BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đình thần Phước Hội: Đi qua tuổi trăm năm

Cập nhật ngày: 17/03/2011 - 10:50

Đình thần Phước Hội toạ lạc tại ấp Phước Hoà, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu. Đây là cơ sở tín ngưỡng dân gian có ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt tinh thần đối với người dân làng Phước Hội xưa (nay là xã Suối Đá, Phan và thị trấn Dương Minh Châu). Đình được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX, nay đã được tu bổ khang trang, đẹp đẽ.

Theo ký ức của cụ Nguyễn Văn Vân (năm nay đã 92 tuổi, nguyên là cán bộ Trường Đảng tỉnh Tây Ninh) và cụ Mai Văn Hung (85 tuổi, hiện là phó ban hội đình) là những người gốc gác tại làng Phước Hội thì ngôi đình thần đầu tiên được xây dựng còn đơn giản, cột kèo bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, vách ván, nền đất cao khoảng 0,6m, xung quanh bó nền bằng đá ong, chỉ có một gian chính chủ yếu là để thờ thần. Cửa đình quay về hướng Tây Nam khác với hướng đình bây giờ là Đông Nam. Diện tích đất đình khi đó rộng khoảng một hec ta (hiện nay do bị lấn chiếm chỉ còn lại 3.000 mét vuông).

Cuối năm 1929, thấy đình đã xuống cấp đồng thời quy mô đình quá nhỏ không đủ đáp ứng nhu cầu cúng tế theo sự phát triển của người dân trong làng, hội tề làng Phước Hội cho cất ngôi đình mới cũng trên phần đất cũ. Đình mới được xây dựng to đẹp hơn, có ba gian, hướng đình được quay ra tỉnh lộ 13 tương tự như ngày nay. Sau ba, bốn tháng thi công ròng rã, đình đã hoàn thành đúng vào dịp lễ kỳ yên ngày 15 tháng 3 âm lịch năm Canh Dần (1930).

Năm 1945, Nhật cướp chính quyền từ tay Pháp, khi đánh Tây Ninh, quân Nhật tiến công vào làng Phước Hội, chiếm đình thần làm chỗ đóng quân, sinh hoạt ăn ở gây ra sự ô uế. Chúng còn đập phá một số hiện vật thờ cúng trong đình, khiến nhân dân trong làng rất căm phẫn. Khi Nhật bại trận, thực dân Pháp núp bóng quân đội đồng minh tái chiếm nước ta. Ngày 14.12.1945 Pháp tấn công vào làng Phước Hội (Suối Đá) bắn giết đồng bào ta, đốt phá xóm làng, đình thần cũng bị giặc đốt sạch chỉ còn lại tấm bình phong hình lân mã bên ngoài. Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác cho rằng đình là do chính người dân trong làng thống nhất thiêu hủy vào năm 1947, theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến của cách mạng.

Đình thần Phước Hội hiện nay.

Sau Hiệp định Genève 1954, người dân Phước Hội trở về làng. Việc đầu tiên là chung tay dựng lại ngôi đình tạm bằng tranh tre để có nơi thờ tự cúng bái. Cuộc sống yên ổn chưa được bao lâu thì đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam lập ra nguỵ quyền Sài Gòn. Nhận thấy địa bàn xã Suối Đá là cái nôi cách mạng, nơi nhân dân có truyền thống đấu tranh mạnh mẽ, nên chính quyền nguỵ tỉnh Tây Ninh cho đặt quận lỵ Châu Thành tại đây để đàn áp phong trào cách mạng. Làng Phước Hội lại chìm trong khói lửa chiến tranh. Năm 1956, quận Châu Thành đổi tên thành quận Phú Khương, công sở xã dời ra Phan, đình thần cũng bị dời theo. Nhân dân Suối Đá phản đối quyết liệt, không chịu đến cúng tế ở ngôi đình mới. Cuối cùng, chính quyền nguỵ phải chấp nhận cho xây dựng lại ngôi đình nơi đất cũ, đó là vào năm 1960. Sau khi tên quận trưởng nổi tiếng ác ôn Võ Văn Lê bị cách mạng trừng trị, tinh thần bọn nguỵ tề càng hoang mang, dao động, nhân cơ hội đó người dân trong xã Suối Đá đấu tranh mạnh mẽ đòi chính quyền ngụy xây dựng ngôi đình kiên cố, khang trang hơn. Đến năm 1968, ngôi đình hoàn thành và tồn tại cho đến ngày đất nước thống nhất.

Đất nước hoàn toàn giải phóng, người tha hương bắt đầu trở lại quê nhà, người nơi khác cũng tìm đến an cư lạc nghiệp trên vùng đất này, cuộc sống dần ổn định nhưng thân phận ngôi đình vẫn chưa hết truân chuyên. Do nhận thức non kém và lệch lạc của một số cán bộ lãnh đạo chính quyền địa  phương thời kỳ đó, các cơ sở thờ tự dân gian đều bị xem là tàn tích của hệ tư tưởng phong kiến, duy tâm nên không cho phép người dân đến cúng viếng. Đình Phước Hội cũng nằm chung số phận của những ngôi đình khác trong tỉnh, vừa bị tàn phá trong chiến tranh nay lại không có ai bảo quản chăm sóc nên dần trở nên hoang phế.

