Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Lãnh đạo hai trường báo cáo đoàn nhiệm vụ được giao về công tác đào tạo, thực trạng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, kết quả tuyển sinh, đào tạo và các kiến nghị liên quan.

Để phục vụ chương trình giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021-2024 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”, sáng 24.2, đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức đoàn khảo sát tại trường Cao đẳng Sư phạm và trường Cao đẳng nghề Tây Ninh.
Bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn khảo sát; tham gia đoàn có lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, Uỷ ban MTTQVN tỉnh, lãnh đạo Sở Nội vụ.
Tại Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh, Ban Giám hiệu nhà trường cho biết, trong giai đoạn 2021-2024, trường đã tuyển sinh 4 ngành đào tạo gồm: Giáo dục Mầm non, Tiếng Anh, Công nghệ thông tin và Quản trị văn phòng. Kết quả tuyển sinh năm 2021 có 228/250 chỉ tiêu; năm 2022 có 237/250 chỉ tiêu; năm 2023 có 261/250 chỉ tiêu; năm 2024 có 276/250 chỉ tiêu. Trong giai đoạn này, có 630 sinh viên tốt nghiệp các ngành đào tạo. Nhà trường cũng đã liên kết đào tạo với 4 trường đại học, với 259 học sinh/9 lớp.
Các thành viên đoàn khảo sát đề nghị trường làm rõ một số nội dung liên quan về công tác tuyển sinh, tốt nghiệp, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm theo nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ, việc liên kết đào tạo, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học… Các nội dung này được Ban Giám hiệu nhà trường và đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời làm rõ.
Phó trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Hoàng Thị Thanh Thúy đề nghị nhà trường bổ sung kiến nghị phân cấp giao quyền giao chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm về địa phương; nêu rõ những khó khăn, nguyên nhân khách quan, chủ quan của việc chậm chi trả chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116 của Chính phủ; bổ sung báo cáo cụ thể các đề tài nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng thực tế tại các cơ sở giáo dục...
Tại trường Cao đẳng nghề Tây Ninh, báo cáo đoàn khảo sát, Ban giám hiệu nhà trường cho biết, hiện nay, trường thực hiện đào tạo nghề 3 cấp trình độ: cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên. Trong đó, hệ cao đẳng có 6 ngành, hệ trung cấp 15 ngành, sơ cấp 8 ngành.
Với phương châm đa dạng hoá các loại hình đào tạo và mở rộng ngành nghề đào tạo, hằng năm, nhà trường tuyển sinh và đào tạo nghề các hệ chính quy cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu về lực lượng lao động có tay nghề cho các thành phần kinh tế trong tỉnh, nhất là trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ và dịch vụ.
Công tác tuyển sinh bảo đảm đạt và vượt chỉ tiêu đăng ký. Công tác phối hợp doanh nghiệp trong việc đào tạo được đầu tư và bảo đảm học sinh, sinh viên trước khi ra trường có thời gian thực tập tốt nghiệp tại các doanh nghiệp 1 tháng.
Theo thống kê của trường, kết quả sau 6 tháng ra trường, tỷ lệ có việc làm đối với sinh viên hệ cao đẳng là 90% (trong đó các ngành nghề thuộc nhóm điện - cơ khí tỷ lệ việc làm 100%); đối với hệ trung cấp, tỷ lệ có việc làm 40% - tỷ lệ này khá thấp do học sinh hệ trung cấp tốt nghiệp chưa đủ 18 tuổi.
Lãnh đạo trường nêu một số khó khăn về tình trạng thiếu giáo viên, trang thiết bị, phương tiện giảng dạy không theo kịp sự thay đổi về công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp, tỷ lệ học sinh sinh viên (HSSV) chính quy bỏ học khá nhiều, nhất là học sinh đầu vào tốt nghiệp THCS.
Lãnh đạo trường cũng đã trả lời một số nội dung các thành viên đoàn đặt ra về công tác liên kết đào tạo, cơ sở vật chất, nhân lực, phân bổ kinh phí đào tạo nghề hằng năm để phục vụ hoạt động của nhà trường; cách thức nắm bắt thông tin thị trường lao động để định hướng ngành nghề đào tạo; việc chuẩn bị sáp nhập trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật với trường Cao đẳng nghề…
Trường kiến nghị tiếp tục thực hiện chính sách miễn giảm học phí cho đối tượng học nghề; các doanh nghiệp tạo điều kiện hơn nữa để nhà trường tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghề, tiếp nhận HSSV thực tập; đề nghị cấp bộ ngành quan tâm ban hành chính sách thu hút nhà giáo có trình độ cao, kinh nghiệm thực tiễn từ doanh nghiệp, các chuyên gia nước ngoài tham gia giảng dạy tại các trường cao đẳng nhằm nâng cao năng lực đào tạo.
Trưởng đoàn khảo sát đề nghị nhà trường bổ sung kiến nghị cung cấp thông tin thị trường lao động; kiến nghị cụ thể hơn đối với từng cấp, từng ngành để bảo đảm các kiến nghị sau giám sát sẽ được chuyển đến đúng các cơ quan chức năng trả lời, giải quyết.
Phương Thuý