảnh khó khăn mà vẫn ham học, Chi đoàn cơ quan Tỉnh đoàn đã nhận đỡ đầu với hy vọng có thể tiếp thêm sức mạnh để con đường đến trường của em giảm bớt nhọc nhằn. Yến tâm sự: “Em rất xúc động khi được các anh, chị nhận đỡ đầu. Em thấy mình càng phải cố gắng học nhiều nữa. Em mong sau này có điều kiện chăm lo cho mẹ, vì mẹ em vất vả đã nhiều rồi”.

Cô học trò nghèo dự định sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ thi vào ngành giáo dục mầm non của Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh. Học ở đây cho gần nhà, giúp tiết kiệm chi phí học tập và hơn hết là em tiện chăm sóc mẹ của mình.

Hoàn cảnh Phạm Thanh Tâm, học sinh lớp 4A, Trường tiểu học Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu) cũng gặp nhiều khó khăn từ khi mẹ em bỏ đi- lúc em còn nhỏ. Ba của Tâm cũng sớm qua đời, thế là em phải sống nương tựa vào ông nội đã hơn 80 tuổi. Hai ông cháu sống tạm bợ trong một túp lều dựng trên mảnh đất của người quen.

Những ngày không đi học, cậu học trò nghèo lại theo ông nội, lặn lội đi bán từng tờ vé số để kiếm tiền đắp đổi qua ngày. Đứng trước nguy cơ thất học của Tâm, Chi đoàn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đứng ra đỡ đầu, nhận em làm “em nuôi của Đoàn”. Mỗi tháng, Tâm được các anh chị trong chi đoàn trợ cấp một suất học bổng trị giá 200.000 đồng.

Các anh chị còn trao tặng cho đứa em nuôi một chiếc xe đạp và một số dụng cụ học tập. Những món quà nhỏ thôi nhưng đầy ắp tình người khiến cậu học trò nhỏ không khỏi xúc động. Sức khoẻ của ông nội Tâm hiện rất yếu, không biết còn có thể gắng gượng nuôi cháu đến khi nào. Hiện tại, chi đoàn đang trợ giúp thủ tục để đưa cả hai ông cháu vào Trung tâm Bảo trợ xã hội, giúp ông được chăm lo tốt hơn và cháu không phải bỏ dở việc học hành.

Không chỉ trợ giúp tiền, quà, các chi đoàn còn thay phiên nhau đến nhà các em nuôi đỡ đầu để động viên, đồng thời tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, cũng như nắm bắt tình cảnh khó khăn để có thể kịp thời giúp đỡ các em. Mô hình “Em nuôi của Đoàn” ít nhiều đã giúp cho con đường đến trường của các em học sinh kém may mắn bớt gập ghềnh, trắc trở, tiếp thêm nghị lực để các em có thể vươn lên trong cuộc sống.

Hoà Khang

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục