BAOTAYNINH.VN trên Google News

Điện Biên Phủ ngày nay 

Cập nhật ngày: 11/08/2018 - 17:30

BTN - Ðến tham quan Ðồi A1, chúng tôi càng thấy được quy mô của chiến trường khốc liệt này. Do vị trí đặc biệt quan trọng, quân Pháp đã xây dựng A1 trở thành ổ đề kháng mạnh nhất Ðiện Biên Phủ với hệ thống hầm ngầm bí mật vô cùng kiên cố, bố trí hoả lực mạnh với các ổ súng máy, lỗ châu mai.

Đoàn Báo Tây Ninh chụp ảnh lưu niệm trước tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trong quá trình đi tìm hiểu thực tế về Ðiện Biên Phủ ngày nay, một đồng nghiệp Báo Ðiện Biên hướng dẫn chúng tôi đi tham quan chiếc cầu lịch sử Mường Thanh. 

Trong đêm tối, chiếc cầu này trở nên mờ ảo bởi ánh đèn xanh đỏ hắt lên từ hai bên bờ sông Nậm Rốm. Mặc dù đã 64 năm trôi qua kể từ chiến thắng Ðiện Biên Phủ, nhưng đến nay, cầu Mường Thanh vẫn được giữ đúng nguyên mẫu. Thân cầu dài 40 mét, rộng 5 mét, thành cầu làm bằng những thành sắt to bè, cũ kỹ, không có trục giữa, có tải trọng từ 8-15 tấn. Mặt cầu lát ván gỗ, một vài nơi ván cũ, bong tróc.

Mỗi lần có xe hai bánh chạy qua, những tấm ván này kêu rầm rầm và rung lên bần bật. Ngồi bên đầu cầu, anh bạn đồng nghiệp kể, anh là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này nên thuộc nằm lòng những sự kiện ở đây. Chỉ tay về phía trước, anh mô tả, địa hình Ðiện Biên Phủ là một lòng chảo rộng, xung quanh núi cao bao bọc, có dòng sông Nậm Rốm chảy qua. Vì vậy, ngày trước, khi xây dựng căn cứ quân sự ở đây, quân Pháp đã xây dựng cầu Mường Thanh để tạo lối vào khu trung tâm quân sự.

Ðể bảo vệ cây cầu huyết mạch này, bên đầu cầu phía Ðông, quân Pháp bố trí các cứ điểm 507, 508 và 509, bên đầu cầu phía Tây Pháp bố trí một ổ đại liên 4 nòng, để đề phòng quân ta vượt qua cầu tấn công sở chỉ huy trung tâm. Hiện nay, ổ đại liên 4 nòng này vẫn còn lưu giữ tại chỗ. Khi chiến sự chưa xảy ra, cầu Mường Thanh là đường vận chuyển nguyên vật liệu, đạn dược, dây thép gai phục vụ cho việc xây dựng các cứ điểm phòng ngự ở phía Ðông và phân khu phía Bắc. 64 năm trước, trên chiếc cầu này đã diễn ra những trận đánh ác liệt.

Trong đợt tổng công kích tấn công tiêu diệt toàn bộ các cao điểm phía Ðông, ngày 7.5.1954, quân ta mở cuộc tấn công cứ điểm ở đầu cầu Mường Thanh. 17 giờ 15 phút, quân ta tiến vào khu trung tâm. Các chiến sĩ không quản hy sinh, đã dũng cảm ngoan cường chiến đấu dập tắt hoả lực của ổ đại liên 4 nòng, nhanh chóng vượt qua cầu Mường Thanh tiến thẳng vào sở chỉ huy địch, bắt sống tướng De Castries cùng toàn bộ Ban tham mưu của tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ.

Ðúng 17 giờ 30 phút ngày 7.5.1954, lá cờ Quyết chiến - Quyết thắng của quân ta đã phấp phới tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, kết thúc thắng lợi chiến dịch lịch sử Ðiện Biên Phủ.

Đoàn Báo Tây Ninh chụp ảnh lưu niệm trước bức tượng cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Ðến tham quan Ðồi A1, chúng tôi càng thấy được quy mô của chiến trường khốc liệt này. Do vị trí đặc biệt quan trọng, quân Pháp đã xây dựng A1 trở thành ổ đề kháng mạnh nhất Ðiện Biên Phủ với hệ thống hầm ngầm bí mật vô cùng kiên cố, bố trí hoả lực mạnh với các ổ súng máy, lỗ châu mai. Ðồng thời, Pháp liên tục tăng viện những lực lượng mạnh nhất và hỗ trợ tối đa hoả lực để bảo vệ cứ điểm này đến cùng.

