Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 21.10, Tổ đại biểu Quốc hội số 52 thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV.
Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh thảo luận, đóng góp ý kiến đối với các báo cáo KTXH của Chính phủ.
Trong chương trình làm việc buổi sáng, Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận về báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).
Đại biểu thống nhất theo đề nghị của thành phố Hồ Chí Minh là để lại cho thành phố 25% nguồn thu là phù hợp; cần sớm thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27. Đối với Luật Quy hoạch, cần xác định nguồn vốn quy định theo Điều 9 của Luật vì hiện nay các văn bản hướng dẫn chưa thống nhất.
Các đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ cần bổ sung đánh giá tình hình thực hiện các chính sách đối với doanh nghiệp, các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để bổ sung, sửa đổi, đơn giản hoá thủ tục giúp các đối tượng thụ hưởng dễ dàng được tiếp cận cính sách.
Trong công tác phòng, chống dịch, đại biểu đề nghị Chính phủ tính toán đầu tư cho y tế dự phòng nhiều hơn; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu vaccine và thuốc điều trị Covid-19 trong nước. Đối với các trẻ em mồ côi trong đại dịch Covid-19, đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có giải pháp hỗ trợ đặc biệt để các em được chăm sóc, bảo đảm quyền trẻ em.
Chiều cùng ngày, Đoàn thảo luận về Dự án Luật Cảnh sát cơ động và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Các đại biểu thống nhất việc cần có văn bản Luật có pháp lý cao thay thế Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013 và đánh giá cơ quan trình dự thảo Luật này có sự chuẩn bị công phu, trình kèm nghị định hướng dẫn thực hiện khi Luật có hiệu lực thi hành, đó là một tiến bộ đáng ghi nhận. Đồng thời, góp ý một số nội dung Điều 3, khoản 3 Điều 9, khoản 5 Điều 17, khoản 2 Điều 21 và đề nghị giải thích rõ cụm từ “hàng đặc biệt” tại điểm b, khoản 2 Điều 10…
ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thuý thảo luận, đóng góp ý kiến về các giải pháp phục hồi KT-XH sau đại dịch.
Thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu cho rằng đối với tranh chấp quyền tác giả hay về nhãn hiệu thì xử lý hành chính ngay nhưng nếu tranh chấp về quyền sáng chế thì xử lý hành chính sẽ không phù hợp mà nên chuyển sang dân sự.
Khi Luật đã qua nhiều lần sửa đổi nên ban hành Luật mới thay thế. Luật sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2005 được sửa đổi 2 lần và hiện nay tiếp tục sửa đổi 90 điều, đề nghị Ban soạn thảo nên hệ thống lại và quyết định hình thức là Luật thay thế hay sửa đổi cho phù hợp.
Phương Thuý