BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh: Góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự

Cập nhật ngày: 09/01/2011 - 10:30

Vừa qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tổ chức họp góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về cơ bản các vị ĐBQH Tây Ninh thống nhất với nội dung dự thảo luật, nhưng đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ thêm một số vấn đề sau:

Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh trong một cuộc tiếp xúc cử tri tháng 4.2010.

Các vị ĐBQH Tây Ninh đề nghị dự thảo luật cần quy định trách nhiệm cung cấp chứng cứ đầy đủ và đúng thời hạn tài liệu, chứng cứ mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự, Toà án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân. Về việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự (khoản 2, Điều 1), đề nghị quy định Viện Kiểm sát được tham gia và phát biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật tố tụng của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ việc và kể cả phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án đối với tất cả các vụ án dân sự do Toà án giải quyết để Viện Kiểm sát thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình trong tố tụng dân sự, vừa bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự phù hợp với từng giai đoạn tố tụng. Về thẩm quyền của Toà án đối với quyết định của cơ quan, tổ chức khác (khoản 4, Điều 1), các đại biểu đề nghị cần cân nhắc lại quy định Toà án có quyền huỷ quyết định rõ ràng trái pháp luật của cơ quan tổ chức khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự để tránh hậu quả pháp lý về sau, và để phù hợp với quy định của Luật Tố tụng hành chính về quyền huỷ quyết định hành chính.

Về vấn đề áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, ĐBQH đề nghị quy định rõ người có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải là nguyên đơn và người có quyền lợi liên quan trong vụ án. Đồng thời, việc buộc thực hiện biện pháp bảo đảm khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (khoản 20, Điều 1). Đề nghị cần có quy định linh động đối với các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, và nhất trí trong khi chưa nghiên cứu một cách đầy đủ thì không nên bổ sung quy định chứng từ bảo lãnh của ngân hàng, tổ chức tín dụng khác hoặc của cá nhân, cơ quan tổ chức khác là biện pháp bảo đảm khi đương sự yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; thực hiện như Điều 120 của BLTTDS hiện hành, theo đó người yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Toà án ấn định để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có yêu cầu.

Các vị ĐBQH Tây Ninh còn góp ý một số vấn đề cụ thể khác về các điều khoản của dự thảo luật.

KIM CHI