Đất nước đổi mới, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, kèm theo đó là chủ trương của Đảng và Nhà nước cho phục hồi các di tích, công trình văn hoá dân gian đưa vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của người dân. Đến năm 1992, trước sự xuống cấp trầm trọng của ngôi đình, các bậc cao niên trong xã Suối Đá đã cùng nhau bàn bạc và quyết tâm trùng tu, phục hồi lại đình thần. Người có công rất lớn trong việc này là ông Trần Văn Thuỷ, gốc ở làng Phước Hội trước đây nay đã về định cư nơi huyện Hoà Thành. Ông Thuỷ đã hiến tặng một lượng vàng, lại còn cho mượn thêm tiền để ban hội đình thực hiện việc trùng tu. Sau đó, nhiều người dân trong xã làm ăn phát đạt, khá giả, những người gốc gác làng Phước Hội xưa nay thành đạt sinh sống khắp nơi đã tiếp tục đóng góp xây dựng thêm các công trình, hạng mục khác để có ngôi đình khang trang, hoàn chỉnh như ngày nay. Năm 2003, đình thần Phước Hội được UBND tỉnh Tây Ninh công nhận là di tích văn hoá cấp tỉnh.

Chuyện đình thần Phước Hội thờ đến hai vị thần đã có nhiều cuộc tranh cãi, hội thảo. Nhưng đến nay, ngoài vị thần nhân dân tôn thờ là ông Đào Văn Chữ, vẫn chưa có những kết luận mang tính thuyết phục về thân thế của vị thần là quan triều Nguyễn mang họ Phạm (xin được đề cập trong bài viết khác).

Cụ Mai Văn Hung, phó ban hội đình cho biết: “Theo truyền thống xưa để lại, mỗi năm có hai đợt cúng đình: rằm tháng ba âm lịch (lễ kỳ yên) và rằm tháng 8 âm lịch (lễ kỳ bông), chưa kể vào ngày mùng ba Tết có lệ viếng thần đầu năm. Sau khi đình đưa vào hoạt động trở lại từ năm 1992, xét thấy đời sống nhân dân còn khó khăn, ban hội đình đề xuất với chính quyền và tham khảo ý kiến nhân dân trong địa phương quyết định chỉ tổ chức một lễ, đó là lễ Kỳ yên vào rằm tháng ba âm lịch hằng năm, đáo hạn ba năm cúng lớn một lần. Các lễ khác đều giảm chế, ai có lòng thì đến ngày đó tự mang lễ vật đến cúng bái”.

Về nghi thức cúng tế cũng tương tự như những đình thần khác trong miền Nam. Ngày 15 âm lịch (tháng ba) tiến hành lễ thỉnh tro thần từ dinh Ông đến đình, tiếp theo là phần cúng viếng của các tôn giáo tại địa phương để nguyện cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà; tổ chức các trò chơi dân gian; đêm đến giao lưu văn nghệ hoặc xem hát bội, cải lương. Đến 0 giờ ngày 16 âm lịch bắt đầu vào lễ chính, sau đó là phần hội kéo dài cho đến 12 giờ trưa hôm sau thì làm lễ đưa tro về dinh và kết thúc. Hiện nay, lễ kỳ yên bình thường chỉ tổ chức trong hai ngày để tiết kiệm tiền bạc và công sức của nhân dân. Trong ngày lễ quan trọng này, người dân các xã Phan, Suối Đá, thị trấn Dương Minh Châu, những người xa xứ cùng tìm về tham dự đông vui. Ai có lễ vật gì thì mang theo để cúng kiến, không khí rất đầm ấm thân tình. Theo cụ Mai Văn Hung, lễ kỳ yên xưa có nhiều nghi thức mang nặng tư tưởng mê tín dị đoan nay đã bỏ.

Hơn một trăm năm tuổi, đình thần Phước Hội nay đã là di sản văn hoá, là biểu tượng tâm linh có ý nghĩa hết sức quan trọng trong tâm thức người dân địa phương. Đất lành chim đậu, vùng đất Phước Hội xưa giờ là nơi tụ hội của những người con trên khắp mọi miền đất nước như ý nghĩa của tên làng. Nhưng dù ở đâu đến đây hay ở đây đi đâu, thì mỗi kỳ lễ cúng thần tất cả đều tìm về quây quần, đầm ấm bên cái “từ đường” chung này, để vọng bái thời quá khứ oanh liệt, gian khổ của cha ông, thắt chặt thêm tình yêu thương cộng đồng, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với công lao của các bậc tiền hiền đã có công khai sơn phá thạch.

P.H