Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Diễn xướng dân gian trong tín ngưỡng thờ nữ thần ở Tây Ninh
Thứ bảy: 00:01 ngày 05/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bóng rỗi và chặp tuồng Địa - Nàng là một trong những loại hình diễn xướng dân gian ở Nam bộ. Đây là hình thức dâng lời ca, điệu múa lên các vị nữ thần, cũng là màn biểu diễn ca - múa - nhạc dân gian nhằm giải trí cho người dân từ những buổi đầu nơi vùng đất mới.

Nghệ nhân dân gian Ngọc Phượng hát rỗi tại Ngày hội văn hoá dân gian.

Trong quá trình mở cõi về phương Nam, người Việt đã mang theo văn hoá từ miền Bắc, miền Trung giao thoa văn hoá với các dân tộc bản địa tại Nam bộ tạo nên sắc thái mới. Trong đó, tại Tây Ninh, tín ngưỡng thờ nữ thần (thờ Bà) là dạng phổ biến của người Việt mà ta có thể dễ dàng nhận thấy như Bà Linh Sơn, Bà Chúa xứ, Bà Ngũ Hành, Bà Thiên Hậu... được thờ tự trong các miễu, chùa, hội quán rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Vào mỗi dịp cúng miễu, ngoài việc thực hiện các nghi lễ thể hiện sự trang nghiêm, không thể không nhắc đến bóng rỗi, chặp tuồng Địa - Nàng.

Múa dâng lễ vật (ảnh: Phí Thành Phát)

Bóng rỗi là cách gọi ghép giữa hai hình thức hát rỗi và múa bóng. Hát rỗi là việc sử dụng một trong các điệu hát thài, ru, chập, rỗi để biểu diễn chầu mời, thỉnh Bà về dự cúng miễu. Múa bóng chỉ nghệ nhân dùng các điệu múa uyển chuyển để dâng lễ vật lên Bà như mâm vàng, chén bông hay các loại hình tạp kỹ như múa dao phay, hoa huệ, trống, lông công, lục bình chưng bát tiên...

Nghi thức cúng Bà, bóng rỗi diễn ra gồm các tiết mục: đánh trống khai tràng, rỗi chầu mời - thỉnh tổ, rỗi thỉnh Bà, chặp tuồng Địa - Nàng, rỗi chầu Bà, múa dâng bông, múa dâng mâm, múa tạp kỹ (múa đồ chơi), bán lộc, an vị, đưa tiên, đưa tổ.

 Chặp tuồng Địa - Nàng là một tiết mục của hát bóng rỗi có cốt truyện ngắn, mang tính hài hước tổng hợp kiểu cách diễn của bóng rỗi lẫn tuồng (hát bội) và cách hoá trang của vai Địa - Nàng. Trong đó, chặp tuồng Địa - Nàng xây dựng cốt truyện qua hai nhân vật Nàng (Hằng Nga) vâng lệnh Tây Vương Mẫu xuống huê viên gánh nước tại giếng tiên về tưới hoa nhằm cầu an cho dân chúng.

Do không thạo đường đi, khi xuống trần, Nàng bị lạc phải nhờ Thổ Địa dẫn đường. Thổ Địa sau một hồi làm khó đủ kiểu như Địa ăn giỗ, Địa chấm chè, Địa ăn vụng chuối, Địa đẻ (mang ý nghĩa đất đai sinh sôi nảy nở, phì nhiêu tươi tốt) thì Địa cũng dẫn Nàng đến giếng tiên, lấy nước về. Nét độc đáo tại Tây Ninh là còn có chặp Trạng -  Địa - Nàng.

Nghệ nhân Ngọc Phượng chia sẻ: “Chặp Trạng - Địa - Nàng tại Tây Ninh được xây dựng trên nhân vật Trạng Nhứt Huyền Khanh do Ngọc Hoàng phái xuống trần, chứng lễ cầu an, đi giữa đường gặp chị em Hằng Nga (Nàng) sau một hồi “đối đáp” qua lại, do chẳng “tường quen” đường nên Nàng xin quan Trạng dẫn chị em xuống huê viên lấy nước. Đến giờ quan Trạng về chầu Ngọc Hoàng nên chỉ đường cho chị em Nàng đi tiếp, đi giữa đường bị lạc nên cậy ông Địa và bị Địa làm khó như chặp Địa - Nàng”.

