BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH: Cần làm rõ căn cứ đề ra mức xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm

Cập nhật ngày: 14/04/2010 - 05:31

Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh tổ chức họp thảo luận và góp ý kiến dự án Luật An toàn thực phẩm để chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XII dự kiến diễn ra vào tháng 5.2010.

Các đại biểu cơ bản thống nhất với các quy định của dự thảo Luật, đồng thời đề nghị làm rõ một số vấn đề như sau: đề nghị trong Luật nên có một điều quy định riêng về xã hội hoá công tác quản lý an toàn thực phẩm để phát huy vai trò của các hội, hiệp hội trong công tác quản lý thực phẩm, khuyến khích và đầu tư cho hội, hiệp hội thực hiện một số công việc như tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm, tham gia xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn thực phẩm để phục vụ quản lý an toàn thực phẩm.

Về chế tài xử lý vi phạm, các đại biểu đề nghị nên có mức xử lý mạnh hơn theo hướng tăng nặng biện pháp chế tài và xử lý nghiêm các hành vi gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Đáng chú ý, các đại biểu thống nhất đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm cần phải công bố công khai các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng. Về chính sách của Nhà nước, các đại biểu thống nhất đề nghị Luật cần quy định cụ thể các chính sách tín dụng, cơ sở vật chất, phương tiện, thuế, chuyển giao công nghệ ưu tiên, tổ chức tập huấn... vì theo dự thảo Luật, các đại biểu cho rằng quy định quá chung chung. Đối với thực phẩm được sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ lẻ các đại biểu thống nhất việc quản lý an toàn thực phẩm được thực hiện theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh vì việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ lẻ dễ phát sinh thực phẩm không an toàn, nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao; trình độ, kỹ thuật sản xuất thấp cũng như trang, thiết bị sử dụng lạc hậu. Đặc biệt cần chú ý đến thức ăn đường phố và tại các chợ.

Ngoài ra các đại biểu còn tập trung thảo luận một số nội dung cụ thể như: Trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, các đại biểu thống nhất đề nghị giao Bộ Y tế làm đầu mối và chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ. Về xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, các đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn và căn cứ quy định mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính (nhiều nhất không quá 7 lần giá trị hàng hoá vi phạm đã tiêu thụ). Một đại biểu đặt vấn đề: Quy định như dự thảo Luật có phù hợp với quy định xử phạt vi phạm hành chính và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan không? Về các thiệt hại phải bồi thường do thực phẩm không đảm bảo an toàn. Các đại biểu đề nghị trong luật cần quy định rõ về các tiêu chí và mức độ cụ thể để quy định mức thiệt hại phải bồi thường. Bên cạnh đó có ý kiến đại biểu đề nghị để bảo vệ quyền lợi, khách hàng phải được bồi thường chi phí để khắc phục hậu quả do không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Người sản xuất và người cung cấp thực phẩm phải chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả, bao gồm các chi phí như thưa kiện, khởi kiện... và các chi phí khác trong quá trình giải quyết vụ đền bù.

Thanh Nhàn