BAOTAYNINH.VN trên Google News

Điện Biên Phủ trong trái tim người dân công hoả tuyến

Cập nhật ngày: 07/05/2014 - 06:08

Cụ Tế tại nhà riêng

Bồi hồi nhớ lại những năm tháng ấy, cụ Tế kể: Thời bấy giờ, trước khi chuẩn bị cho chiến dịch, cả nước dồn sức người, sức của cho Điện Biên. Lúc đó thanh niên trong làng Đồng Xuân, xã Tiên Động, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam- quê hương cụ Trịnh Xuân Tế, ai cũng xung phong tham gia chiến dịch.

Nhưng không phải ai cũng được đi, chỉ có những người có sức khoẻ và có tinh thần tiến công cách mạng mạnh mẽ mới được chọn đi. Lúc đó với tư cách là Trung đội trưởng dân quân, cụ Tế cùng với đơn vị 10 người, trong đó có 1 người nữ vinh dự được tham gia chiến dịch với nhiệm vụ “dân công hoả tuyến”.

Hành trình đầu tiên là từ trung tâm huyện gánh 25kg gạo đựng trong 2 bao tải cùng với quần áo, vật dụng để sinh hoạt hằng ngày. Đường đi diệu vợi đến hàng trăm cây số, đường rừng không chỉ phải vượt qua núi cao, vực thẳm, suối sâu mà dân công còn phải đối mặt với muỗi, vắt, côn trùng.

Có những đoạn dốc đoàn gánh gạo phải ngồi bẹp xuống đất quay đòn gánh sang ngang rồi cứ như vậy mà lê xuống. Kỷ niệm đặc biệt về đoạn đường gian khó ấy hiện vẫn còn lưu lại với địa danh “dốc lê trôn” do chiến sĩ, dân công Điện Biên đặt tên từ 60 năm trước.

Để tránh máy bay địch, đoàn dân công chỉ đi vào ban đêm, bắt đầu từ 5 giờ chiều đến khoảng 1, 2 giờ sáng thì tới điểm dừng nghỉ. Nghỉ ngơi trong rừng không có nhà cửa, dân công phải tựa vào gốc cây, phải lấy chăn hoặc áo mưa đắp lên người để ngủ.

Về ăn uống dọc đường, mỗi người được cấp 5kg gạo bỏ trong “ruột tượng” mang theo, nếu ăn hết phải xin đồng bào dọc đường, quần áo tư trang nếu có bị ướt cũng không sao, nhưng gạo của bộ đội thì nhất quyết không được để ướt, không hao hụt một hạt nào.

Năm nay cụ Tế đã ngoài 90 tuổi nhưng vẫn còn khoẻ mạnh, nhanh nhẹn. Cụ ông và cụ bà chăn nuôi 20 con heo rừng và cả trăm con gà, vịt, hằng ngày cụ Tế vẫn tự mình xuống ao vớt lục bình về băm cho gà, cho heo ăn.

Điều mà cụ sung sướng và tự hào nhất là các con của cụ đã tiếp nối, phát huy truyền thống. Cụ có 6 người con thì người con trai cả nay là Bí thư Chi bộ địa phương, hai người con trai hiện là đại tá, một người con gái cũng mang hàm thượng tá trong ngành Công an. Các cháu nội, ngoại của cụ có người đã là thạc sĩ, tiến sĩ khoa học.

Cuộc chiến tranh kết thúc đã 60 năm, những vết tích của bom đạn đã nhường lại cho màu xanh của cây trái và đồng lúa chín vàng trĩu hạt. Nhưng tinh thần, khí tiết Điện Biên năm xưa vẫn không bao giờ phai, vẫn sáng lên ngọn lửa truyền thống cho thế hệ kế thừa mãi mãi phát huy.

QUANG HÀ