Do vậy, trong đợt tiến công lần 1, Trung đoàn 174 Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát động 4 đợt tiến công liên tục mà cũng chỉ chiếm được 1 nửa đồi. Phải tới ngày 6.5, nhờ khối bộc phá 1 tấn được đưa vào qua đường hầm bí mật phá sập hệ thống hầm ngầm, quân ta mới chiếm được quả đồi này. Ðây là trận chiến đấu gay go quyết liệt nhất trong toàn chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay, ở Ðồi A1 vẫn còn giữ nguyên những di tích như xe tăng, hào tiếp viện, hệ thống giao thông hào, hầm chỉ huy của Pháp v.v… Trong hầm, có hai bức tượng mô tả hoạt động của quân Pháp. Trên quả đồi này cũng có bia tưởng niệm tóm tắt quá trình đánh chiếm Ðồi A1. Trên sườn đồi xây dựng chữ A1 với kích thước to, màu đỏ nằm nổi bật trên nền cỏ xanh.

Những ngày hè, cây phượng vĩ dưới chân đồi nở hoa đỏ rực, làm tôn thêm vẻ đẹp cho khu di tích. Một tốp học sinh trường THPT ở địa phương tình nguyện đến đây quét dọn lá cây, giữ gìn vệ sinh cho quả đồi lịch sử.  

Từ đồi A1, chúng tôi lên xe ô tô đi một đoạn ngắn vài trăm mét đến căn hầm của tướng De Castries. Hầm chỉ huy của tướng De Castries nằm ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ, thuộc cánh đồng Mường Thanh, huyện Ðiện Biên. Cũng như một số di tích khác, đến nay, căn hầm nổi tiếng này vẫn còn được giữ nguyên mẫu. Căn hầm dài 20m, rộng 8m.

Bên ngoài còn nguyên những tấm sắt cong cong và những bao xi măng đã chết thành khối cứng như đá. Chỉ có khác một chút là những năm gần đây, bên trên căn hầm được lắp đặt mái che để bảo vệ di tích này. Bên trong lòng hầm cao khoảng 2,5m với bốn gian dùng cho cả nơi ở và làm việc của tướng De Castries.

Trong đó còn bố trí bộ bàn ghế bằng sắt thời chiến tranh và những chiếc bóng đèn điện đốt bằng dây tóc, toả ánh sáng vàng. Theo tư liệu lịch sử, vào lúc 17 giờ 30 phút, ngày 7.5.1954, chỉ huy trưởng Ðại đội 360, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 Tạ Quốc Luật đã bắt sống tướng De Castries tại bàn làm việc.

Khu di tích lịch sử này còn được xây dựng tượng đài chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Ðây là tượng đài bằng đồng lớn nhất Việt Nam hiện nay, gồm 3 bộ đội đứng quay lưng vào nhau, nâng một em bé dân tộc Thái, trên cùng là lá cờ quyết chiến quyết thắng. Tượng có chiều cao 16,6m, trọng lượng 220 tấn, do nhà điêu khắc Nguyễn Hải- người từng được trao giải thưởng Hồ Chí Minh thiết kế.

Tượng đài được đặt trên đồi D1 nằm ở vị trí trung tâm thành phố Ðiện Biên Phủ, cao khoảng 50m so với cánh đồng Mường Thanh. Công trình được khánh thành vào ngày 30.4.2004- dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ.

Bên cạnh việc tham quan những căn cứ quân sự của thực dân Pháp ở Ðiện Biên Phủ, chúng tôi còn được tìm hiểu thực tế Sở Chỉ huy chiến dịch Ðiện Biên Phủ của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. Sở Chỉ huy này nằm trong một khu rừng nguyên sinh tại địa phận xã Mường Phăng, huyện Ðiện Biên, cách thành phố Ðiện Biên Phủ 35km về phía Ðông. Sở chỉ huy có đài quan sát trên đỉnh núi cao hơn 1 ngàn mét.

