Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân để nâng cao chất lượng phục vụ của chính quyền
Thứ ba: 21:11 ngày 14/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 14.3, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, hội nghị trực tuyến đánh giá việc đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước đã được tổ chức tại Hà Nội.

Tham dự hội nghị có các đại biểu: Nguyễn Thiện Nhân- Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Lê Vĩnh Tân- Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội- Ảnh SGGPO

Tại điểm cầu Tây Ninh, các ông Nguyễn Thanh Phong- Phó chủ tịch HĐND tỉnh, ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Phan Văn Sử - Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì hội nghị.

Năm 2015, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQVN, Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần đầu tiên triển khai đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân và các tổ chức trên phạm vi cả nước.

Bên cạnh việc triển khai của Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua cũng đã chủ động triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức trong phạm vi ngành, địa phương.

Tính đến tháng 12.2016, theo thống kê ban đầu của Bộ Nội vụ đã có 4 bộ ngành và 32 tỉnh, thành phố triển khai và công bố kết quả Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (gọi tắt là SIPAS).

Phương pháp thu thập thông tin của SIPAS 2015 là điều tra xã hội học, với đối tượng điều tra là người dân, tổ chức để giải quyết thủ tục hành chính và nhận xét kết quả ở 6 thủ tục: Cấp giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng nhà ở, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh và giấy chứng thực.

Theo đó, có 15.120 đối tượng điều tra xã hội học được chọn để triển khai SIPAS 2015, từ 108 xã của 3 Thành phố trực thuộc Trung ương và 7 tỉnh đại diện cho 7 vùng trong cả nước (TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Ninh, Quảng Ninh, Lai Châu, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Đăk Lak, Cà Mau).

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Qua đợt triển khai, số phiếu khảo sát thu về hợp lệ khá cao: 11.873/15.120 phiếu, đạt 78,53%. Kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức không chỉ cho thấy mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, mà còn cho thấy sự cảm nhận của người dân, tổ chức về chất lượng phục vụ, thông qua các yếu tố: Tiếp cận dịch vụ; thủ tục hành chính; sự phục vụ của công chức; kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Trên 50% số người được hỏi cảm thấy thoải mái, tiện nghi khi ngồi chờ giải quyết thủ tục hành chính. Trong 6 thủ tục, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là thủ tục có các chỉ số hài lòng thấp nhất và cấp Giấy đăng ký kết hôn có các chỉ số cao nhất.

Ngoài ra, kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức vào năm 2015 cũng cho thấy những mong đợi của người dân, tổ chức đối với cơ quan hành chính nhà nước trong việc cải cách, nâng cao chất lượng phục vụ thời gian tới.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, phân tích và làm rõ những kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế, khó khăn của các bộ, ngành và địa phương khi triển khai, đồng thời đề xuất các kiến nghị, giải pháp để triển khai đo lường, xác định chỉ số hài lòng thống nhất, hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới.

Người dân mong đợi cơ quan nhà nước cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ hơn- Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong việc đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước cho thấy bước đầu phản ánh khá sát thực tế, thực trạng và kết luận giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước; các cơ quan hành chính đã có sự thay đổi về tư duy, nhận thức về phương pháp giải quyết công việc phục vụ người dân.

 Bên cạnh kết quả đạt được, một số báo cáo cũng nêu lên những hạn chế về đo lường, xác định chỉ số hài lòng, phục vụ người dân của các cơ quan hành chính nhà nước như: Khu pháp lý để tiến hành đo lường, xác định chỉ số hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước được hình thành chưa hoàn thiện, dẫn đến thực trạng một số bộ, ngành, địa phương tiến hành theo các phương pháp nội dung chưa thống nhất, chưa đồng bộ, có bộ ngành, địa phương tự tiến hành điều tra nên chưa thật sự bảo đảm tính khách quan của kết quả điều tra.

Kinh phí thực hiện điều tra ít, nhiều cơ quan đơn vị chưa nghiên cứu đề xuất được phương pháp và cách thức tổ chức triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đảm bảo được tính khoa học.

Để công tác đo lường và xác định chỉ số hài lòng của người dân đạt hiệu quả trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ ngành địa phương cần thực hiện một số công việc như: Bộ Nội vụ chủ trì với văn phòng Chính phủ và một số chuyên gia khoa học nghiên cứu xây dựng, phê duyệt đề án đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong giai đoạn 2016- 2020; chú ý đề xuất nghiên cứu chuẩn hóa công cụ hiệu quả để áp dụng và mở rộng các thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực ngành nghề, địa phương liên quan để đo lường chuẩn xác chỉ số hài lòng của người dân...

Thanh Nhi

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục