BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh: Lấy ý kiến đóng góp 2 dự án luật về dự trữ quốc gia và điện lực

Cập nhật ngày: 14/09/2012 - 10:35

(BTN)- Ngày 14.9.2012, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị góp ý cho 2 Dự án Luật gồm: Luật Dự trữ quốc gia và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành, MTTQ tỉnh; lãnh đạo và chuyên viên Văn phòng Đoàn ĐBQH. Đại biểu Nguyễn Thành Tâm - Phó trưởng Đoàn ĐBQH chủ trì hội nghị. 

Dự án Luật Dự trữ quốc gia gồm 6 Chương, 63 Điều. Theo Luật, dự trữ quốc gia do Nhà nước hình thành, sử dụng nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước. Luật này quy định việc hình thành, tổ chức quản lý, điều hành và sử dụng dự trữ quốc gia; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc hình thành, tổ chức quản lý, điều hành và sử dụng dự trữ quốc gia. 

Các đại biểu tham dự hội nghị thống nhất đánh giá: Việc ban hành Luật dự trữ quốc gia là cần thiết, cấp bách, phù hợp với tình hình phát triển KT-XH và thực hiện nhiệm vụ QP-AN của đất nước. Các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung của Dự án luật và góp ý tập trung vào các nội dung sau: Về việc huy động các doanh nghiệp tham gia vào việc dự trữ, đề nghị quy định thêm việc ưu đãi để các doanh nghiệp và toàn dân tham gia; Cần ghi rõ việc tạo điều kiện về đất đai, nhất là đất đai trong quy hoạch để thực hiện việc dự trữ; Danh mục mặt hàng dự trữ chỉ ghi “đạt chuẩn” là chưa rõ, cần xác định cụ thể; Cơ chế mua và bán hàng dự trữ cần quy định rõ, tránh sự trùng lắp với quy định ở các luật khác; Quy định về dự trữ cho QP-AN khá rộng, nhưng chưa cụ thể, cần quy định rõ, kể cả việc người nước ngoài có được tham gia không. Đại biểu cũng cho rằng, dự án Luật cũng nên bỏ cụm từ “tạo điều kiện” vì không rõ nghĩa. Về việc quy định danh mục hàng dự trữ quốc gia, nên giao quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để việc điều chỉnh khi cần thiết được nhanh chóng, kịp thời hơn; Việc ban hành tình trạng cấp bách cần có quy định cụ thể, chi tiết; Cần làm rõ giữa Quỹ dự trữ quốc gia với Quỹ dự phòng tại chỗ của các địa phương; Cần quy định rõ việc tổ chức hệ thống dự trữ quốc gia từ Trung ương đến cấp tỉnh; phương thức dự trữ nên theo đặc thù từng vùng, miền và có cơ chế giao cho địa phương quyền chủ động. Đại biểu còn góp ý Dự án Luật không có quy định xử lý vi phạm, cần thiết phải bổ sung.

Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực số 28/2004/QH11, dự án luật đề nghị sửa đổi, bổ sung  tại 19 điều, khoản chủ yếu tập trung vào chính sách phát triển điện lực, với các nội dung cơ bản: Giá bán buôn, bán lẻ điện; Giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; Ưu tiên phát triển điện phục vụ vùng đặc biệt khó khăn; Đầu tư phát triển điện lực phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực; Hình thành và phát triển thị trường điện lực; Tổ chức kiểm toán năng lượng điện, báo cáo tài chính đã được kiểm toán của đơn vị điện lực; Thiết bị đo, đếm điện; Việc xây dựng khung giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế quản lý, điều chỉnh giá; Thanh tra chuyên ngành điện lực v.v...

Đại biểu dự hội nghị góp ý: Đề nghị bổ sung quy định phạm vi sai số cho phép về đo lường điện lực; Việc quy định quy hoạch phát triển điện lực theo phạm vi cấp tỉnh và vùng còn nhiều bất cập, chỉ thực hiện ở cấp tỉnh và toàn quốc; Nên giao quyền quy hoạch phát triển điện lực cho các thành phố và thị xã; Về giá bán điện cần có sự điều chỉnh linh hoạt theo tiến trình hội nhập quốc tế; Việc cho vay ưu đãi các dự án phát triển điện lực chưa phát huy hiệu quả do thời gian đáo hạn ngắn, nguồn vốn không đáp ứng nhu cầu; Thủ tục đầu tư còn rườm rà, phức tạp; Việc quy định thang bậc giá bán điện tăng dần theo chỉ số điện tiêu thụ là chưa phù hợp, không khuyến khích được việc sử dụng điện vào sản xuất kinh doanh và việc đầu tư phát triển nguồn điện năng của các doanh nghiệp; Ngành Điện lực cần công khai làm rõ các loại phí cộng vào giá thành điện người tiêu dùng phải trả; Việc quy định ngành Điện phải tổ chức bán điện đến hộ gia đình, nhưng hiện tại chỉ bán đến trụ cột điện (nơi gắn đồng hồ đo đếm) là chưa hợp lý.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm- Phó trưởng Đoàn ĐBQH làm rõ một số vấn đề thuộc phạm vi của địa phương, ngành tỉnh và ghi nhận những ý kiến đóng góp để báo cáo với Ban soạn thảo Luật và báo cáo tại kỳ Quốc hội vào cuối tháng 10 tới.

KHẮC LUÂN