BAOTAYNINH.VN trên Google News

Điểm hẹn những người làm báo trong nước và quốc tế

Cập nhật ngày: 21/04/2010 - 05:45

Ngày 21.4, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập (21.4.1950 - 21.4.2010), Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức khánh thành “Nhà trưng bày di tích lịch sử địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam” tại xóm Ròong Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên.

Các đồng chí Nguyễn Bắc Son, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đinh Thế Huynh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, đại diện lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, các nhà báo lão thành Hồng Hà, Hữu Thọ và nhiều nhà báo từ mọi miền Tổ quốc đã về dự.

Các nhà báo tham quan hiện vật tại Nhà trưng bày.

Phát biểu tại Lễ khánh thành Nhà trưng bày, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Đinh Thế Huynh nhấn mạnh, trong những ngày tháng 4 lịch sử này, những người làm báo xin bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với đồng bào các dân tộc xóm Ròong Khoa, đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên đã hết lòng đùm bọc, chở che, nuôi dưỡng Hội Nhà báo Việt Nam từ thuở còn trứng nước.

Ngôi nhà này sẽ là điểm hẹn của các nhà báo trong nước và quốc tế, của đồng bào cả nước mỗi khi về tham Khu di tích lịch sử ATK Định Hoá để tìm hiểu rõ hơn về lịch sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Đinh Thế Huynh cho biết, nội dung trưng bày tại đây mới chỉ là bước đầu và cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện. Điều đó đỏi hỏi sự chung tay, góp sức của các cấp Hội Nhà báo cũng như các nhà báo – hội viên trong cả nước, của các tổ chức, đơn vị và các cá nhân trong thời gian tới.

Nhà trưng bày được xây dựng khang trang trong một khuôn viên xanh gồm 2 tầng, diện tích 100 m2, tổng vốn đầu tư gần 1,2 tỷ đồng do Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam tài trợ.

Tháng 8.2004, Bộ Văn hoá–Thông tin (nay là Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch) đã ra Quyết định công nhận di tích lịch sử nơi thành lập Hội những người viết báo Việt Nam là Di tích Lịch sử cấp quốc gia.

Những dấu mốc đáng nhớ 

Trong sự nghiệp xây dựng và  bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, các nhà báo đã có mặt trên tất cả các trận tuyến. Nhiều nhà báo đã anh dũng hy sinh. Cho đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã xác định được hơn 400 liệt sĩ có tên tuổi, địa chỉ cụ thể để tặng Huy chương và Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt  Nam”.

Tháng 5.1950, tại Sơn Dương (Tuyên Quang) Hội nghị thành lập Hội những người viết báo Việt Nam (sau Đại hội lần I tại Thái Nguyên) đã thống nhất thông qua Điều lệ Hội. Ngày 2.6.1950, Hội được Chính phủ ra quyết định công nhận. Cuối năm 1950, Hội đã có 300 hội viên và có chi nhánh ở các Liên khu III, IV, V và Nam Bộ.

Đại hội II Hội những người viết báo Việt Nam tổ chức trong 2 ngày 16 - 17.4.1959 và đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam.

Đại hội III  tổ chức từ ngày 7 - 8.9.1962; Đại hội IV tổ chức từ ngày 8 – 10.12.1983 tại Hà Nội.

Từ ngày 16- 18.10.1989, tại Hà  Nội, Đại hội V Hội Nhà báo Việt Nam được tổ chức với 250 đại biểu đại diện cho 6.200 hội viên trong cả nước. Đại hội đã đánh giá về sự nghiệp đổi mới báo chí từ sau Đại hội lần thứ VI của Đảng.

Đại hội VI Hội Nhà báo Việt Nam họp từ ngày 8 – 9/3/1995 tại Hà Nội. Điểm nhấn đáng chú ý nhất tại Đại hội này là thông qua bản “Quy ước về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của báo chí Việt Nam”.

Đại hội VII từ ngày 24 – 25.3.2000 tại Hà Nội đã thông qua Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam (sửa đổi)

Đại hội VIII diễn ra từ ngày 11 – 13.8.2005 tại Hà Nội với tinh thần “Báo chí cách mạng Việt Nam trung thành, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước".

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong năm 2010 là tổ chức Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ IX (dự kiến vào tháng 8 tới).

(Theo chinhphu.vn)