Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 2.10, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh làm việc với các sở, ngành và doanh nghiệp trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV.
Dự buổi tiếp xúc có ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cùng các đại biểu: Nguyễn Mạnh Tiến- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, Huỳnh Thanh Phương- Bí thư Huyện uỷ Gò Dầu.
Tại hội nghị, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh thông tin dự kiến chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV và báo cáo kết quả trả lời kiến nghị cử tri tại các kỳ tiếp xúc trước.
Trong chương trình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận 8 kiến nghị (7 ý kiến thuộc thẩm quyền Trung ương và 1 kiến nghị thuộc thẩm quyền địa phương) của lãnh đạo các sở, ngành, doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh. Đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã nhận được văn bản của các cơ quan chức năng trả lời cho 8/8 nội dung kiến nghị và chuyển đến các cơ quan, đơn vị kiến nghị.
Đa số các bộ, ngành Trung ương trả lời đúng thời gian quy định; nội dung trả lời đúng trọng tâm, đầy đủ nội dung kiến nghị, có hướng dẫn cụ thể để cử tri căn cứ thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Tính đến thời điểm báo cáo, vẫn chưa có cơ quan, đơn vị phản hồi trái chiều về các nội dung trả lời của các bộ, ngành.
Tại buổi tiếp xúc, lãnh đạo các sở, ngành và doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh nêu nhiều phản ánh, kiến nghị, đóng góp ý kiến cho các dự thảo dự án luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 như Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật Điện lực (sửa đổi).
Lãnh đạo các sở, ngành phản ánh một số vướng mắc dẫn đến khó khăn trong thực hiện Luật Nhà ở năm 2023, Luật Đất đai 2024 và các kiến nghị liên quan. Lãnh đạo doanh nghiệp nêu khó khăn trong nhập khẩu mía qua cửa khẩu phụ, kiến nghị Bộ Công thương xem xét cho nhập mía qua cửa khẩu phụ.
Đối với dự án Luật Điện lực, cử tri cho rằng luật này được ban hành từ 2004, được sửa đổi năm 2012 và cần sớm được sửa đổi để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, đặc biệt là có nhiều vấn đề mới như năng lượng tái tạo, năng lượng mới, xây dựng hoàn thiện thị trường điện… Cử tri mong Luật Điện lực sửa đổi sớm được thông qua để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong thực tiễn; đồng thời kiến nghị Bộ Công thương và ngành chức năng sớm thông qua quyết định về biểu giá điện; Luật Điện lực cần quy định rõ cho phép làm bao nhiêu phần trăm điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp.
Ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cảm ơn các ý kiến góp ý của cử tri và cho biết đoàn sẽ nghiên cứu, tổng hợp, phân tích đánh giá và cung cấp cho từng đại biểu trong đoàn có thông tin phục vụ kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Phương Thuý