Từ đài quan sát này có thể bao quát hoạt động và diễn biến ở thung lũng Mường Thanh. Ðây là nơi làm việc của các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái… Hiện nay, ở Sở chỉ huy còn giữ nguyên những công trình như nhà tác chiến- nơi giao ban hằng ngày của Bộ Chỉ huy chiến dịch Ðiện Biên Phủ, bếp Hoàng Cầm, lán ở và làm việc của Thiếu tướng Hoàng Văn Thái- Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm Tham mưu trưởng chiến dịch Ðiện Biên Phủ, đường hầm xuyên núi và lán làm việc của Ðại tướng- Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Ðường hầm này xuyên núi, dài 96m, nối liền lán của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp với lán của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái; lán ở và làm việc của đồng chí Lê Liêm- Phó Chủ nhiệm, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam- Chủ nhiệm chính trị chiến dịch Ðiện Biên Phủ; lán của Phó đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc Mai Gia Sinh; lán của Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc Vi Quốc Thanh; lán ngủ của điện báo viên; hầm tổng đài điện thoại v.v…

Hiện tại, các lán này được phục chế nguyên mẫu, mái tranh, vách tranh, nứa, bàn ghế làm việc bằng xi măng giả gỗ hoặc bằng tre nứa. Vào dịp hè vừa qua, có khá đông du khách từ khắp nơi đến đây tham quan, về nguồn.

Chúng tôi không quên ghé tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ. Nơi đây đang trưng bày, lưu trữ nhiều tư liệu, hiện vật rất quý về chiến thắng lịch sử này. Ấn tượng đầu tiên là công trình được thiết kế theo hình chiếc mũ nan, có mắc lưới xung quanh để gài cành lá nguỵ trang- giống như những chiếc mũ của chiến sĩ Ðiện Biên năm xưa sử dụng.

Bảo tàng rộng hơn 7 ngàn mét vuông, gồm một tầng hầm và một tầng nổi, là công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2014). Bảo tàng nằm đối diện với nghĩa trang liệt sĩ trên đồi A1, được xây dựng đầu tiên vào năm 1984.

Ðến nay, Bảo tàng có 5 khu trưng bày với 274 hiện vật và 122 bức tranh theo từng chủ đề: vị trí chiến lược của Ðiện Biên Phủ; Tập đoàn cứ điểm của địch; Ðảng chuẩn bị đường lối chỉ đạo cho chiến dịch Ðiện Biên Phủ; Ảnh hưởng của chiến thắng Ðiện Biên Phủ; Ðiện Biên Phủ ngày nay.

Toàn bộ hiện vật trưng bày trong Bảo tàng gắn với những sự kiện liên quan đến chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Trong đó, người xem được chiêm ngưỡng mô hình phục chế của các anh hùng Tô Vĩnh Diện- lấy thân chèn pháo; Bế Văn Ðàn- lấy thân mình làm giá súng; Phan Ðình Giót- lấy thân mình lấp lỗ châu mai.

Nhiều hiện vật mô tả công tác mở đường, kéo pháo, vận chuyển lương thực của quân và dân trong chiến dịch như chiếc xe cút kít của dân công Trịnh Ðịnh Bầm ở xã Ðịnh Liên, huyện Yên Ðịnh, tỉnh Thanh Hoá- chiếc xe có thể chở tới 280kg lương thực mỗi chuyến. Nhờ vậy, chỉ trong vòng 4 tháng, với quãng đường gian khổ 20km, ông Bầm đã chuyển được hơn 12 tấn lương thực phục vụ chiến trường.

Theo hướng dẫn viên của Bảo tàng, có nhiều hiện vật mới đã được đưa vào trưng bày tại Bảo tàng. Ðó là những hiện vật trước đây được trưng bày ngoài trời và được tỉnh Ðiện Biên vận động cựu chiến binh Ðiện Biên Phủ hiến tặng, như bức tranh “Xuân trong hầm pháo” của hoạ sĩ Phạm Thanh Tâm; con dao đa năng của Thiếu uý Nguyễn Dũng Chi thu được tại hầm De Castries; khẩu pháo 105 ly đã bắn loạt trận đánh đầu tiên tại Him Lam, mở màn chiến dịch Ðiện Biên Phủ…

Bảo tàng dành nhiều không gian để tôn vinh cố Ðại tướng Võ Nguyên Giáp- vị Tổng Tư lệnh của chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Ở phòng tôn vinh, ngoài bức tượng Ðại tướng còn có di ảnh của 26 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 5 đại đoàn quân chủ lực và lực lượng Thanh niên xung phong tham gia chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Nơi chiến trường xưa nay đã trở thành thành phố Ðiện Biên Phủ. Cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang rộng đẹp. Cánh đồng Mường Thanh vẫn cho ra loại gạo thơm ngon nổi tiếng cả vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Ðến thăm Ðiện Biên Phủ, thế hệ trẻ hiểu thêm thực tế sinh động về chiến công vang dội của ông cha ta 64 năm trước.

Ð.D