BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh: Chất lượng hoạt động giám sát từng bước được nâng lên

Cập nhật ngày: 28/08/2013 - 06:25
HTML clipboardĐoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đã nêu nguyên nhân thành công, bài học kinh nghiệm và những tồn tại, hạn chế, qua đó có những đề xuất, kiến nghị thiết thực, cụ thể lên Quốc hội.

Ông Lê Minh Trọng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh phát biểu tại hội nghị

(BTN) - Chiều ngày 26.8.2013, tại văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị tổng kết việc thực hiện Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001 và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003. Ông Hồ Thanh Tuyên- nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Trưởng đoàn ĐBQH khoá X cùng các ĐBQH khoá X, XI, XII, XIII; lãnh đạo HĐND, MTTQVN tỉnh và các sở, ngành có liên quan đến dự. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh Lê Minh Trọng chủ trì hội nghị.

Báo cáo nêu, Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội đã xác định rõ vị trí, vai trò của Quốc hội trong bộ máy Nhà nước, quy định cụ thể các nội dung về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và phương thức hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và ĐBQH, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội thực hiện tốt vai trò cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan duy nhất có quyền lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Qua các nhiệm kỳ Quốc hội từ năm 2001 đến nay, các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; vị trí, vai trò của ĐBQH tỉnh Tây Ninh ngày càng được đề cao; chất lượng hoạt động ngày một nâng lên (100% ĐBQH đạt trình độ đại học trở lên). Việc lập chương trình kế hoạch và nội dung giám sát đã tập trung vào những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm. Cách thức tổ chức ngày càng bài bản, linh hoạt. Nhiều ý kiến của Đoàn ĐBQH tỉnh đã giúp địa phương nhận thấy những thiếu sót trong quản lý, điều hành, kịp thời rút kinh nghiệm và xử lý những vấn đề qua giám sát, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức của Nhà nước và nhân dân địa phương.

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003 đã đánh dấu bước đổi mới quan trọng trong việc cụ thể hoá chức năng giám sát tối cao của Quốc hội bằng những quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể giám sát (trong đó có Đoàn ĐBQH và ĐBQH). Căn cứ Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH và thực tiễn tình hình kinh tế, xã hội tại địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai các nội dung giám sát ngay từ đầu năm. Ngoài ra, xuất phát từ thực tiễn hoạt động, trong 6 tháng đầu năm, theo yêu cầu giám sát của cơ quan Quốc hội, Đoàn đã kịp thời điều chỉnh, bổ sung và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Từ năm 2003 đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 26 cuộc giám sát độc lập và 8 cuộc khảo sát chuyên đề; tham gia trên 20 đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội. Qua giám sát, Đoàn đã có trên 100 kiến nghị gởi đến Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh.

Chất lượng kiến nghị của Đoàn từng bước được nâng lên, nhiều nội dung kiến nghị được Chính phủ, các cơ quan xem xét, tiếp thu, có điều chỉnh trong quá trình điều hành và ban hành các chính sách chung. Đặc biệt, có một số nội dung kiến nghị cụ thể được Chính phủ có ý kiến chỉ đạo các cơ quan Trung ương, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành hữu quan xem xét giải quyết như: cơ chế quản lý, sử dụng đất của các doanh nghiệp Nhà nước, đất nông lâm trường; sửa đổi Luật Đất đai...

Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đã nêu nguyên nhân thành công, bài học kinh nghiệm và những tồn tại, hạn chế, qua đó có những đề xuất, kiến nghị thiết thực, cụ thể lên Quốc hội, để hoạt động của Đoàn ĐBQH và ĐBQH ngày càng hiệu quả hơn.

DUY ĐỨC