Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 27.5, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) phối hợp Sở Tư pháp tổ chức hội nghị đối thoại khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với chủ đề “Một số lưu ý trong quá trình khởi nghiệp theo Luật Doanh nghiệp, góc nhìn kiểm soát rủi ro”. Ông Phạm Văn Đặng– Giám Đốc Sở Tư pháp chủ trì hội nghị.

Tham dự có Thạc sĩ Hoàng Minh Chiến– Giảng viên chính trường Đại học Luật Hà Nội; đại diện Uỷ ban MTTQVN tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội; các sở, ban, ngành, doanh nghiệp tỉnh; đại diện Đoàn Luật sư tỉnh; Hội Luật gia tỉnh; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phạm Văn Đặng– Giám Đốc Sở Tư pháp cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Tây Ninh có hơn 11.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Trong số này phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực như: nông nghiệp, chế biến thực phẩm, vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải… Hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã góp phần không nhỏ vào kết quả phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua ít được cập nhật các thông tin về thị trường, các quy định pháp luật mới ban hành. Việc thiếu thông tin, sự hiểu biết về các quy định pháp luật đã trực tiếp ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do vậy, việc trang bị, bổ sung những kiến thức pháp lý cho doanh nghiệp để chuẩn bị nền tảng pháp lý cho việc khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phòng ngừa, kiểm soát rủi ro trong kinh doanh là yêu cầu cấp thiết.
Đây là dịp để các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có cơ hội được lắng nghe, trao đổi, tiếp cận thông tin pháp luật một cách có hệ thống. Qua đó giúp doanh nghiệp có kiến thức pháp luật để kiểm soát rủi ro trong lao động, sản xuất, kinh doanh.
Tại hội nghị, Thạc sĩ Hoàng Minh Chiến– Giảng viên chính trường Đại học Luật Hà Nội đã giới thiệu về chuyên đề “Một số lưu ý trong quá trình khởi nghiệp theo Luật Doanh nghiệp, góc nhìn kiểm soát rủi ro”. Trong đó, tập trung nghiên cứu về việc nhận diện các loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên, công TNHH 1 thành viên); đổi mới quản lý ngành, nghề kinh doanh; kiểm soát giao dịch giá trị lớn, giao dịch dễ phát sinh tư lợi…
Trên tinh thần đối thoại cởi mở và hợp tác, các đại biểu đã tham gia trao đổi, đóng góp ý kiến về thực trạng và nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; công tác triển khai thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24.6.2016 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hộ; việc huy động đội ngũ luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp…
Những đóng góp, kiến nghị tại hội nghị sẽ được Sở Tư pháp, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý tiếp thu, tổng hợp để báo cáo Bộ Tư pháp; đồng thời, kiến nghị hoàn thiện các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp một cách thực chất.
Phương Thảo - Thiên Di