BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn đại biểu QH tỉnh Tây Ninh: Tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XII

Cập nhật ngày: 04/12/2009 - 10:44

Các đại biểu QH tỉnh Tây Ninh tại Hội nghị.

Sáng 4.12, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri khối cơ quan, thông báo kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá VII vừa qua.

Việc tổ chức Hội nghị này cũng nhằm lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri, đề xuất Quốc hội xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản Luật và đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, địa phương trong việc tổ chức thực hiện, đề ra các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh trong phạm vi cả nước và trên địa bàn tỉnh; những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật.

Tại Hội nghị ngày 4.12, các đại biểu QH tỉnh Tây Ninh cho biết, sau hơn một tháng làm việc khẩn trương, Quốc hội đã tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2009; thông qua Nghị quyết về hoạch phát triển kinh tế- xã hội và các Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương năm 2010.

Các đại biểu cũng đã dành nhiều thời gian, công sức để tiến hành công tác xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước: xem xét thông qua 7 dự án luật: Luật Người cao tuổi; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Viễn thông; Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Dân quân tự vệ; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật Thuế tài nguyên; đồng thời cho ý kiến đối với 11 dự án luật khác để tiếp tục thông qua tại kỳ họp sau.

Quốc hội đã thông qua 2 chủ trương lớn của đất nước, đó là Nghị quyết về chủ trương đầu tư Nhà máy Thuỷ điện Lai Châu và Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo đó, Nhà máy Thuỷ điện Lai Châu sẽ được khởi công xây dựng vào cuối năm 2010, phát điện tổ máy số 1 vào năm 2016, hoàn thành công trình vào năm 2017. Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ khởi công nhà máy số 1 vào năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vào vận hành vào năm 2020. Quốc hội cũng đã thông qua chương trình hoạt động giám sát năm 2010, tập trung vào nội dung nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.

Quốc hội cũng thống nhất nhận định, năm 2009, mặc dù chịu sự tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, của toàn dân, kinh tế- xã hội của đất nước đã đạt được những kết quả tích cực. Suy giảm kinh tế được ngăn chặn, tốc độ tăng trưởng được duy trì hợp lý; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; các yêu cầu về an sinh xã hội được bảo đảm; chính trị xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại được tăng cường, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn nhiều, những kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước. Những nhân tố gây mất ổn định kinh tế vĩ mô vẫn tiềm ẩn, nhiều mặt yếu kém, khuyết điểm còn phải dày công khắc phục…

Do vậy, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2010 là tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt được mục tiêu phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao hơn năm 2009, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao chất lượng tăng trưởng; ngăn chặn lạm phát cao trở lại; bảo đảm an sinh xã hội; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh; hoàn thành các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2006-2010.

Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 đặt mục tiêu cụ thể đối với 3 nhóm chỉ tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường trong năm 2010.

Về kinh tế, mục tiêu đặt ra là tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,5%; giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 2,8%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 7%; khu vực dịch vụ tăng khoảng 7,5% so với năm 2009; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 41% GDP...

Các cử tri tham dự Hội nghị.

Về xã hội, năm 2010 phấn đấu tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, trong đó đưa 8,5 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống 18%; số giường bệnh trên 1 vạn dân là 27,5 giường...

Về môi trường, phấn đấu 83% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; 45% KCN, KCX đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường và tỷ lệ che phủ rừng đạt 40%...

Đoàn đại biểu Quốc hội Tây Ninh cho biết thêm, tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XII, đã có 264 chất vấn bằng văn bản của 114 đại biểu Quốc hội ở 44 Đoàn đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng và 20 vị bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao.

Tại Hội trường, Thủ tướng Chính phủ và các vị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã trực tiếp trả lời 122 lượt chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh việc trả lời chất vấn của Đoàn đại biểu QH Tây Ninh tại các phiên họp, các bộ, ngành Trung ương cũng đã trả lời bằng văn bản đối với gần 30 lượt ý kiến tổng hợp của cử tri do Đoàn đại biểu QH Tây Ninh chuyển, Báo Tây Ninh Online sẽ lần lượt đăng tải sau.

Đặng Hoàng Thái