BAOTAYNINH.VN trên Google News

Điện hạt nhân: 10 kiến nghị của đại biểu QH Ninh Thuận

Cập nhật ngày: 08/11/2009 - 02:39

Trưởng đoàn ĐBQH Ninh Thuận Hoàng Ngọc Thái: Hy vọng Chính phủ lắng nghe những phân vân của dân.

Trưởng đoàn ĐBQH Ninh Thuận, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, ông Hoàng Ngọc Thái đưa ra 10 đề xuất với Chính phủ nếu xây nhà máy điện hạt nhân tại địa phương. Trong đó, dân phải được tham gia giám sát, có một cơ chế tài chính đặc  biệt cho tỉnh...

Ông Thái mang đến cuộc họp tổ sáng 7.11 không ít tâm tư của cử tri tỉnh Ninh Thuận, nơi sẽ xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của cả nước.

Ủng hộ chủ trương, nhưng lo lắng

Theo ông, việc chuẩn bị xây nhà máy điện hạt nhân đã được chuẩn bị từ cách đây 15 năm, khi có ý kiến của Bộ Chính trị. Lý do để bổ sung thêm một nguồn năng lượng mới cho đất nước là không phải bàn cãi.

"Địa điểm xây nhà máy điện là hai xã anh hùng trong chiến tranh, dân nghe nói xây nhà máy cũng lo. Lo thì lo vậy nhưng xã là xã anh hùng, Đảng, Chính phủ nói là dân nghe. Chính phủ đã quyết thì dân cũng đồng tình nhưng phân vân thì vẫn còn phân vân. Hy vọng Chính phủ lắng nghe những phân vân của người dân", ông Thái giãi bày.

Lo lắng đầu tiên, theo ông Thái, là tương lai công việc, cuộc sống nơi ở mới: "Dân hai xã chủ yếu đang làm nghề thủy sản. Theo khảo sát bước đầu, hai xã có 2.600 dân, công tác di dân sẽ tốn khoảng 700 tỷ đồng, như vậy mỗi người chưa được  300 triệu đồng. Vậy dân sẽ lo nhà cửa, chuyển đổi nghề thế nào?".

Nỗi lo thứ hai, đó là sự an toàn, khi mà hậu quả về vụ nổ Chernobyn vẫn ám ảnh người dân.

Trưởng đoàn ĐBQH Ninh Thuận phân vân, năng lượng hạt nhân có thể mang lại nhiều lợi ích cho nhân loại nhưng cũng tiềm tàng nhiều đe doạ, cần kiểm soát như thế nào? Nơi nào không đảm bảo điều kiện và tiêu chí an toàn thì trở thành hiểm hoạ. Các nước có nhà máy điện hạt nhân hầu hết phải hội đủ các điều kiện: là nước phát triển, an sinh xã hội tốt, dân trí cao.

Việt Nam liệu đã hội đủ các yếu tố này chưa?

Phân vân là vậy, nhưng theo ông Thái, người dân đều ủng hộ chủ trương.

Đề nghị lập Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia

Giải trình xong những băn khoăn này, Trưởng đoàn ĐBQH Ninh Thuận đưa ra 10 đề xuất.

Thứ nhất, lập Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia, gồm các chuyên gia hàng đầu và những chuyên gia của Ninh Thuận. Hội đồng phải có lực lượng kế thừa, già và trẻ vì hạt nhân duy trì hàng trăm năm. Hội đồng có trách nhiệm cố vấn cho Chính phủ.

Thứ hai, Chính phủ phải có cam kết bằng văn bản quy phạm pháp luật, kể cả với chủ đầu tư, rằng sẽ thực hiện nghiêm một số điều khoản cụ thể trong Luật năng lượng nguyên tử.

Về lựa chọn công nghệ, ông Thái cho hay, cử tri Ninh Thuận kiến nghị Chính phủ lựa chọn công nghệ thế hệ thứ ba cộng (thay vì chọn công nghệ thế hệ thứ hai như dự kiến).

Mặt khác, người dân Ninh Thuận mong muốn Chính phủ sẽ là cơ quan chỉ đạo trực tiếp dự án này. 

Không phá vỡ cảnh quan môi trường

Nguyện vọng thứ năm, yêu cầu chủ đầu tư phải có cam kết rõ ràng, cụ thể, công khai minh bạch về cơ chế chính sách ưu đãi dài hạn với địa phương và người dân.

Đặc biệt, phải có sự giám sát của người dân bằng hệ thống quan trắc, để theo dõi độ an toàn, có chính sách đặc biệt về bồi thường tái định cư theo sự thoả thuận với dân và địa phương, tránh áp đặt. Phải có tính toán đến giải quyết việc làm chuyển đổi nghề nghiệp.

Đề xuất thứ sáu: Việc xây dựng nhà máy phải không làm phá vỡ cảnh quan môi trường như khai thác cá, san hô, rùa biển, các loài nhuyễn thể... và đặc biệt ưu tiên đầu tư cho Ninh Thuận.

Địa phương cũng mong Chính phủ cam kết mạnh mẽ sẽ đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật giao thông. Theo đó, Ninh Thuận sẽ xây tuyến đường ven biển dài 105km, dự án khoảng 5.300 tỷ đồng, đây cũng là tuyến đường phục vụ cho nhà máy sau này.

Bên cạnh đó, Ninh Thuận có nguyện vọng mở rộng trữ lượng hồ nước ngọt.

Ông Thái cũng đề nghị Nhà nước phải có chính sách tài chính đặc biệt cho tỉnh.

Đề xuất cuối cùng, đó là việc xây dựng nhà máy phải được tuyên truyền sâu hơn để tạo sự đồng thuận. Vừa qua, lãnh đạo địa phương đã được mời đi tham quan một số nhà máy điện hạt nhân trên thế giới, trong đó có bí thư xã. Nên chăng, mời thêm các già làng, trưởng bản để cung cấp thông tin cho người dân rộng rãi và hiệu quả hơn.

Theo ông Thái, nếu Quốc hội thông qua chủ trương xây nhà máy tại kỳ họp này thì dự án phải được bắt tay vào làm ngay.

Theo Phó Giám đốc Sở KHCN Ninh Thuận Nguyễn Thị Mai, Việt Nam chưa có nhiều chuyên gia về điện hạt nhân, số lượng chỉ vào khoảng 600 người mà hầu hết đều đã lớn tuổi, rất cần đào tạo mới. Vừa qua, Việt Nam đã cử cán bộ đi học ở Nga.

Tuy nhiên, bà Mai lo lắng, theo dự kiến của Chính phủ,  sau khi lựa chọn được đối tác, lựa chọn được công nghệ, Việt Nam sẽ cử cán bộ đi học hỏi kinh nghiệm ở nước đó, "như vậy thì biết đến bao giờ mới cử được người đi học? Biết bao giờ làm chủ được công nghệ?".

Bà Mai cho rằng ngay từ bây giờ phải cử cán bộ đi đào tạo tại các nước tiên tiến vì để đào tạo một cán bộ vận hành phải mất từ 8 năm đến 15 năm.

(Theo Vietnamnet)