BAOTAYNINH.VN trên Google News

Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát 

Cập nhật ngày: 23/12/2023 - 08:54

BTNO - Sáng 22.12, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 12.2023 do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cùng các Phó Chủ tịch Dương Văn Thắng, Trần Văn Chiến đồng chủ trì.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cùng các Phó Chủ tịch Dương Văn Thắng, Trần Văn Chiến chủ trì phiên họp.

Tại phiên họp, Sở Xây dựng và Ban quản lý Khu kinh tế trình nội dung nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Xa Mát đến năm 2045. Theo đó, phạm vi không gian điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKTCK Xa Mát gồm toàn bộ địa giới hành chính hai xã Tân Lập và Tân Bình, huyện Tân Biên; diện tích lập quy hoạch khoảng 34.890 ha.

Mục tiêu của lập quy hoạch nhằm xây dựng KKTCK Xa Mát trở thành một điểm động lực kinh tế năng động, bền vững của tỉnh; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế cửa khẩu Việt Nam, quy hoạch tỉnh và các định hướng phát triển kinh tế xã hội của Tây Ninh, quốc gia và xu thế phát triển đô thị - công nghiệp. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để phát huy các tiềm năng tổng hợp của khu kinh tế, phát triển KKTCK Xa Mát năng động, hiệu quả, có bản sắc và phù hợp với các điều kiện của bối cảnh phát triển mới; quốc phòng - an ninh được bảo đảm, là phòng tuyến vững chắc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; đông thời làm cơ sở pháp lý để lập quy hoạch các khu chức năng và triển khai các dự án đầu tư.

Do đặc thù của KKTCK Xa Mát có hơn 2/3 diện tích là đất rừng đặc dụng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến các đại biểu, nghiên cứu bổ sung thêm việc phát triển du lịch sinh thái ở khu vực này. Trong quá trình nghiên cứu xây dựng quy hoạch chung, đơn vị tư vấn lưu ý đánh giá đúng thực trạng về sử dụng đất, trạng thái các loại đất... để từ đó xác định tiềm năng, lợi thế và đưa ra những định hướng, phạm vi, quy mô, quy hoạch khu công nghiệp, khu đô thị, khu thương mại dịch vụ trên khu kinh tế này; bảo đảm phù hợp, tương thích, đặc biệt là có tính khả thi giữa quy hoạch với khả năng chuyển đổi các loại đất, trong đó khả năng chuyển đổi đất rừng, để việc triển khai thực hiện có tính khả thi cao khi quy hoạch chung được duyệt. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn sớm điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện các bước tiếp theo theo quy định. 

Cũng tại phiên họp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình dự thảo kế hoạch kinh phí và tổ chức các hoạt động đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Theo đó, tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân với tinh thần phấn khởi, vui tươi, lành mạnh, trang trọng, thiết thực; bảo đảm các điều kiện phục vụ nhân dân vui Xuân, đón Tết, chăm lo an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc thống nhất nội dung tờ trình. Sau khi kế hoạch được ban hành, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, địa phương và các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai hiệu quả, kịp thời, ý nghĩa.

Ông Nguyễn Nam Hưng - Giám đốc Sở Xây dựng phát biểu tại phiên họp.

Đối với nội dung Quyết định về quy định giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, theo Sở Công thương, ngày 11.11.2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 149/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14.11.2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá. Tại điểm i khoản 4 Điều 8 Nghị định số 177/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 149/2016/NĐ-CP) quy định: UBND tỉnh quy định giá đối với dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 64/2016/QĐ-UBND ngày 20.12.2016 về việc quy định giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay việc thu phí dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ trên địa bàn tỉnh theo nhiều hình thức khác nhau tuỳ cách quản lý và nguồn vốn đầu tư nên chưa đồng nhất gây rất nhiều khó khăn trong việc quản lý nhà nước đối với các cơ quan chức năng. Do đó, Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định về quy định giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ trên địa bàn tỉnh để thống nhất quản lý theo quy định chung. Phiên họp thống nhất nội dung trình, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công thương hoàn thiện, trình UBND tỉnh ban hành.

Đối với tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định nội dung chi, mức hỗ trợ thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2025, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến tháng 12.2023, toàn tỉnh có 88 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó: 67 sản phẩm được xếp hạng 3 sao; 21 sản phẩm được xếp hạng 4 sao; 1 sản phẩm đã được đánh giá xếp hạng 4 sao năm 2020 và đang hoàn thiện hồ sơ trình Bộ NN&PTNT đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có quy định mức chi hỗ trợ thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh, do đó, chưa tạo ra được sự thu hút tham gia chương trình của các chủ thể, cũng như chưa có sự hỗ trợ đúng mức dành cho các sản phẩm được đánh giá, xếp hạng và các công chức thực hiện chương trình.

Thực hiện Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 1.8.2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 và căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương, Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh cho chủ trương xây dựng Nghị quyết quy định nội dung chi, mức hỗ trợ thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2025. Từ đó, triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình; phát huy vai trò kiến tạo, ban hành cơ chế, chính sách thực hiện định hướng phát triển của Nhà nước về trục sản phẩm đặc sản địa phương; hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP. Phiên họp thống nhất nội dung trên. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT phối hợp đơn vị liên quan tham mưu sớm các thủ tục tiếp theo theo quy định.

Phiên họp cũng cho ý kiến đối với các nội dung: Dự thảo Quyết định mức trích kinh phí bảo đảm, tỷ lệ phân chia và mức chi kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh; dự thảo Quyết định về ủy quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; tờ trình về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”.

Giang Hà