Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 1.3, ông Võ Đức Trong– Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tiếp và làm việc với đoàn công tác Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội khoá XV phục vụ thẩm tra dự án luật viễn thông (sửa đổi).
Ông Nguyễn Phương Tuấn- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm Trưởng đoàn.
Ông Nguyễn Phương Tuấn- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại hội nghị.
Theo UBND tỉnh, trên địa bàn có 7 doanh nghiệp triển khai hạ tầng viễn thông và truyền hình cáp, bao gồm: VNPT, Viettel, MobiFone, Vietnamobile, Gtel mobile, FPT và VTVcab. Doanh nghiệp Viettel Tây Ninh đã triển khai thử nghiệm mạng di động công nghệ 5G tại tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh đang triển khai thí điểm hệ thống wifi công cộng miễn phí phục vụ nhu cầu truy cập thông tin của người dân, phục vụ mục tiêu phát triển chính quyền số, chuyển đổi số của tỉnh, cũng như phát triển du lịch tỉnh nhà.
Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh khi thực hiện việc xây dựng đầu tư hạ tầng mở rộng hoặc lắp đặt các dịch vụ đều tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông của bộ, ngành và Nhà nước ban hành.
Mạng lưới hạ tầng viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư phát triển, hoạt động ổn định bảo đảm phù hợp với các tiêu chuẩn, chỉ tiêu chất lượng dịch vụ đã công bố của các tập đoàn, tổng công ty. Các sự cố gián đoạn dịch vụ, hư hại hạ tầng mạng lưới được các doanh nghiệp xử lý, khắc phục kịp thời.
Vấn đề phát triển mạng viễn thông, dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh lđược Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông thực hiện đúng quy định của pháp luật, đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, khó khăn ảnh hưởng đến việc phát triển hạ tầng viễn thông như: Đất xây dựng công trình viễn thông phải bảo đảm đúng mục đích sử dụng đất, nhất là việc xây dựng trên đất công; hạ tầng kỹ thuật ngầm đa số đầu tư đã lâu, không đáp ứng đủ khả năng dùng chung của nhiều đơn vị; chi phí ngầm hoá rất cao không mang lại hiệu quả về mặt kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đại diện đoàn công tác Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, do chi phí đầu tư hạ tầng ngầm khá cao, để tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường cũng như hiệu quả đầu tư, các doanh nghiệp viễn thông chỉ chú trọng phát triển mạng cáp treo, ít quan tâm triển khai ngầm hoá mạng cáp; việc phối hợp trao đổi hạ tầng kỹ thuật ngầm giữa các doanh nghiệp còn hạn chế, do cạnh tranh phát triển thị trường.
Việc thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn công trình theo Điều 38, Mục 3, Chương III, Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26.1.2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung liên quan về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng quy định “Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình được tự thực hiện nếu đủ điều kiện năng lực hoặc phải thuê tổ chức kiểm định có đủ điều kiện năng lực thực hiện đánh giá an toàn công trình”.
Việc đánh giá này tốn kém chi phí khá cao cho các doanh nghiệp viễn thông sở hữu hệ thống hạ tầng lớn hoặc các đơn vị sự nghiệp như Đài truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố; Đài truyền thanh không dây cấp xã...
Theo UBND tỉnh, trên địa bàn có 5 doanh nghiệp viễn thông đang hoạt động gồm các chi nhánh VNPT, Viettel, Mobifone, FPT và Chi nhánh Công ty cổ phần thương mại - quảng cáo truyền hình Tân Việt Sinh - Trung tâm truyền hình cáp Tây Ninh.
Thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn không có khiếu nại, kiến nghị, phản ánh liên quan đến vấn đề cạnh tranh không lành mạnh; các yêu cầu giải quyết vấn đề liên quan đến quyền lợi giữa khách hàng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đều được các doanh nghiệp viễn thông xử lý đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền lợi người sử dụng, không phát sinh khiếu kiện đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật có liên quan đến lĩnh vực viễn thông cơ bản không phát sinh nhiều vướng mắc trên địa bàn tỉnh; chỉ có một số vướng mắc liên quan đến xây dựng công trình viễn thông trên đất công và cơ chế phối hợp quản lý, kiểm tra chất lượng công trình bưu chính, viễn thông với ngành Xây dựng.
Ông Võ Đức Trong– Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, góp ý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). Qua đó, UBND tỉnh thống nhất đề xuất của các doanh nghiệp nêu ra với đoàn công tác trước đó như: bổ sung quy định mới về Nhà nước có chính sách ưu tiên, khuyến khích đầu tư, phát triển các dịch vụ điện toán đám mây dựa trên các công nghệ mã nguồn mở, tiêu chuẩn mở.
Bổ sung chính sách mới về khuyến khích đặt hàng sản xuất và mua sắm đối với các sản phẩm, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ cao do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.
Đối với giá bán lẻ của đối tượng mua lại dịch vụ bán buôn, đề nghị bổ sung quy định quản lý giá bán lẻ của đối tượng mua buôn, bán lại dịch vụ cho khách hàng nhằm bảo đảm thị trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, không bán dưới giá thành.
Ông Nguyễn Phương Tuấn- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thống nhất các nội dung của tỉnh báo cáo tại cuộc họp và đánh giá cao sự phối hợp giữa các doanh nghiệp viễn thông; đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm bổ sung một số nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý chuyên ngành về viễn thông như: việc lắp trạm BTS, về nhân sự, việc ngầm hoá cáp viễn thông; quỹ viễn thông công ích…
Đối với các kiến nghị của tỉnh Tây Ninh, đoàn công tác ghi nhận và sẽ có những nghiên cứu, đánh giá phù hợp nhằm xây dựng, hoàn thiện báo cáo thẩm tra, báo cáo Quốc hội.
Nhi Trần