Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Mất điện rải rác đã bắt đầu xuất hiện ở miền Nam trong vòng gần 1 tháng qua, thiếu điện đã không chỉ còn là nguy cơ...
Các nhà máy điện mặt trời khu vực miền Nam tấp nập chuẩn bị hòa lưới điện quốc gia. ẢNH: C.H
Nhiều dự án lớn chưa hẹn ngày về
Báo cáo mới nhất của Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cập nhật đến hết quý 1/2019, tổng công suất các dự án nguồn điện đưa vào trong giai đoạn 2016 - 2020 là 21.650 MW (mỗi năm cần đưa vào khoảng 4.500 MW). Thế nhưng, trong 39 dự án có công suất lớn (từ 200 MW trở lên) được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2016 - 2025, có tới 24 dự án chậm tiến độ.
Theo quyết định của Bộ Công thương về phê duyệt kế hoạch vận hành điện năm 2019 thì trong số gần 4.300 MW sẽ vào trong năm nay, chỉ có 2 nguồn điện quy mô lớn là Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng (688 MW) và Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng (600 MW). Còn lại điện mặt trời sẽ đóng góp tới 1.700 MW, thủy điện nhỏ 837 MW và điện gió 137 MW.
Sang năm, tình hình thậm chí còn khó hơn. Nhiều dự án lớn cũng không thể về đích theo kế hoạch như Nhiệt điện Công Thanh (600 MW), Nhiệt điện Hải Dương (600 MW), Nhiệt điện Cẩm Phả 3 (2x220 MW)... Tại cuộc họp về vận hành điện mùa khô mới đây, Phó tổng giám đốc Tập đoàn điện lực VN (EVN) Ngô Sơn Hải cho hay, trong 2 năm 2019 và 2020, hệ thống cần thêm 10.000 MW nguồn điện mới. Nhưng thực tế rà soát của EVN cho thấy, chỉ có chưa tới 2.500 MW nguồn điện truyền thống được đưa vào, bên cạnh một số nguồn năng lượng tái tạo.
Hệ quả của việc hàng loạt dự án nguồn quy mô lớn chậm tiến độ là hệ thống điện đã “cạn sạch dự phòng” vào mùa hè năm ngoái. Trong khi 3 năm trước đó (năm 2015), mức dự phòng nguồn vẫn còn gần 20%. Ngày 3.7.2018, tiêu thụ điện của cả nước đã lập kỷ lục (tính đến lúc đó) với sản lượng 723,9 triệu kWh và công suất đỉnh của hệ thống kỷ lục khi đạt 35.110 MW.
Theo các chuyên gia năng lượng, khi đó, dù trên lý thuyết, công suất của hệ thống là khoảng 44.500 MW, nhưng thực tế (công suất khả dụng) chỉ có thể huy động được trên 35.000 MW. “Khi ấy, lưới điện đã rung lên bần bật”, một chuyên gia hàng đầu về năng lượng nhớ lại.
Điện mặt trời “lấp chỗ trống” ?
Ông Vũ Xuân Khu, Phó giám đốc A0, cho biết việc huy động nguồn điện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn tại chỗ cung ứng cho miền Nam. “Như nguồn thủy điện cả miền Trung, miền Nam chỉ còn khoảng 2 tỉ kWh, tương đương đủ cho cả nước dùng... 3 ngày. Tuy nhiên, nguồn khí giảm đáng kể khi mà khả năng của khí Nam Côn Sơn mọi năm là 22 triệu m3 thì năm nay tối đa là 19 triệu m3/ngày; nguồn khí PM3 (Cà Mau) hiện chỉ cỡ 4,1 - 4,4/ triệu m3/ngày, thấp hơn nhiều so với các năm trước thường ở mức 4,8 triệu m3/ngày”, ông Khu dẫn chứng.
Bởi vậy, đại diện EVN thừa nhận với việc có khoảng 88 nhà máy điện mặt trời đấu lưới tính đến ngày 30.6 (tổng công suất lên đến 3.000 MW) thì việc thiếu nguồn điện tại chỗ của miền Nam sẽ được giải quyết một phần. Cụ thể, giữa tháng 5, công suất đặt của 27 nhà máy điện mặt trời là gần 1.500 MW, nhưng công suất phát ra là 1.200 MW và sản lượng điện thu về chỉ 600 triệu kWh, bằng 1/4 sản lượng điện của 1 nhà máy điện than ở Vĩnh Tân hay Duyên Hải có công suất 1.000 MW. Bên cạnh đó, tính ổn định của nguồn điện này là thách thức lớn với điều độ hệ thống khi mà mức độ thay đổi 60 - 80% công suất chỉ diễn ra trong 5 - 10 phút, và bình quân từ 3 - 5 lần/ngày.
Ví dụ như cuối tháng 4, ông Phạm Xuân Dương, Giám đốc dự án điện mặt trời Đức Huệ 1 (Long An) cho thí nghiệm chạy có tải để truyền số liệu về A0. Trong 4 phút đầu rất ổn, công suất cao điểm đã lên tới 39,9 MW (bằng 96% công suất max). “Thế nhưng, bỗng một đám mây kéo tới. Thế là rơi tự do, thí nghiệm phải làm lại từ đầu”, ông Dương kể.
Nguồn TNO