BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐB Quốc hội lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Dân quân tự vệ

Cập nhật ngày: 14/05/2009 - 09:04

Ngày 12.5.2009, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đã tổ chức lấy ý kiến dự án Luật Dân quân tự vệ.

Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận và góp ý nhiều nhất là quy định “Thời hạn thực hiện nghĩa vụ Dân quân là 4 năm; đối với Dân quân ở các xã biên giới, hải đảo, miền núi, vùng cao, thời hạn này được kéo dài không quá 6 năm”. Các đại biểu đề nghị thời hạn thực hiện nghĩa vụ Dân quân là 3 năm, đối với các xã biên giới… kéo dài không quá 4 năm vì thực tế đã có sự so sánh giữa thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự (18 tháng) và thời gian tham gia dân quân (4-6 năm) của gia đình và thanh niên trong độ tuổi này nên công tác tuyển chọn thanh niên vào lực lượng dân quân tự vệ gặp nhiều khó khăn.

Về việc tổ chức lực lượng Tự vệ trong các doanh nghiệp (Điều 18 Dự thảo), các đại biểu đề nghị chỉ tổ chức Tự vệ ở các doanh nghiệp có từ 50 lao động, trong độ tuổi tham gia nghĩa vụ Dân quân tự vệ trở lên. Riêng doanh nghiệp hoạt động trên biển thì có từ 25 người trong độ tuổi lao động trở lên và đã ổn định kinh doanh từ 12 tháng trở lên. Tuy nhiên, phải tháo gỡ được một mâu thuẫn lớn bằng cơ chế, chính sách về hệ thống đồng bộ của pháp luật. Nếu chỉ tổ chức lực lượng Tự vệ trong các doanh nghiệp có tổ chức Đảng, hoặc tổ chức chính trị khác thì không thể hiện được sự công bằng xã hội và bỏ qua một lực lượng lao động rất lớn thực hiện nghĩa vụ Dân quân tự vệ, làm giảm việc xây dựng nguồn lực quốc phòng. Ngược lại, nếu tổ chức Tự vệ ở tất cả các loại hình doanh nghiệp thì tạo được công bằng xã hội, nhưng thực hiện việc quản lý, sử dụng, chỉ huy Tự vệ lại gặp nhiều khó khăn. Đề nghị xây dựng lực lượng Tự vệ trong các loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước nên tính đến quy mô về lao động và vốn, tính chất sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tính đến việc bảo đảm bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp.

Về Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, các đại biểu đề nghị quy định tất cả các xã đều bố trí 4 chức danh, cụ thể: Chỉ huy trưởng là cán bộ công chức cấp xã; Chính trị viên là Bí thư Đảng uỷ (Chi bộ) xã kiêm nhiệm; Phó chỉ huy là cán bộ chuyên trách quân sự cấp xã, là người giúp Chỉ huy trưởng và sẵn sàng thay thế khi Chỉ trưởng vắng mặt; Chính trị viên phó là cán bộ kiêm nhiệm (Bí thư đoàn thanh niên cấp xã) là người giúp Chính trị viên về công tác chính trị đối với xây dựng lực lượng Dân quân, Dự bị động viên, công tác tuyển quân. Các đại biểu cũng đề nghị chức danh Chính trị viên phó là cán bộ không chuyên trách do Chính phủ quy định, vì Chính trị viên phó kiêm nhiệm Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sẽ không đảm nhiệm hết và phát huy được hiệu quả công việc.

Về chế độ Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế của Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, các đại biểu đề nghị Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã là cán bộ chuyên môn về quân sự thuộc cấp xã, trong thời gian giữ chức danh này được hưởng chế độ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Về việc tổ chức lực lượng dân quân thường trực ở các xã, các đại biểu đề nghị tất cả các xã trong cả nước đều phải có lực lượng Dân quân thường trực. Đối với các xã biên giới, hải đảo, xã trọng điểm quốc phòng, an ninh thì số lượng dân quân sẽ bố trí nhiều hơn so với các xã bình thường khác để đảm bảo công tác sẵn sàng chiến đấu, không nên quy định như dự thảo luật là chỉ tổ chức lực lượng dân quân ở các xã biên giới và các xã trọng điểm về an ninh quốc phòng.

Về nguồn ngân sách đảm bảo cho Dân quân tự vệ huấn luyện, các đại biểu đề nghị phải đảm bảo từ các nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, kinh phí bảo đảm của các doanh nghiệp, quỹ quốc phòng và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật. Do đó, các đại biểu đề nghị duy trì việc xây dựng quỹ quốc phòng – an ninh để chi hỗ trợ cho hoạt động và huấn luyện của lực lượng này và xác định được trách nhiệm xây dựng lực lượng vũ trang của Nhà nước.

Về vấn đề cấp phát trang phục, sao mũ cho lực lượng dân quân tự vệ, các đại biểu đề nghị dân quân tự vệ là thành phần lực lượng vũ trang nên có sao mũ, trang phục là cần thiết, phải quy định trong dự thảo.

Ngoài ra, các đại biểu còn đóng góp một số nội dụng cụ thể của các Điều luật.

Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ ghi nhận tất cả các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự để phát biểu trên diễn đàn Quốc hội.

L.K.C