Múa dâng lễ vật (ảnh: Phí Thành Phát)

Chặp tuồng Địa - Nàng tại buổi tổng kết lớp Đồng ấu Gia Bình

Hình tượng Địa trong trang phục mặc áo rộng (có nét tương đồng với áo yếm tâm của cô bóng) màu đỏ (hoặc vàng) để lộ ngực và chiếc bụng lớn, đầu chít khăn, chân đi hài. Nàng mặc áo dài, bới tóc cao, trên tóc có cài hoa.

Cả Địa và Nàng đều đánh phấn trắng, tô môi đỏ, kẻ chân mày, chấm son giữa tráng, Địa còn vẽ thêm râu tạo thêm sự hài hước. Ngày nay, với nhu cầu thị hiếu của khán giả kết hợp với sự phát triển của xã hội, nhiều nghệ nhân bóng rỗi thủ vai Nàng trang điểm đẹp hơn, chỉn chu hơn, sử dụng trang phục của đào văn trong hát bội để làm trang phục.

Trên tay Địa, Nàng sử dụng quạt làm đạo cụ, cũng là vật bất ly thân khi biểu diễn, với ý nghĩa quạt tạo ra gió mát, đem đến những điều lành cho mọi người. Ngoài ra, đạo cụ khi biểu diễn của Địa, Nàng là những thứ xung quanh khu vực biểu diễn, ví dụ như để “mua chuộc” Địa dẫn Nàng đến huê viên, nàng lấy chén chè, lấy chuối trên bàn thờ cho Địa, sau một hồi “cù cưa” thì Địa phải “cúng tam bảo ăn cho rồi”.

Nghệ nhân Phan Ngọc Châu vẽ mặt thủ vai Địa.

Với lối ứng tác hài ngay lúc diễn và đòi hỏi phải biết ca, biết diễn nên nhân vật Địa thường do nghệ sĩ hát bội đảm nhiệm, còn nhân vât Nàng thường do nghệ nhân bóng rỗi hoặc nghệ sĩ hát bội thủ vai mang tính cách dịu dàng, hiền hậu.

Chặp tuồng Địa - Nàng bên cạnh chức năng nghi lễ còn mang đến tiếng cười trào lộng, châm biếm những thói hư tật xấu đương thời nên bà con đi coi hết thảy đều ưa thích. Có những diễn viên dân gian nhờ vai Địa, vai Nàng mà nổi tiếng khắp nơi vì những miếng hài của mình như ông Địa Sợi (Gò Dầu), ông Địa Chép (Trảng Bàng), vai Nàng của các cô bóng Nguyễn Thị Tư (Tư Móc), Nghệ nhân dân gian Ngọc Phượng (Chín Mướt), con gái ông Địa Sợi. Đến nay hầu như không còn người thủ vai Địa, do việc biểu diễn Địa, Nàng tại các miếu không còn được ưa chuộng.

Múa tạp kỹ (ảnh: Phí Thành Phát)

Tại Trảng Bàng, với mong muốn các loại hình diễn xướng này lan toả nhiều hơn đến giới trẻ, trong Ngày hội văn hoá dân gian các năm 2023, 2024, Đoàn phường Gia Bình phối hợp cùng Đoàn trường THPT Nguyễn Trãi tái hiện màn biểu diễn bóng rỗi với sự tham gia của các nghệ nhân trẻ như cô bóng Ngọc Trinh, Ngọc Diễm, Ngọc Thuỷ. Các màn biểu diễn đều được đông đảo đoàn viên thanh niên hưởng ứng tích cực.

Năm 2024, chặp tuồng Địa - Nàng được Hội đồng Đội phường Gia Bình giới thiệu đến thanh thiếu nhi tại địa phương thông qua buổi tổng kết lớp Đồng ấu Gia Bình. Đây là dịp để các bạn trẻ được tiếp cận, cảm nhận, tìm hiểu về tín ngưỡng thờ nữ thần ở Tây Ninh để thêm yêu văn hoá dân gian quê hương mình.

Minh Trí

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục